Dịch vụ cho thuê đất tại Hà Nội: Lấn cấn thủ tục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho thuê đất làm nhà xưởng, kho bãi theo quý, theo năm đang là dịch vụ được nhiều cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ vùng ven ngoại thành Hà Nội theo đuổi.

Tuy nhiên, việc cho thuê không phải dễ “ăn” do sự e ngại của DN đi thuê khi phải tự chi trả thuế do chủ đất không chịu nộp.

Ưu thế về diện tích

Theo khảo sát của phóng viên, dịch vụ cho thuê đất tại Hà Nội suốt 12 tháng qua có độ phủ khá dày đặc, hướng đến mọi nguồn cầu của DN trong và ngoài nước. Tại các khu vực ngoại thành như Đại lộ Thăng Long, Cổ Nhuế, Long Biên, Sơn Tây... mức giá cho thuê đất khá “chát” từ 50.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/m2/tháng hoặc trên 100.000.000 đồng/ha/năm. Giá dao động phụ thuộc vào vị trí khu đất thuê và các tiện ích xung quanh như nguồn nước và cơ sở hạ tầng có sẵn đi kèm.
Một lô đất với diện tích 3.000m2 tại thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức được chào thuê với giá 150.000 đồng/m2.
Một lô đất với diện tích 3.000m2 tại thôn Quyết Tiến, xã Vân Côn, huyện Hoài Đức được chào thuê với giá 150.000 đồng/m2.
Thực tế quỹ đất cho thuê trong nội đô để phát triển nhà xưởng, kho bãi đã bị bó hẹp, lại khó khăn về xử lý chất thải, tiếng ồn, độ rung… Trong khi vùng ven và ngoại thành có lợi thế về diện tích đất đai, môi trường quản lý phù hợp đang thu hút nhiều sự quan tâm của các DN. Ông Nguyễn Duy Tuấn - thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh cho biết, gia đình đang hoàn tất thủ tục cho một nhà đầu tư ở Hải Dương thuê 3.000m2 đất để mở xưởng may. Thay vì thuê nhà xưởng có sẵn, phía đầu tư muốn thuê đất để tự xây dựng cho phù hợp mục đích kinh doanh. Nhà đầu tư này còn cam kết, trong vài năm tới, nếu làm ăn có lãi sẽ tăng diện tích thuê để đẩy mạnh kinh doanh.

Chị Hồng Ánh - đại diện một sàn giao dịch BĐS xã Đại Mạch, Đông Anh cho biết, đất rộng, không xa trung tâm TP, đường đi thuận tiện nên lượng khách tìm thuê đất ngoại thành để mở xưởng hay phát triển kho bãi đang có chiều hướng gia tăng. Xu hướng này ngoài việc tạo sóng thị trường các khu vực này còn có mục đích rất tốt trong việc kéo giãn các cơ sở sản xuất ra ven ngoại thành để tránh quá tải nội đô.

Nhưng khó “ăn”

Có mặt tại km5 Đại lộ Thăng Long, phóng viên gặp anh Trần Văn Nam – chủ sử dụng lô đất có diện tích 1ha (thôn Trúc Động, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất) để đàm phán việc cho thuê. Theo anh Nam, mức cho thuê tối thiểu là 5.000m2, thời hạn tối thiểu 3 năm với giá 250.000 đồng/m2. Nếu ký hợp đồng thuê trên 5 năm sẽ giảm giá xuống 200.000 đồng/m2. Khi phóng viên ngỏ ý muốn xây dựng nhà xưởng sản xuất trên lô đất sẽ thuê, chủ đất cho biết: “1ha đất của tôi chỉ có 300m2 là đất thổ cư, phần còn lại thuộc đất nông nghiệp. Trường hợp chị (bên thuê) muốn sản xuất kinh doanh tôi sẽ tiến hành làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp (đất sản xuất, kinh doanh). Tuy nhiên chi phí nộp tiền sử dụng đất (bằng 100% giá trị chênh lệch giữa giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp trừ đi giá đất nông nghiệp đang sử dụng) bên chị phải chịu”.

Ông Mai Tiến Nam – Giám đốc một Công ty sản xuất gỗ nhỏ ở Bắc Giang lại gặp phải khó khăn khác về thủ tục pháp lý. Theo quy định tại khoản 2 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, hợp đồng chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên. Dẫn đến tình trạng dù ưng ý mảnh đất (1.200m2) tại quận Long Biên nhưng đến nay công ty vẫn chưa thể làm hợp đồng do nội bộ bên cho thuê đang có tranh chấp.

Theo luật sư Trần Văn Toàn – Văn Phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội, dịch vụ cho thuê đất còn lấn cấn về thủ tục pháp lý khiến nhiều DN e dè khi bỏ vốn đầu tư. DN đi thuê phải trả tiền thuê nhiều nên muốn có hóa đơn để đưa khoản chi đó vào chi phí hợp lý theo luật thuế. Nhưng người cho thuê là cá nhân nên không có hóa đơn kinh doanh. Điều này khiến các DN phải tự đi mua hóa đơn lẻ tại cơ quan thuế dẫn đến phát sinh khoản thuế môn bài, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng (với số tiền thuê đất/năm vượt quá 100 triệu đồng). Khi đó các DN buộc phải bỏ ra một khoản tiền thuế (thường là 7 - 8% trên tổng số tiền thuê + mỗi năm 1 triệu đồng thuế môn bài) để có hóa đơn đưa khoản chi đó vào chi phí hợp lý.