Dịch sốt xuất huyết gia tăng: Người lo lắng, kẻ thờ ơ

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một tháng nay, thông tin về tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) liên tục được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo đến người dân Hà Nội.

Vậy nhưng, khi ngành y tế cùng các cơ quan chức năng riết ráo dập dịch, nhiều người dân sốt sắng tham gia diệt muỗi, bọ gậy thì vẫn có người thờ ơ đứng ngoài cuộc.
Nháo nhác trong “tâm bão”
Là địa bàn đầu tiên của TP Hà Nội ghi nhận trường hợp tử vong do SXH, phường Trung Liệt, quận Đống Đa trở thành điểm “nóng” của TP trong đợt dịch SXH lần này. Đống Đa là quận có số ca mắc sốt SXH cao nhất TP, trong khi đó Trung Liệt lại dẫn đầu các phường trong quận với hơn 200 trường hợp mắc bệnh, nên người dân ở đây vẫn đùa nhau rằng “mình đang sống ở “tâm bão” của vùng dịch”. Có lẽ vì vậy, người dân trong khu vực cũng đã biết cảnh giác hơn với loại muỗi vằn truyền bệnh. Chị Nguyễn Thanh L. (thuê trọ tại ngõ 109, phường Trung Liệt) chia sẻ, trong xóm cũng đã có 3 người mắc SXH, nhà lại có con nhỏ, lo ngại cháu bị lây bệnh nên chị đã gửi con về quê với ông bà nội gần một tháng nay. “Hai vợ chồng tôi đi làm cả ngày, nghe nói phường cũng đã phun thuốc diệt muỗi nhưng vẫn nhiều muỗi vo ve lắm, chỉ còn cách tối ngủ phải mắc màn cẩn thận để tránh bị muỗi đốt” - chị L. cho biết.

Khu nhà ở của công nhân tại công trường xây dựng tòa nhà Hongkong Tower 243A Đê La Thành không đảm bảo công tác phòng chống dịch. Ảnh: Chiến Công

