Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại châu Á

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt tái bùng phát virus SARS-CoV-2 đang diễn biến đáng lo ngại tại một số quốc gia châu Á. Ấn Độ ngày 12/4 chính thức vượt Brazil, trở thành vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, Thái Lan ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày cao kỷ lục.

Ấn Độ đang phải hứng chịu một làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 nghiêm trọng. Theo dữ liệu do Reuters tổng hợp, với tổng cộng hơn 13,53 triệu ca mắc virus SARS-CoV-2 tính đến ngày 12/4, quốc gia Nam Á hiện có số người nhiễm Covid-19 cao thứ hai toàn cầu, chỉ xếp sau Mỹ với 31,2 triệu.
Giới chức y tế Ấn Độ ngày 12/4 báo cáo nước này ghi nhận ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục với 168.912 trường hợp, mức cao nhất thế giới khi chiếm 1/6 số người mắc mới trên toàn thế giới. Tổng số người tử vong vì Covid-19 tại quốc gia Nam Á này hiện là 170.179, tăng 904 người - mức cao nhất kể từ ngày 18/10/2020. Trước đó, số ca nhiễm mới tại Ấn Độ trong ngày 11/4 đã tăng lên 152.879 ca - cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch. Riêng thủ đô New Delhi đang chứng kiến làn sóng dịch thứ tư, khi số ca nhiễm mới lên tới 10.732 ca, so với tháng trước mỗi ngày chỉ ghi nhận chưa đến 200 ca nhiễm mới.
 Ấn Độ hiện có số người nhiễm Covid-19 cao thứ hai toàn cầu. Ảnh: AP
Chính phủ Ấn Độ cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát trở lại do tình trạng tập trung đông người và không đeo khẩu trang kể từ khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại từ tháng 2 vừa qua. Bên cạnh đó, làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai có tốc độ lây lan nhanh hơn so với đợt dịch đầu tiên hồi giữa năm ngoái, buộc nhiều bang áp dụng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo.
Tuy nhiên, Thủ tướng Narendra Modi chưa ra lệnh phong tỏa toàn quốc vì lo ngại thiệt hại kinh tế quá lớn. Trong khi đó, tại Đông Nam Á, Thái Lan ngày 12/4 thông báo có 985 trường hợp nhiễm Covid-19 mới, chứng kiến mức tăng hàng ngày lớn nhất trong ngày thứ hai liên tiếp.
Trước đó một ngày, Thái Lan đã chứng kiến số ca nhiễm mới trong một ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, với 967 ca, trong đó Thủ đô Bangkok chiếm nhiều nhất với 236 ca. Theo Cục phó Cục Kiểm soát dịch bệnh Sophon Iamsirithaworn, hầu hết các ca nhiễm mới đều liên quan đến ổ dịch ở những quán rượu và đã lây lan ra nhiều tỉnh trên toàn quốc. Ông Sophon đánh giá tình hình dịch Covid-19 ở Thái Lan hiện nay rất đáng lo ngại. Tính đến ngày 12/4, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 33.610 ca mắc Covid-19, trong đó có 97 trường hợp tử vong.

Trong khi đó, tại một quốc gia Đông Nam Á khác - Campuchia, ngày 12/4 báo cáo có thêm 277 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 4.515 và 30 trường hợp tử vong. Đại diện WHO tại Campuchia Li Ailan cảnh báo nước này đang "đứng bên bờ vực thảm kịch quốc gia" do đại dịch Covid-19. "Ca nhiễm mới được ghi nhận hàng ngày và chúng tôi đang chạy đua với virus. Hệ thống y tế Campuchia có nguy cơ vỡ trận và gây hậu quả thảm khốc nếu không thể chặn được đợt bùng phát" - bà Li cho hay.

Ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Campuchia tăng mạnh từ cuối tháng 2 khi một ổ dịch được phát hiện trong cộng đồng người Trung Quốc ở nước này. Trong một nỗ lực ngăn chặt đợt lây nhiễm mới, Chính phủ Campuchia hôm 11/4 đã ban hành sắc lệnh 8 điều về tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 bắt buộc đối với các quan chức chính phủ và lực lượng vũ trang. Tính đến nay, Campuchia đã tiêm phòng vaccine Covid-19 cho 678.406 người dân và 216.903 quân nhân. Campuchia hiện sử dụng 3 loại vaccine ngừa Covid-19 gồm Sinopharm, AstraZeneca/SII (COVISHIELD) và Sinovac.