Mỹ đã vượt qua một cột mốc tàn khốc khác trong đại dịch Covid-19: 250.000 người Mỹ đã chết vì căn bệnh này. Con số trên nhiều hơn gấp đôi số quân nhân Mỹ tử trận trong Đệ nhất thế chiến. Đáng lo ngại, khi một biến thể virus mới từ nước Anh đang đe doạ Mỹ, vốn đã mệt mỏi sau 9 tháng xảy ra đại dịch.
Theo các viên chức y tế, biến thể virus Corona mới xuất hiện khi Mỹ vật lộn với sự gia tăng đột biến của hơn một triệu ca nhiễm mới chỉ trong sáu ngày, tăng tổng số lên hơn 18 triệu ca kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tại California, các giường bệnh chăm sóc đặc biệt ngày càng khan hiếm.
|
Y tá của bệnh viện UCI ở Orange biểu tình phản đối tình trạng thiếu nhân lực. |
Hiệp hội Y tá California (CNA) cho biết, các bệnh viện khắp tiểu bang đang vi phạm luật tỷ lệ giữa y tá và bệnh nhân. Tình trạng bệnh nhân quá đông, trong khi không đủ y tá, dẫn đến việc nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế lây chéo bệnh. Khắp California các y tá đang biểu tình, cũng như lên án chuyện thiếu nhân lực ở bệnh viện.
Mới đây nhất vào 10 giờ sáng 22/12 (theo giờ Mỹ) người dân đã nhận được khuyến cáo không đi du lịch vào dịp Giáng sinh, để giải quyết làn sóng bệnh nhân, bắt nguồn từ các cuộc tụ họp vào Lễ Tạ ơn vào tháng trước.
Bà Caitlin Rivers, nhà dịch tễ học tại Johns Hopkins Center for Health Security, cho biết Mỹ đang bước vào giai đoạn tồi tệ nhất trong đại dịch, mở đầu một mùa đông đầy rẫy bệnh tật.
Trong tuần qua, 36 tiểu bang lập kỷ lục về số ca nhiễm mới được xác nhận hàng ngày, và 12 tiểu bang chứng kiến số ca tử vong mới cao nhất trong một ngày. Đại dịch đang nghiêm trọng nhất tại miền Trung Hoa Kỳ, với số ca nhiễm mới tính theo đầu người cao nhất ở North và South Dakota, Minnesota, Wyoming, Wisconsin, Iowa, Nebraska và Montana.
Trong khi, Chính phủ Mỹ tìm cách giảm nhẹ mức độ trầm trọng của đại dịch lên kinh tế, người dân nước này gọi đây như “9 tháng tệ hại nhất lịch sử Mỹ”.
|
Thương xá Phước - Lộc - Thọ quận Cam vắng như ''chùa bà Đanh'' giữa đại dịch Covid-19 |
Dịch Covid-19 tạo chấn động lớn lao, khiến nhiều thành phố tại Mỹ tan hoang, hàng loạt cơ sở thương mại phải khai phá sản. Giá tổng sản lượng nội địa (GDP), sút giảm tới 31,7% từ tháng Tư đến tháng Sáu. Số liệu từ Bộ lao động Mỹ mới đây cho hay, nỗi bất an do dịch Covid-19 tiếp tục thúc đẩy tình trạng thất nghiệp, với số người xin trợ cấp mất việc làm tuần qua vào khoảng 860.000. Trước thời gian có dịch, con số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp chưa bao giờ vượt quá 700.000 cho một tuần, ngay cả trong thời gian trầm trọng nhất của cuộc Đại suy trầm (Great Recession) từ 2007 - 2009. Nay số thất nghiệp đã ở trên mức 700.000 trong 26 tuần lễ liền.
Kinh doanh điêu đứng, bạo loạn gia tăngĐóng cửa - mở cửa hạn chế - đóng cửa gần 9 tháng qua được ví như chuỗi mệnh lệnh siết chặt kế sinh nhai của hàng triệu người dân Mỹ, trong đó có cả cộng đồng người Việt sinh sống tại đây.
Từ vùng Little Saigon thuộc thành phố San Jose, bang California, một trong những bang bị dịch nặng nề nhất và hiện đang thực hiện lệnh giới nghiêm (từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng) cho đến hết tháng 12, bà Ánh Đồng - tiệm Phở Xưa, cho hay khu Little Saigon hiện giờ ‘rất vắng vẻ’.
|
Đường Geary - San Fransico sầm uất cũng ghi nhận ''vắng lặng như tờ''. |
“Lúc trước, gần lễ Thanksgiving là trong tiệm, ai cũng làm không nghỉ tay. Mỗi người kiếm ít nhất là hơn 100 đô la/ngày. Năm nay, trước Lễ tạ ơn, mỗi người có được vài ba chục đô la/ngày thôi. Giờ mùa Giáng sinh lại ra lệnh giới nghiêm nên khách thê thảm lắm” ,bà Ánh Đồng chia sẻ.
