Dịch trở lại nguy hiểm nhưng không thể đóng cửa, châu Âu làm gì?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 tạm lắng xuống tại châu Âu, các quốc gia như Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha gần đây lại ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến, trong khi những quy định giãn cách không còn được người dân nhiều nước ủng hộ.

Người dân biểu tình phản đối phong tỏa ngừa lây nhiễm dịch bệnh ở Đức. 

Phát biểu tại một cuộc tranh luận của Liên minh châu Âu (EU) hôm 2/9, bà Andrea Ammon - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) lưu ý, tỷ lệ báo cáo nhiễm virus ở EU và các nước thuộc Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) trong tuần này là 46/100.000.

“Mọi người chắc còn nhớ có thời điểm chúng ta đã ở dưới ngưỡng 15. Vậy nên mức hiện nay là một sự gia tăng và chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng như vậy hơn 5 tuần qua... Chúng ta gần như sắp quay trở lại những gì đã thấy hồi tháng 3”, bà Ammon cảnh báo về một sóng Covid-19 mới đang ngày một lớn dần tại châu Âu.

Nhiều nước vốn không chịu nhiều ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch đầu tiên, như Hy Lạp và Croatia, hiện cũng đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số ca nhiễm mới vào tháng 8, khi khách du lịch tận dụng việc khối EU mở cửa biên giới nội bộ.

Châu Âu nhìn chung đã nới lỏng phong tỏa, mở cửa lại nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và văn phòng trong một nỗ lực nhằm tái khởi động nền kinh tế, nhưng đi cùng với đó là số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại, đặt họ vào tình thế nguy hiểm một lần nữa.

Hồi giữa tháng 8, ECDC cho biết các ổ lây nhiễm mới tại khu vực dường như liên quan đến những người trẻ tuổi có xu hướng thường xuyên tìm đến những quán bar, nhà hàng hay các không gian công cộng khác.

Tuy nhiên, bà Ammon hôm 2/9 nói rằng hiện tượng tăng trở lại số ca nhiễm nay còn diễn ra trong cả nhóm người lớn tuổi. Mặc dù số ca tử vong vì Covid-19 tại đây có dấu hiệu giảm, từ mức trung bình 4.000 người/tuần hồi đầu tháng 8 xuống còn khoảng 300 người/tuần vào đầu tháng 9.

Chính phủ các nước đã hy vọng có thể tránh được đợt sóng lây nhiễm thứ 2 bằng cách áp dụng các biện pháp mới như đóng cửa câu lạc bộ đêm, ban hành lệnh giới nghiêm hay bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Tuy nhiên, những quy định này đang vấp phải sự phản đối của người dân ở nhiều quốc gia như Đức hay Anh, khiến cuộc chiến chống Covid-19 trong những tuần gần đây ở châu Âu đang dần chuyển trọng tâm sang công tác duy trì trật tự và đảm bảo giãn cách xã hội.

Cảnh sát đi tuần tại bờ biển Les Catalans, Marseille, Pháp, để đảm bảo người dân tuân thủ quy định chống dịch. 

Chẳng hạn vào ngày 27/8, Thủ tướng Pháp Jean Castex đã thông báo về quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên phạm vi toàn thủ đô Paris, nhưng sau 2 tuần áp dụng luật, trung bình mỗi ngày lại có 700 trường hợp bị phạt tiền vì không tuân thủ. Lực lượng cảnh sát ở Pháp, vốn đã và đang phải căng mình trên nhiều mặt trận trong vài năm qua, bao gồm công tác chống khủng bố, kiểm soát biểu tình “Áo vàng”, giờ đây lại phải đối phó với đại dịch.

Đây là thực trạng chung của hầu hết lực lượng an ninh tại châu Âu thời điểm này. Tại Tây Ban Nha, Chính phủ dự kiến điều động 2.000 quân nhân hỗ trợ công tác truy dấu tiếp xúc của các ca dương tính với virus. Bộ Nội vụ Anh từng công bố kế hoạch tuyển dụng thêm 6.000 cảnh sát vào tháng 3/2021, tuy nhiên lực lượng mới này vốn không được trù tính để tham gia vào việc thực thi các quy định liên quan đến chống dịch.

Đáng nói, trước khi các cơ quan chức năng mạnh tay trong việc thắt chặt, việc áp dụng các quy định phòng dịch nơi công cộng đã vấp phải nhiều khó khăn. Thậm chí hồi tháng 7, một nhân viên soát vé xe buýt ở Pháp đã bị hành hung đến chết sau khi yêu cầu một nhóm hành khách đeo khẩu trang. Giờ đây, với sự vào cuộc của lực lượng an ninh, nhiều người đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Để thấy, khi hệ thống y tế không còn đối mặt với nguy cơ quá tải và tỷ lệ tử vong cũng đã thấp hơn, “bài toán” Covid-19 tại châu Âu đòi hỏi một hướng giải quyết khác, khi tập trung hơn vào hỗ trợ lực lượng chấp pháp để cân bằng giữa việc bảo vệ sức khỏe người dân và duy trì nhịp sống bình thường của cộng đồng.