Dịch Covid-19: Vì sao tỷ lệ tử vong của Italia cao nhất thế giới?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Waidid, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là không có sự thống nhất trong các phương pháp điều trị trên toàn lãnh thổ Italia và sự yếu kém trong khả năng truy xuất nguồn gốc nhiễm bệnh.

Bộ Y tế Italia cho biết tính đến 12/3, nước này ghi nhận tổng cộng 15.113 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.258 bệnh nhân hồi phục và 1.016 trường hợp tử vong.
Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm và rối loạn miễn dịch thế giới (Waidid) đã cảnh báo, tỷ lệ tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italia hiện ở mức cao nhất thế giới và gấp 12 lần các quốc gia khác.
Tính đến 12/3, nước này ghi nhận tổng cộng 15.113 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.258 bệnh nhân hồi phục và 1.016 trường hợp tử vong.
Theo Waidid, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là không có sự thống nhất trong các phương pháp điều trị trên toàn lãnh thổ Italia.
Mặt khác, sự yếu kém trong khả năng truy xuất nguồn gốc nhiễm bệnh đối với các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2  không có triệu chứng và không được xét nghiệm sớm đã đẩy nhanh tình trạng lây lan dịch bệnh tại nước này.
Giới chức y tế Italia có thể để lọt bệnh nhân trong quá trình sàng lọc, vì vậy không phát hiện ra nhiều trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 ở thể nhẹ. Thông thường khi xét nghiệm mở rộng trong một cộng đồng, các ca bệnh nhẹ sẽ được phát hiện, từ đó hạ thấp đáng kể tỷ lệ tử vong chung.
Cả Italia và Hàn Quốc - các “tâm dịch” mới bên ngoài Trung Quốc đại lục, đều phát hiện trường hợp nhiễm bệnh Covid-19 đầu tiên hồi cuối tháng 1. Tại Italia, chính quyền Roma thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc, hàng triệu người bị cách ly và hơn 1.000 người đã thiệt mạng vì mắc virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, tại Hàn Quốc hiện chỉ có vài nghìn người bị cách ly và 67 trường hợp thiệt mạng vì Covid-19.
Hàn Quốc hiện đã có 8.000 trường hợp nhiễm dịch Covid-19 sau khi xét nghiệm 222.000 người. Tại Italia, hiện báo cáo hơn 15.000 ca nhiễm bệnh sau khi thực hiện 73.000 xét nghiệm trên số lượng người chưa được công bố.
Một lý do khiến tỷ lệ tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này cao hơn các nước khác là do tình trạng già hóa dân số. Theo tờ New York Times, Italia có dân số già nhất châu Âu, với khoảng 23% người dân có độ tuổi từ 65 trở lên. Độ tuổi trung bình ở nước này là 47,3 trong khi ở Mỹ là 38,3. The Local cho biết nhiều ca tử vong ở Italia là những người trong độ tuổi 80 hoặc 90.  Với tình trạng già hóa như vậy, người dân tại Italia dễ bị tổn thương hơn so với các nước khác trước dịch Covid-19.
Theo số liệu của Viện Y tế cao cấp Italia (ISS) liên quan tới độ tuổi của những bệnh nhân Covid-19, khoảng 62% số bệnh nhân tại nước này là nam giới, hầu hết là những người già; các trường hợp ở trẻ em từ 0 - 9 tuổi rất ít chiếm 0,5% (43 trường hợp), từ 10 - 19 tuổi chiếm 1% (85 trường hợp), từ 20 - 29 tuổi chiếm 3,5% (296 trường hợp).
Theo Waidid, tại Italia, nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng đang được tự do đi lại, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. 
Dựa trên kinh nghiệm của các chuyên gia Trung Quốc, Waidid kêu gọi Italia áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn dịch Covid-19, đồng thời khuyến cáo chính quyền Rome thực hiện theo phương châm: Chẩn đoán sớm, cách ly và điều trị là nền tảng để ngăn chặn dịch bệnh; truy tìm nguồn gốc nhiễm bệnh là cơ bản. 
Tỷ lệ tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italia hiện gấp 12 lần các quốc gia khác.
Waidid cũng cho rằng, biện pháp của chính phủ Italia yêu cầu người dân ở trong nhà là đúng, nhưng chưa đủ, nước này cần phải giám sát chặt chẽ các mối liên hệ của những người đã được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2.
Các biện pháp giám sát, theo dõi cũng cần được thực hiện đối với các thành viên gia đình của những người dương tính với virus SARS-CoV-2 mà không có các triệu chứng.
Tuy nhiên, điều quan trọng hiện tại là Italia cần phải cải tiến các phương pháp điều trị theo các tiến bộ và kinh nghiệm của những quốc gia đi trước và áp dụng thống nhất trong các bệnh viện trên toàn quốc.
Chủ tịch Waidid Susanna Esposito cảnh báo dựa trên kinh nghiệm chống dịch của các chuyên gia Trung Quốc: "Chẩn đoán sớm, cách ly và điều trị tập trung là cần thiết để kiểm soát dịch. Tuy nhiên, truy xuất nguồn gốc vẫn rất quan trọng".
Một số báo cáo gần đây đăng tải trên tạp chí The Lancet cho biết thời gian virus SARS-CoV-2 bùng phát có thể lên tới 21 ngày, không chỉ trong 14 ngày. Theo ông Esposito, điều này có nghĩa là nhiều người dương tính với virus nhưng chưa có triệu chứng đang đi lại rất thoải mái, đơn giản vì không có bất kỳ phương pháp xét nghiệm nhanh nào được thực hiện.
"Tôi cho rằng việc khuyến khích người dân ở lại nhà là điều cần thiết, nhưng chưa đủ, mà còn phải giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc với người dương tính với virus SARS-Cov-2. Các y, bác sĩ trong các bệnh viện hiện đang làm việc mà không có bất kỳ biện pháp giám sát nào" - điều này cần phải thay đổi. Việc cách ly cũng cần áp dụng cho các gia đình có thành viên nhiễm bệnh Covid-19 mà chưa có triệu chứng.