Bà cho biết đã ba lần nộp hồ sơ xin vay gói cứu trợ doanh nghiệp nhỏ của chính phủ, tức PPP, nhưng đều bị bác vì ‘không đủ điều kiện về thuế’. Thay vào đó, bà vay được từ Cục Quản lý Tiểu thương, tức SBA, số tiền 23.000 đô la từ tháng 3, hiện đã chi tiêu hết. Bây giờ bà vừa mượn một số tiền của bạn bè để chi dùng cho những tháng kế tiếp, và không biết cầm cự được đến khi nào.
Cùng chung nỗi lo, anh Hùng chủ tiệm Huê Ký Mỳ Gia nằm tại đường Jackson, Seattle - bang Washington cho hay, trải qua 10 năm buôn bán chưa bao giờ làm ăn khó khăn như hiện tại, hoạt động kinh doanh giảm đi 80%. “Dịch đã khổ rồi thêm bạo loạn khiến nhiều người vô gia cư tràn lên khu này buôn bán “xì ke” phá phách hàng loạt cửa tiệm. Các tiểu thương khu Seattle thật “sống dở chết dở”. Chúng tôi đã họp lại viết thư khiếu nại lên cảnh sát về sự bất an này song tình hình vẫn chưa cải thiện” - anh Hùng than thở.
|
Tình hình các cửa hàng đóng cửa trở thành vòng luẩn quẩn ở Mỹ suốt 9 tháng qua |
Chị Michelle Pham, 29 tuổi cũng chia sẻ đang đối mặt với nhiều khó khăn vế kinh tế do tác động từ các biện pháp hạn chế mới. Tiệm làm móng nơi chị làm việc ở gần Phước - Lộc - Thọ tại Quận Cam chủ đã ngừng hoạt động từ đầu tuần này theo quy định của lệnh giới nghiêm. “Bắt đóng cửa nhưng Chính phủ không cho tiền gì hết. Tiền trợ cấp thất nghiệp cũng không có vì đã dùng hết từ đợt đóng cửa trước đó khi đại dịch bắt đầu bùng lên ở Mỹ. Giờ không biết xoay tiền đâu để chi trả các hóa đơn trong ba tuần tới khi nguồn thu nhập chính bị trì trệ” - chị lo lắng nói.
Trì hoãn tiền cứu nguy Covid-19?Hy vọng lớn nhất để kiểm soát dịch Covid-19 chỉ khi vaccine được triển khai đại trà. Hãng Pfizer của Mỹ vừa loan báo vaccine thử nghiệm giai đoạn ba của họ đã chứng tỏ hiệu quả đến 90%. Nhưng các nhà khoa học dự báo ít nhất đến tháng 3 năm 2021 vaccine mới được phân phối đến người dân. Để cứu nguy, dự luật Covid-19 mới vừa được Quốc Hội thông qua ngày 21/12 bao gồm tiếp tục trợ cấp thất nghiệp của liên bang, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, gửi trực tiếp 600 đô la cho người dân, và tài trợ phân phối vaccine cùng nhiều khoản khác.
|
Số ca tử vong vì Covid tại Mỹ vẫn đứng đầu thế giới |
Tuy nhiên, vào giờ chót Tổng Thống Trump đã lên tiếng phản đối dự luật Covid-19. Điều này có thể khiến hàng triệu người Mỹ bị mất trợ cấp thất nghiệp và chính phủ phải đóng cửa. Tổng thống đã gọi dự luật tài trợ kinh tế là “một điều khó chấp nhận” và kêu gọi các nhà lập pháp tăng tiền trợ cấp trực tiếp từ 600 đô la Mỹ lên 2.000 đô la Mỹ. Vị Tổng thống này không cho biết sẽ phủ quyết dự luật hay chỉ đơn giản là từ chối ký tên, nhưng ông nói rằng việc ban hành kế hoạch cứu trợ sẽ thuộc về chính phủ kế tiếp, nếu Quốc Hội không điều chỉnh dự luật.
Bất kỳ sự trì hoãn nào trong việc phê chuẩn dự luật đều có thể tạo ra khó khăn tài chính cho hàng triệu người Mỹ, do chương trình gia hạn trợ cấp thất nghiệp vì đại dịch, vốn đang hỗ trợ khoảng 12 triệu người Mỹ, sẽ hết hạn vào thứ bảy, một ngày sau lễ Giáng Sinh. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ đóng cửa vào ngày 29/12, nếu dự luật ngân sách không được phê chuẩn kịp thời.
Vào cuối năm, lệnh cấm trục xuất liên bang cũng sẽ hết hạn, khiến hàng chục ngàn người có nguy cơ mất chỗ ở. Nếu Tổng thống Trump phủ quyết dự luật, Quốc Hội sẽ phải nhóm họp lại vào sau Giáng Sinh để xóa bỏ việc phủ quyết này, do dự luật được Quốc Hội phê chuẩn với số phiếu đa số đủ để vượt trên quyền phủ quyết của Tổng thống.