Dịch bệnh, phép thử cho ngành nông nghiệp Hà Nội

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngoài những tác động bất lợi, dịch Covid -19 chính là cơ hội để ngành nông nghiệp chủ động tái cơ cấu, lựa chọn phương thức sản xuất thích ứng với mọi điều kiện.

 Chăn nuôi gà Mía tại Sơn Tây. Ảnh: Nguyễn Nga

Sản xuất nông hộ dễ bị “tổn thương”
Ngay từ đầu năm 2020, ngành nông nghiệp đã phải đương đầu với nhiều khó khăn. Trong khi ngành chăn nuôi chưa kịp phục hồi do dịch tả lợn châu Phi lại tiếp tục phải đương đầu với dịch cúm gia cầm. Cùng với đó, dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng trực tiếp các hoạt động chuyên môn về phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh động vật. Dịch tác động trực tiếp đến thị trường tiêu thụ của các loại nông sản, đây vốn được coi là điểm yếu của ngành nông nghiệp trong nước. Thời điểm này, nhiều loại nông sản ế ẩm, mất giá, thậm chí phải phá bỏ ngay tại ruộng, do khâu tiêu thụ bị đứt gãy và cụm từ “giải cứu” lại xuất hiện ở nhiều địa phương.
Hà Nội hiện phát triển 138 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó 55 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 83 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Đã có 8 cơ sở với 18 điểm kinh doanh thực phẩm được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tại HTX nông nghiệp Hương Ngải (Thạch Thất) hiện đang canh tác 15ha rau, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường trên 1 tấn rau các loại. Vào thời gian cao điểm HTX phải thuê tới 40 lao động. Tuy nhiên hiện tại chỉ còn lại 5 lao động, do HTX không đủ chi phí chi trả. Giám đốc HTX nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban cho biết: “Do không có nơi tiêu thụ, giá rau xuống thấp không đủ công thu hoạch, có ngày HTX phải tiêu hủy trên 1 tấn rau ngay tại ruộng làm phân bón”. Trong khi đó, tại vựa hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), người nông dân cũng phải phá bỏ thành quả lao động của mình ngay tại ruộng sau nhiều tháng ròng đổ mồ hôi, công sức. Nguyên nhân cũng bởi những bản hợp đồng miệng dễ dàng bị hủy bỏ khi dịch xảy ra. Cũng là nạn nhân của những bản hợp đồng miệng, tại thủ phủ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm ở Ứng Hòa – nơi sản xuất ra 700.000 quả trứng/ngày cũng vừa phải phát động chương trình giải cứu trứng. Nguyên nhân là khi dịch Covid-19 xảy ra, các lái buôn đồng loạt ngừng nhập hàng, gây nên tình trạng ùn ứ trứng tại các hộ sản xuất.
Câu chuyện giải cứu, hay tình trạng được mùa mất giá đã là điệp khúc thường xuyên xảy ra trong ngành nông nghiệp nhiều năm nay. Điều đáng nói ở đây là tình trạng này chủ yếu rơi vào những hộ sản xuất nhỏ lẻ. Trong khi đó, sản xuất nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 60% trong ngành nông nghiệp của Hà Nội.
Liên kết chuỗi khẳng định ưu điểm
Trong khi nhiều loại nông sản lao đao theo dịch, thì những cơ sở sản xuất theo chuỗi liên kết trên địa bàn TP vẫn duy trì tăng trưởng khá. Giám đốc HTX Hoàng Long (Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long chia sẻ: Do chủ động được từ con giống, thức ăn, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, nên thời gian qua mặc cho dịch bệnh và giá cả thị trường nhiều biến động, nhưng HTX vẫn cam kết giữ ổn định giá và bảo đảm nguồn cung ra thị trường. Hiện trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn thịt lợn, với giá dao động 135.000 - 140.000 đồng/kg.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Vừa qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra nắm tình hình sản xuất tại các địa phương, để có những điều chỉnh cũng như hỗ trợ phù hợp. Thực tế có thể thấy, hướng sản xuất theo chuỗi liên kết đã phát huy ưu điểm, giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia. Theo ông Đăng, tuy dịch bệnh đã gây thiệt hại kinh tế lớn cho ngành nông nghiệp, nhưng đây cũng được coi là cơ hội để ngành tái cơ cấu sản xuất theo chuỗi khép kín, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất. Ngành nông nghiệp buộc phải có các giải pháp phù hợp, sản xuất đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu bùng nổ về nhu cầu lương thực và thực phẩm sau khi hết dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần