Địa phương đầu tiên không còn dịch tả lợn châu Phi

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi bùng phát và lây lan ra 63/63 tỉnh, TP trên cả nước, đến nay đã có địa phương đầu tiên không còn dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), đó là tỉnh Hưng Yên.

Ngày 1/2/2019, Việt Nam phát hiện ổ DTLCP đầu tiên tại Hưng Yên. Do đặc tính của bệnh không có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị, tỷ lệ chết cao, cơ chế lây lan phức tạp, dịch đã lây lan diện rộng.
Tính đến giữa tháng 9/2019, 10 huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh Hưng Yên đã xảy ra bệnh DTLCP. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 197.377 con với trên 11.166 tấn, chiếm tỷ lệ khoảng 30% tổng đàn.
Hưng Yên là địa phương đầu tiên không còn bệnh dịch tả lợn châu Phi
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị sáng 17/10, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh không còn địa phương nào báo cáo có dịch. “Ngày 16/10/2019, đoàn công tác Bộ NN&PTNT đã về kiểm tra tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kết quả đánh giá rất tích cực. Hiện, tỉnh đang tiến hành các thủ tục để công bố hết DTLCP…” - đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên cho hay.
Chia sẻ về công tác phòng, chống bệnh DTLCP thời gian qua, ông Nguyễn Văn Tráng cho biết, ngay sau khi phát hiện dịch, UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, các hội nghị trực tuyến để quán triệt chủ trương thực hiện nhiệm vụ khống chế dịch bệnh.
Tỉnh đã thành lập và duy trì 10 chốt kiểm dịch liên ngành cấp tỉnh, 15 chốt cấp huyện, 280 chốt cấp xã. Hướng dẫn công tác kiểm đếm, thống kê, hỗ trợ tiêu hủy lợn bị bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch.
10 lớp tập huấn tại 10 huyện, thị xã, TP với sự tham gia của 1.651 người cũng đã được tổ chức. Đặc biệt, tỉnh đã phát động 3 chương trình xúc tiến tiêu thụ thịt lợn an toàn. Tổng số thịt lợn được tiêu thụ qua các đợt phát động  là trên 7.934 tấn.
Thực hiện Nghị quyết số 16/NĐ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã tổ chức kiểm dịch được 36.055 con lợn giống, 38.815 con lợn thịt ở những trại chăn nuôi an toàn sinh học; khi có kết quẩ âm tính thì được phép vận chuyển ra khỏi vùng dịch theo hướng dẫn của thú y, nhằm hỗ trợ tiêu thụ, giảm thiệt hại cho các hộ chăn nuôi…
Cùng với các giải pháp trên, tỉnh cũng chủ động bố trí kinh phí để thực hiện khử trùng, tiêu độc và hỗ trợ chủ vật nuôi bị tiêu hủy. Theo đó, cùng với 18.000 lít hóa chất T.Ư hỗ trợ, tỉnh đã chi hỗ trợ 51.636 lít hóa chất, cấp huyện 10.539 lít, 345 tấn vôi bột; cấp xã 6.762 lít, 2.004 tấn vôi bột và gần 2 tỷ đồng tiền công phun…
Bên cạnh đó, Hưng Yên cũng tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi trang trại, doanh nghiệp chuyển sang chăn nuôi tập trung các đối tượng vật nuôi khác như đại gia súc, gia cầm, thủy cầm bảo đảm an toàn sinh học, kết hợp chế phẩm vi sinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần