Dịch tả lợn chưa được khống chế, nông dân thêm lo vì cúm gia cầm, lở mồm long móng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, cùng với dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng trên gia súc và cúm gia cầm cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi, khiến nhiều nông dân hết sức lo lắng.

 Phun thuốc khử trùng phòng, chống cúm gia cầm
Trong báo cáo kết quả công tác năm 2019 vừa được công bố, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong năm 2019, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại 468 xã của 127 huyện thuộc 42 tỉnh, TP. Tổng số gia súc bị bệnh là 28.011 con, trong đó, có 23.862 con lợn và 4.149 con trâu, bò. Số gia súc bị chết, phải tiêu huỷ là 18.623 con (18.512 con lợn và 11 con trâu, bò). 
Nguyên nhân gia súc mắc bệnh chủ yếu do không tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, hoặc đã tiêm phòng nhưng hết thời gian còn được bảo hộ. Vi rút gây bệnh lở mồm long móng ở các ổ dịch hầu hết thuộc serotype O, dòng SEA/Mya-98, dòng ME-SA/PanAsia và dòng Cathay. 
Bên cạnh đó, năm 2019, cả nước ghi nhận bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi ở 44 xã thuộc 41 huyện của 24 tỉnh, TP. Tổng số gia cầm bị tiêu huỷ là 133.203 con. Đến nay, cả nước vẫn còn 1 ổ dịch tại tỉnh Vĩnh Long chưa qua 21 ngày. 
Theo đánh giá của Cục Thú y, hiện nay, bệnh cúm gia cầm là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt. Dịch bệnh không xảy ra diện rộng. Các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác. Vi rút cúm A/H5N6 phân bố trong phạm vị cả nước. Trong khi, vi rút cúm A/H5N1 tập trung chủ yếu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 
Hiện, các địa phương đang tổ chức thực hiện những nội dung của Kế hoạch Quốc gia phòng chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 – 2025. Trong đó, tập trung giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý trường hợp dương tính với vi rút cúm gia cầm. Tiêm phòng cho các đàn gia cầm ở vùng có nguy cơ dịch bệnh cao. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các vùng, cơ sở, chuỗi chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh… 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần