Dịch Covid-19: Thế giới có gần 800.000 người tử vong, ca nhiễm mới tại Ấn Độ tăng kỷ lục

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế giới ghi nhận hơn 22,8 triệu người mắc Covid-19 và gần 800.000 ca tử vong, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Ấn Độ tăng cao nhất toàn cầu.

Theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers, tính đến sáng ngày 21/8, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng lên tổng cộng 22.812.285 ca nhiễm và 795.927 người tử vong, trong khi 15.492.282 người đã bình phục.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với tổng số trên 5,7 triệu ca mắc bệnh và trên 177.000 ca tử vong. Mỗi ngày quốc gia này vẫn ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm và trên 1.000 ca tử vong vì dịch bệnh. Tiếp theo là Brazil, với trên 3,5 triệu ca mắc và trên 112.000 ca tử vong.
Ấn Độ tăng kỷ lục gần 70.000 ca nhiễm Covid-19 một ngày
Ấn Độ, vùng dịch lớn nhất châu Á, báo cáo 69.652 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, mức tăng hàng ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát.
Bộ Y tế Ấn Độ hôm 20/8 nay cho biết số ca mới hàng ngày kỷ lục đã nâng tổng ca nhiễm toàn quốc vượt 2,8 triệu, trong đó 53.866 người đã chết, tăng 977 ca so với một ngày trước đó.
Số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ tiếp tục tăng kỷ lục trong ngày 20/8. 
Nước này tiếp tục là vùng dịch lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil với lần lượt 5,7 triệu ca nhiễm và hơn 3,4 triệu ca nhiễm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm nCoV thực tế ở Ấn Độ có thể cao hơn rất nhiều do hạn chế xét nghiệm.
Khi các ca nhiễm Covid-19 ngày càng lan rộng tới các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn, các nhà dịch tễ học cảnh báo tình hình dịch ở Ấn Độ có thể phải vài tháng nữa mới chạm đỉnh. Điều này sẽ gây thêm căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải tại quốc gia này.
Trước đó, các điểm nóng Covid-19 tại Ấn Độ tập trung tại New Delhi và Mumbai, nơi có những khu ổ chuột lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn, nơi 70% người Ấn Độ sinh sống, đang trở thành những vùng dịch mới.
Một số khu vực, bao gồm bang Bihar ở phía đông, nơi có nhiều lao động Ấn Độ trở về quê nhà do mất việc vì Covid-19, đã chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây, khi lệnh phong tỏa được nới lỏng để cứu vãn nền kinh tế.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã áp đặt một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt toàn quốc nhất thế giới vào cuối tháng 3, song sau đó nới dần biện pháp hạn chế để giảm bớt tác động tới nền kinh tế.
Dịch Covid-19 tái bùng phát tại Pháp
Dịch Covid-19 chính thức bùng phát trở lại và tăng tốc tại nước Pháp. Ngày 19/8, nước này lập kỷ lục với 3.776 ca nhiễm virus SARS CoV-2 thông qua xét nghiệm. Tuy nhiên, chỉ 24 giờ sau, nước này tiếp tục phá vỡ kỷ lục đáng buồn này, với việc ghi nhận thêm 4.771 ca nhiễm Covid-19, ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ sau khi nước Pháp dỡ phong tỏa toàn quốc ngày 11/5.
 Pháp ghi nhận gần 5.000 ca nhiễm Covid-19 trong 24 giờ qua.
Cùng với số ca nhiễm mới, nước Pháp phát hiện thêm 35 ổ dịch trong vòng 24 giờ. Trong tổng số gần 1.100 ổ dịch được phát hiện từ ngày 9/5, nước Pháp mới dập được 686 ổ dịch, còn hơn 400 ổ dịch đang được xử lý.
Trước tình hình y tế đang ngày càng xấu đi, nước Pháp đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, trong đó có tăng cường xét nghiệm trong người dân và đưa việc đeo khẩu trang dần trở thành một thói quen trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và ở nhiều nơi nhất có thể.
Đầu tháng 9 tới, toàn bộ học sinh, sinh viên các trường đại học tại Pháp sẽ bắt đầu năm học mới. Nếu như một số quy định phòng ngừa lây lan virus có thể được linh động để có thể đón tiếp toàn bộ học sinh, thì việc đeo khẩu trang còn được quy định chặt chẽ hơn. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 20/8, Bộ trưởng Bộ giáo dục Pháp, ông Jean-Michel Blanquer cho biết, việc mang khẩu trang sẽ bắt buộc với toàn bộ học sinh từ 11 tuổi trở lên.
Sau khi Chính phủ Pháp áp đặt quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở những địa điểm công cộng khép kín và những địa điểm ngoài trời có mật độ cao, mới đây, đến lượt người lao động trong các doanh nghiệp bắt buộc phải đeo khẩu trang khi làm việc, kể từ ngày ngày 1/9 tới. Người vi phạm sẽ phải nhận những hình thức xử lý, nhẹ thì bị nhắc nhở, nghiêm trọng hơn có thể bị xa thải.
Ngoài ra, ngay trong tối 19/8, lực lượng cảnh sát Pháp, những người thực hiện nhiệm vụ kiểm tra việc mang khẩu trang của người dân, cũng nhận được mệnh lệnh mang khẩu trang bắt buộc trong khi làm việc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần