Dịch Covid-19: Thủ tướng Anh rời phòng chăm sóc tích cực, số ca tử vong tại Mỹ vượt 16.000

Nguyễn Phương (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Anh Johnson kết thúc chăm sóc tích cực hôm 9/4, trong khi đó, 24 giờ qua Mỹ tăng gần 2.000 ca tử vong, nâng số người chết lên hơn 16.000.

Thủ tướng Anh được rời phòng chăm sóc tích cực
Thủ tướng Anh Boris Johnson kết thúc chăm sóc tích cực hôm 9/4, nhưng vẫn tiếp tục ở lại bệnh viện để điều trị do nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Anh Boris Johnson kết thúc chăm sóc tích cực hôm 9/4.
Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh hôm 9/4 thông báo: "Thủ tướng Boris Johnson rời phòng chăm sóc tích cực và trở lại phòng bệnh tối nay, nơi ông sẽ được theo dõi sát sao trong giai đoạn đầu hồi phục. Tinh thần của ông đang cực kỳ thoải mái".
Thủ tướng 55 tuổi được đưa tới bệnh viện St Thomas ở London hôm 5/4 vì những triệu chứng "dai dẳng" sau 10 ngày nhiễm bệnh Covid-19. Một ngày sau đó, tình trạng của Johnson chuyển biến xấu và ông được đưa vào phòng chăm sóc tích cực.
Theo thông báo của giới chức Anh, tình trạng sức khỏe của Thủ tướng sau khi được chuyển vào phòng chăm sóc tích cực đã được cải thiện, ông đã ổn định và có thể ngồi dậy.
Ngoại trưởng Dominic Raab, người đang thay ông Johnson chủ trì các cuộc họp hàng ngày về Covid-19, cảnh báo chính phủ sẽ không dỡ bỏ lệnh phong tỏa dự kiến kết thúc ngày 13/4. "Số người chết vẫn tăng và chúng ta chưa đạt đỉnh dịch, bởi vậy còn quá sớm để dỡ bỏ các biện pháp. Chúng tôi hy vọng có nhiều điều để thông báo vào cuối tuần này", ông nói.
Ngoại trưởng Raab cho biết, số ca tử vong vì nhiễm Covid-19 tại Anh tăng thêm 881 người trong 24 giờ qua, nâng tổng số người chết lên 7.978.
Tính đến ngày 9/4 Anh xét nghiệm được 243,421 người và ghi nhận 65.077 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ca tử vong vì nhiễm Covid-19 tại Mỹ vượt 16.000
Mỹ trải qua ngày chết chóc thứ hai liên tiếp với gần 2.000 ca tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng số người chết lên hơn 16.000.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiện ghi nhận 461.437 ca nhiễm và 16.478 ca tử vong do nhiễm bệnh Covid-19, trong khi 25.410 người đã hồi phục. Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới nhưng số ca tử vong vẫn thấp hơn Italia. Số người nhiễm và chết do nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này dự kiến tăng trong những ngày tới. 
 
New York, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh Covid-19, ghi nhận 151.598 ca nhiễm và 5.150 ca tử vong.
Thống đốc New York Andrew Cuomo hôm 9/4 cho biết sẽ tăng cường các giám đốc nhà tang lễ "để đối phó tình trạng ca tử vong cao".
Các bang New Jersey, Louisiana và Michigan cũng báo cáo gia tăng số người nhiễm và chết. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trước đó cảnh báo Philadelphia đang là "khu vực được quan tâm đặc biệt" khi số ca nhiễm tại thành phố tăng khoảng 1.400 mỗi ngày.
Thống đốc và quan chức y tế tại một số bang ở Mỹ cảnh báo họ thiếu các thiếu bị cần thiết để hạn chế virus lây lan.