Dịch Covid-19: Hơn 22 triệu ca nhiễm trên toàn cầu, Tổng thống Mexico tình nguyện thử vaccine Nga

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtetohi - Thế giới đã ghi nhận hơn 22 triệu ca nhiễm Covid-19; Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết sẽ tình nguyện tiêm thử vaccine Sputnik V của Nga.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7 giờ ngày 18/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 22.035.261 triệu ca mắc bệnh Covid-19, trong đó có hơn 776.830 ca tử vong. Hơn 14,7 triệu bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục trong khi hơn 6,4 triệu ca đang được điều trị, trong đó hơn 62.000 ca bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 5.609.659 ca nhiễm và 173.626 người chết, tăng lần lượt 44.964 và 554 ca so với một ngày trước đó.
Tổng thống Mexico xung phong thử vaccine Nga
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết sẽ tình nguyện tiêm thử vaccine Sputnik V của Nga nếu nó chứng tỏ hiệu quả phòng chống Covid-19. "Tôi sẽ là người đầu tiên được tiêm vaccine", Tổng thống Obrador nói trong cuộc họp báo ngày 17/8, đề cập tới vaccine phòng Covid-19 mang tên Sputnik V do Nga phát triển.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết sẽ tình nguyện tiêm thử vaccine Sputnik V của Nga.
Chính phủ Mexico và Argentina đang phối hợp với công ty dược phẩm Astra Zeneca để sản xuất vaccine. Thứ trưởng Ngoại giao Mexico Martha Delgado cho biết nước này cần khoảng 200 triệu liều vaccine, có thể bắt đầu tiêm cho người dân từ tháng 4 năm sau nếu thử nghiệm Giai đoạn ba thành công.
Mexico hiện ghi nhận hơn 522.000 người nhiễm Covid-19 và gần 58.000 ca tử vong.
Vaccine Sputnik V do Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gameleya của Nga phát triển, là vaccine đầu tiên trên thế giới được chính phủ phê duyệt và đưa vào sản xuất, dù chưa hoàn thành thử nghiêm Giai đoạn ba. Giới chức Nga cho hay khoảng 20 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm về vaccine Covid-19 của họ.
Trước Tổng thống Obrador, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng tuyên bố tình nguyện tiêm mũi vaccine đầu tiên do Nga sản xuất để thể hiện sự tin tưởng.
Theo dữ liệu dự thảo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tuần qua, hiện có 29 loại vaccine đang được đánh giá lâm sàng.
Thử nghiệm lâm sàng, hay thử nghiệm Giai đoạn ba, là bước thử nghiệm quan trọng trên quy mô hàng nghìn người. Quá trình này đòi hỏi một tỷ lệ người tham gia nhất định được tiêm vaccine để theo dõi hiệu quả cũng như tác dụng phụ có thể xảy ra, thường được coi là tiền đề cần thiết giúp vaccine được cơ quan quản lý chấp thuận.
Giới khoa học phương Tây bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển vaccine của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã "đốt cháy giai đoạn", song Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko khẳng định những hoài nghi về vaccine này là vô căn cứ.
Ông Aleksander Gintsburg - Giám đốc Viện Gameleya, hôm 16/8 cho hay giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba vẫn sẽ được tiến hành trên quy mô hàng nghìn người. Ông Gintsburg lưu ý vaccine Sputnik V sẽ không được lưu hành rộng rãi trước tháng 1/2021 vì phải mất 4-5 tháng để theo dõi thêm hiệu quả cũng như phản ứng phụ có thể xảy ra. 
Philippines nới lỏng lệnh phong tỏa
Ngày 17/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa ở khu vực trong và xung quanh thủ đô Manila sau khi chính phủ của ông cam kết triển khai cách tiếp cận "tái tăng cường" trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, trong đó có nỗ lực mở rộng công tác xét nghiệm.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa ở khu vực trong và xung quanh thủ đô Manila.
Trong bài phát biểu ngày 17/8 được phát sóng trên truyền hình, Tổng thống Duterte khẳng định cần phải mở cửa trở lại nền kinh tế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phục hồi, đồng thời kêu gọi người dân Philippines "tuân thủ các biện pháp bảo vệ".
Người phát ngôn của Tổng thống Duterte - ông Harry Roque tuyên bố Chính phủ Philippines sẽ sử dụng khoảng thời gian 2 tuần để "tái tăng cường" và "khởi động lại" các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19, cho phép nối lại hoạt động kinh doanh và thêm nhiều người trở lại với công việc.
Theo các quy định được nới lỏng, sẽ có hiệu lực từ ngày 19/8, phần lớn các doanh nghiệp, trong đó có dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng, sẽ được phép mở cửa trở lại. Các cơ sở tôn giáo cũng sẽ được phép tổ chức các hoạt động cầu nguyện với tổng số người tham gia tối đa là 30% sức chứa của tòa nhà.
Theo người phát ngôn Roque, chính phủ Philippines "sẽ mở rộng công tác xét nghiệm," tiếp tục thực hiện các hoạt động kiểm tra tại nhà để truy dấu những bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng để có thể đưa những người này đến các trung tâm cách ly.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần