Dịch bệnh sốt xuất huyết hoành hành

Trần Nam - Nguyễn Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội và các tỉnh phía Nam đang bước vào mùa cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Tại các bệnh viện (BV) tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng đến điều trị, ít nhất 3 trường hợp mắc SXH đã tử vong do nhập viện muộn.

Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, dịch SXH sẽ lan rộng và bùng phát trên cả nước.
Gần 70.000 ca mắc
Chỉ trong một tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 162 trường hợp mắc mới SXH. Bệnh nhân liên tục tăng cao trong những tuần gần đây. Tính từ đầu năm đến nay, toàn TP đã có 1.544 ca SXH tại 30 quận, huyện.
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm này, dịch SXH đã “vào mùa”, song do số mắc chưa tăng vọt nên nhiều người còn chủ quan, hoặc nhận thức sai lầm trong phòng, điều trị bệnh… PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Phun thuốc diệt muỗi tại một hộ gia đình phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ.  Ảnh: Hải Linh
Kết quả giám sát vật trung gian truyền bệnh SXH tại một số khu vực trọng điểm trên địa bàn Hà Nội những năm qua như: Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); phường Trung Tự và phường Phương Liên (quận Đống Đa); phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai); xã Tân Triều (huyện Thanh Trì)… cho thấy, đã có sự gia tăng về chỉ số nguy cơ gây dịch bệnh thời gian gần đây.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh đánh giá mùa dịch SXH 2019 đã bắt đầu khi mưa liên tục kết hợp nắng nóng, đặc biệt là ở miền Nam. Trong 6 tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận gần 50.000 người mắc SXH, cao hơn 139% so với cùng kỳ năm trước.
Tại các BV trên địa bàn, số ca bệnh SXH nhập viện điều trị đang tăng nhanh. Riêng BV Bệnh nhiệt đới (TP Hồ Chí Minh), những ngày gần đây, số ca nhập viện do SXH tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lo ngại, từ đầu năm 2019 đến nay, BV đã ghi nhận một ca tử vong, một số ca mắc bệnh nặng đã xin về.
Đó là trường hợp một bé trai (14 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) và một nam thanh niên (26 tuổi, ngụ tại Bình Phước). Hiện tại, BV đang quản lý 151 bệnh nhân bị SXH, trong đó có 25 ca trẻ em, 10 ca nặng, bao gồm cả người lớn và trẻ em phải nằm phòng hồi sức tích cực, thở máy…
Theo nhận định của lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, khuynh hướng bệnh SXH năm nay đến sớm hơn một tháng so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự tại BV Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh, trong tuần qua, mỗi ngày điều trị nội trú cho 50 - 60 bệnh nhi, trong đó có một số trường hợp trẻ gặp biến chứng sốc do SXH gây ra. Dự báo, thời gian tới là mùa mưa ở khu vực các tỉnh phía Nam, bệnh SXH sẽ gia tăng nhanh với những diễn biến khó lường.
Theo thống kê của Bộ Y tế, 6 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận gần 70.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 3 ca tử vong; số ca mắc cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo: Do diễn biến và ảnh hưởng của thời tiết, bệnh SXH đang gia tăng và có thể diễn biến phức tạp nếu không có các biện pháp quyết liệt để phòng chống.
Không thể chủ quan
Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, những bệnh nhân mắc SXH tử vong thời gian qua đều do chủ quan, tự điều trị tại nhà, đến BV trễ vào ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh. Lúc này, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng quá nặng nên khó có thể cứu sống.
Theo bác sĩ Nga, người mắc bệnh SXH thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 40oC, tình trạng sốt kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Bệnh nhân sẽ đối mặt với tình trạng đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban ngoài da. Ở thể bệnh nặng bệnh nhân sẽ bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng…

GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư khuyến cáo, SXH ở người lớn nguy hiểm nhất là gây tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu… Do đó, khi nghi ngờ bị SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Đặc biệt, không được tự mua thuốc về điều trị bởi khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện, thì việc điều trị sẽ phức tạp, khó cứu chữa.

Để tránh biến chứng nguy hiểm do SXH gây ra, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh phải nhanh chóng đến BV để được khám, điều trị. Gia đình có người mắc bệnh cần thông báo cho trạm y tế địa phương để có giải pháp khoanh vùng, xử lý không để bệnh lây lan trên diện rộng.
Các chuyên gia y tế cho biết, theo quy luật thông thường từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, dịch bệnh SXH mới xuất hiện. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9 đến tháng 11. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay bệnh SXH đã bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc do thời tiết bất thường.
Về biện pháp phòng bệnh, theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, người dân cần thực hiện diệt lăng quăng ngay tại chính nơi ở, nơi làm việc của mỗi người, mỗi nhà, cơ quan, đơn vị. Điều đáng lo ngại, một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch, nhất là chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ bọ gậy.
Ông Hạnh cho biết, hiện Hà Nội tiếp tục duy trì thường trực đội chống dịch cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và của các TTYT quận, huyện; duy trì các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch; đồng thời tập huấn cho cán bộ y tế các quận, huyện về công tác phòng chống bệnh SXH và các dịch bệnh khác nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần