Dịch ảo lo hơn dịch thật

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã 16 năm kể từ khi dịch SARS kết thúc (2004) với bao nỗi kinh hoàng, tới hiện tại hàng loạt các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, lại tiếp tục phải đối mặt với nạn dịch mới mang tên virus Corona. Khả năng lây lan cao, số lượng người nhiễm bệnh cũng như tử vong tăng nhanh theo từng ngày đã khiến Corona là nỗi ám ảnh với hầu hết mọi người. Nhưng khác với nhiều năm trước, cùng sự phát triển của mạng xã hội, dịch bệnh này đang được thổi phồng quá mức khiến nó thực sự biến thành nỗi ác mộng mỗi khi được nhắc tới.

 Thông tin sai sự thật về dịch nCoV trên mạng xã hội
Thực vậy, chỉ một quãng thời gian rất ngắn sau thời điểm những ca nhiễm virus Corona đầu tiên được công bố, tin giả và tin sai sự thật đã liên tục xuất hiện nhằm ăn theo sự kiện đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Người dùng có thể dễ dàng đọc được những thông tin bịa đặt xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter ... Và thật đáng ngạc nhiên khi những tin giả, tin sai sự thật đó lại được tin tưởng và lan truyền với tốc độ chóng mặt, thậm chí còn vượt qua cả thông tin đã được kiểm chứng rõ ràng từ các cơ quan có chức năng như báo chí, Bộ Y tế...
Không chỉ xuất phát từ tính hám danh, câu view để nổi tiếng, kiếm tiền, thể hiện cái tôi... không ít đối tượng đã chủ đích tung ra các tin giả, tin sau sự thật về virus Corona mà trong đó có cài cắm những thông điệp kích động chính trị, gây mất ổn định quan hệ Việt - Trung như đòi đóng của biên giới, đoạn tuyệt quan hệ giữa hai quốc gia... Cần phải khẳng định, chính những thông tin dạng này đã làm gia tăng đáng kể sự sợ hãi, thậm chí là nghiêm trọng quá mức cần thiết khi nhìn nhận về virus Corona. Việc gia tăng giá khẩu trang y tế lên tới 20 - 40 lần so với bình thường cũng có nguyên nhân không nhỏ đến từ mạng xã hội.
Trên thực tế, nhiều đối tượng tung tin giả, tin sai sự thật về virus Corona đã phải trả giá cho hành động của mình khi liên tục được cơ quan chức năng triệu tập và xử lý vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng. Đáng ngạc nhiên, trong số này còn có cả những người nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng hay Ngô Thanh Vân đã vô tình tiếp tay cho tin giả, tạo nhiều hoang mang về dịch bệnh. Được biết, cơ quan chức năng đã vào cuộc để xử lý trường hợp của 3 nghệ sĩ này.
Không chỉ tại Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã mạnh tay nhằm dẹp nạn tin giả, tin sai sự thật về dịch Corona. Theo thống kê sơ bộ Trung Quốc đã bắt giam và phạt 250 người lan truyền những tin đồn thất thiệt, tại Malaysia con số này là 5 người với mức phạt có thể lên đến 12.000 USD hoặc ngồi tù. Thậm chí tại Kuwait, quốc gia không nằm trong khu vực có dịch đã coi việc lan truyền các thông tin giả về virus Corona là một hình thức “khủng bố người dân” và xác định mức phạt cho hành vi này có thể lên tới 5 năm tù.
Mới đây, trong chỉ thị về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh do virus Corona gây ra của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là phải bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt. Trong đó, cần kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời chủ động đấu tranh, đàm phán với Facebook và Google để yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ các video clips, thông tin sai sự thật về dịch bệnh, các tài khoản giả mạo đưa tin không đúng sự thật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần