Dịch vụ công chứng: Gia tăng vi phạm

Bài, ảnh: Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua, việc chuyển đổi phòng công chứng (PCC - Nhà nước) thành văn phòng công chứng (VPCC - tổ chức tư nhân) được các địa phương thực hiện chặt chẽ, thận trọng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn vướng mắc.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, thực hiện Luật Công chứng và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP (NĐ 29), đến nay có 6 địa phương đã ra quyết định chuyển đổi 9 PCC thành VPCC. Cụ thể, các tỉnh Lâm Đồng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Thái Bình, mỗi địa phương chuyển đổi 1 PCC; TP Cần Thơ chuyển đổi 2 PCC; tỉnh Long An chuyển đổi 3 PCC; đồng thời phê duyệt Đề án chuyển đổi PCC thứ 4 là PCC cuối cùng của địa phương. Việc chuyển đổi các PCC đều được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định. Hiện nay, cả 9 VPCC được thành lập do chuyển đổi PCC đều đã đi vào hoạt động ổn định và chưa có ý kiến phản ánh nào liên quan đến quá trình chuyển đổi. Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến đối với một số kiến nghị liên quan đến quá trình chuyển đổi PCC số 6 của Hà Nội; việc xem xét, quyết định chuyển đổi thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND TP Hà Nội.
 Người dân giao dịch tại Văn phòng Công chứng Hà Nội.
Trước đó, lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội cho hay, đã hoàn thiện dự thảo Đề án chuyển đổi PCC số 6 thành VPCC Nguyễn Xuân Bang báo cáo UBND TP. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi còn vướng mắc, lúng túng về xác định giá nhận quyền chuyển đổi. Do đó, lãnh đạo Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể phương thức tính giá chuyển đổi PCC thành VPCC để áp dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc.

Đây cũng là vướng mắc được nhiều địa phương kiến nghị. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, qua quá trình triển khai, có một số địa phương phản ánh quy định của NĐ 29 về xác định giá quyền nhận chuyển đổi còn chưa rõ, khó áp dụng để triển khai xây dựng đề án chuyển đổi PCC tại địa phương. Về phía địa phương, NĐ 29 đã quy định nguyên tắc xác định giá quyền nhận chuyển đổi PCC và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan ở địa phương trong việc quyết định giá quyền nhận chuyển đổi PCC, tạo sự chủ động cho các địa phương trong thực hiện chuyển đổi. Do vậy, đề nghị Sở Tư pháp chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tại địa phương nghiên cứu quy định pháp luật, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương đã thực hiện chuyển đổi để có ý kiến tham mưu phù hợp.

Về phía Bộ Tư pháp, Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung NĐ 29, tập trung sửa đổi bổ sung các quy định về chuyển đổi PCC theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng cho hay, trong thời gian gần đây, số lượng sai sót, vi phạm của VPCC và công chứng viên hành nghề tại VPCC có xu hướng gia tăng. Số đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh về hoạt động công chứng ở các địa phương gửi về Bộ trong năm 2016 là 19 đơn, năm 2017 là 21 đơn, thì riêng 5 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã nhận được 18 đơn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực công chứng. Đồng thời, từ năm 2016 đến nay, số tiền xử phạt đối với các VPCC và công chứng viên cũng gia tăng. Tại Hà Nội, năm 2016 xử phạt 4 VPCC với số tiền 30 triệu đồng, thì năm 2017 có 16 công chứng viên và 16 VPCC bị xử phạt với số tiền 187 triệu đồng... Như vậy, yêu cầu cấp thiết đối với hoạt động công chứng hiện nay là tập trung nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức hành nghề của công chứng viên và hiệu quả hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống tổ chức hành nghề công chứng chuyên nghiệp, chất lượng cao.