Người dân sống xung quanh ngõ 117 Đặng Tiến Đông cũng đã từng nháo nhác khi dịch SXH tràn qua. Đầu tháng 6 vừa qua, ca mắc SXH đầu tiên trong ngõ là một thành viên trong gia đình số nhà 14, khoảng nửa tháng sau tiếp tục có thêm 2, 3 người trong ngõ mắc SXH. “Thấy dịch bùng lên, nhà nào nhà nấy cũng sốt cả ruột, có nhà còn tự thuê người đến phun thuốc diệt muỗi, loa phường ngày nào cũng 2 lần kêu gọi bà con diệt bọ gậy nên cũng may dịch không bị lây lan rộng” - chủ một cửa hàng tạp hóa tại ngõ 117 cho biết.
Cũng là điểm “nóng” về dịch SXH với 1.344 ca mắc, quận Hoàng Mai đã huy động mọi lực lượng cùng tham gia công tác phòng chống dịch. Tại ngõ 22 phố Lương Khánh  Thiện, ông Hà Văn Th. (tổ dân phố 63, phường Tương Mai) cho biết, ngõ 22 nơi gia đình ông đang sinh sống có nhiều trường hợp bị SXH. “Chính gia đình tôi có 3 người vừa mắc SXH xong. Đầu tiên là cháu nội, sau đó đến con dâu, và kế tiếp là con trai tôi. Ngoài nhà tôi, còn nhiều nhà nữa cũng có người mắc, nhà ít thì 2 người, có nhà cả gia đình mắc. Có thời điểm cả khu phố nháo nhác, lo lắng vì SXH" - ông Th. chia sẻ.
Thiếu hiểu biết       
Trong khi nhiều người dân lo lắng bất an về dịch SXH, thì tại một số khu vực, nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng khi biết dịch SXH đang hoành hành ở Hà Nội. Tại một công trường xây dựng đầu phố Kim Mã, khu vực lán trại ở của công nhân được dựng tạm bằng mấy tấm tôn. Nước ăn dùng sinh hoạt hàng ngày được đựng trong những xô nhựa đậy hờ bằng những tấm gỗ. Khi nhắc đến dịch SXH, một công nhân tên Minh (quê Phú Thọ) cho biết, do mải làm nên cũng chẳng có thời gian xem ti vi mà biết tình hình dịch như thế nào, ở trong lán trại nóng nực nên chuyện không mắc màn ngủ, hay cởi trần đi ngủ đối với anh em công nhân là rất bình thường. Đây cũng là tình trạng chung, không hiếm gặp tại bất kỳ một công trường xây dựng nào trên địa bàn Hà Nội. Hay tại khu vực ký túc xá Học viện Báo chí & Tuyên truyền, mặc dù cũng đã được Ban quản lý ký túc nhắc nhở nhiều về việc không được để lọ hoa hay dụng cụ chứa nước lâu ngày trong phòng để tránh xuất hiện lăng quăng, bọ gậy, nhưng tại một số phòng vẫn tồn tại tình trạng sinh viên trồng các cây thủy sinh trong lọ thủy tinh mà không chú ý đến việc thay nước thường xuyên. Thậm chí, nhiều sinh viên còn thiếu hiểu biết về dịch SXH khi cho rằng bản thân đã từng mắc trước đó nhiều năm nên đã được “miễn dịch”.
Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, việc các công trường xây dựng, các khu nhà trọ và sinh viên là vô cùng nhức nhối và khó khăn trong việc phòng chống SXH hiện nay. Bởi lẽ, tại các công trường xây dựng, việc vệ sinh nơi ở rất khó, vì đặc thù công việc của họ nay chỗ này, mai chỗ khác. Còn tại các khu trọ và sinh viên cũng vậy, do điều kiện sống còn thấp, nên việc giữ vệ sinh, thực hiện phòng chống SXH theo đúng khuyến cáo của ngành y tế còn hạn chế. Chính vì vậy, theo ông Cảm, để chặn dịch SXH hiện nay thì sự vào cuộc của chính quyền sẽ không đủ nếu thiếu sự hợp tác và ý thức từ mỗi người dân.
Theo thông tin từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, dự kiến, đến tháng 11/2017, công trình nghiên cứu vaccine sốt xuất huyết(SXH) mà đơn vị này phối hợp với Công ty Sanofi Pasteur của Pháp sẽ hoàn thành. Theo đó, sau khi kết thúc, đơn vị nghiên cứu vaccine mất thêm một năm nữa để phân tích dữ liệu. Như vậy, theo lộ trình, đến năm 2018, việc nghiên cứu và nghiệm thu vaccine SXH tại Việt Nam sẽ hoàn tất. Hiện, vaccine SXH đã được lưu hành ở khoảng 15 quốc gia trên thế giới, trong đó có 2 quốc gia đã đưa vào chương trình tiêm chủng đại trà. (Hà Ngân)
Thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong chuyến thị sát tại 2 ổ dịch SXH ở Hà Nội cuối tuần qua, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt những công trình xây dựng, khu nhà trọ không thực hiện quy định phòng chống dịch. Đồng thời, ngành y tế sẽ tăng cường tuyên tuyền đến người dân việc diệt lăng quăng, bọ gậy, chú trọng đến các khu vực quanh chợ, bệnh viện, trường học, các nghĩa trang xung quanh khu vực dân cư.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm
Chế độ dinh dưỡng cho người mắc sốt xuất huyết
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) có thể trạng mệt mỏi do sốt cao nên thường kèm theo tình trạng chán ăn, ăn uống kém. Do đó, cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý với người mắc bệnh để giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phục hồi sức khỏe. Trong đó, quan trọng nhất là bù nước.
Trong điều trị bệnh nhân mắc SXH, nguy hiểm nhất là tình trạng sốc, thoát huyết tương ra ngoài gây tình trạng cô đặc máu, cho nên trong chế độ ăn uống cho người SXH quan trọng nhất là bù nước, điện giải như uống oresol. Do bệnh nhân sốt cao kèm mất nước nên cần phụ nước đầy đủ, người bệnh nên uống các loại nước trái cây, nước quả ép (như cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) vì chúng chứa nhiều khoáng chất và vitamin C tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn sẽ làm tình trạng bệnh giảm đi. Theo kinh nghiệm, có thể nghiền lá đu đủ, sau đó lọc chắt lấy nước uống cũng có tác dụng tốt cho bệnh nhân SXH.
Bên cạnh đó, về chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân cần ăn những thức ăn lỏng và mềm như ăn cháo, súp vừa giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa. Không nên ăn cơm, đồ cứng khó nuốt. Đặc biệt với trẻ em bị SXH, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất, nếu trẻ còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú. Khi cho trẻ ăn uống nên chia nhỏ bữa ăn và nước uống ra, không nên cho ăn dồn dập. Tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm từ trứng, thịt, sữa…, thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm (thịt bò, gà…) tăng sức đề kháng chống lại bệnh SXH. Với người bệnh SXH, cần kiêng những loại thức ăn nhiều mỡ béo, các thực phẩm xào rán, có gia vị chua cay vì chúng thường gây khó tiêu; còn lại không kiêng tuyệt đối thứ gì cả. Nên ăn cân đối đầy đủ dinh dưỡng, nhất là thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất.
Đối với trẻ mắc SXH nếu đã khỏi sốt và chơi bình thường rồi thì nên tuân theo chế độ ăn như bình thường. Tùy theo độ tuổi của bé, nếu bé còn bú mẹ thì mẹ phải tăng cường dưỡng chất, nếu bé ăn dặm thì ăn “trả bữa” bổ sung cho bé để tăng cân, bù lại mất dinh dưỡng trong thời gian bị ốm, tránh tình trạng nhẹ cân suy dinh dưỡng sau này. Thời gian mới ốm dậy, trẻ có thể ăn chưa ngon miệng, phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn ra, cho ăn các loại cháo súp bù năng lượng thiếu hụt, tăng số bữa lên. Chú ý, cha mẹ cần kiên trì nấu nướng các món ăn thay đổi khẩu vị, nên hỏi trẻ lớn để có món ăn hợp khẩu vị của trẻ. Các món ăn ưu tiên là giàu vitamin D, A, kẽm, sắt, khoáng chất…, có thể nấu cháo cà rốt, thịt gà, uống nước quả cam, quýt, sinh tố… nhằm giúp trẻ tăng cường sức khỏe.
Lê Thị Hải Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần