Dịch vụ công gắn với ứng dụng công nghệ thông tin: Sự hài lòng của người dân mới là quyết định

Trang Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index 2016) vừa được Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam công bố, Hà Nội tăng 1 bậc so với bảng xếp hạng năm 2015, xếp thứ 2 sau Đà Nẵng.

 

Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT về kết quả đạt được và quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT -TT vào mọi lĩnh vực quản lý của Hà Nội trong thời gian tới,

Việc chấm điểm này được dựa trên những tiêu chí như thế nào và Hà Nội đã làm gì để đạt được thứ hạng trên, thưa bà?
- Vietnam ICT Index được xác định theo cách tiếp cận của Liên Hiệp Quốc về đánh giá, xếp hạng chính phủ điện tử. Đối với khối các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, chỉ số ICT Index gồm 3 chỉ số thành phần “Hạ tầng kỹ thuật CNTT”, “Hạ tầng nhân lực CNTT” và “Ứng dụng CNTT”. Để đạt được kết quả như trên, UBND TP đã tập trung chỉ đạo quyết liệt từ việc kiện toàn ban chỉ đạo, thống nhất nguyên tắc triển khai: Tập trung đồng bộ trên một nền tảng thống nhất, có kế thừa các hệ thống đã triển khai trước đây; xác định các nội dung trọng tâm để triển khai, có lộ trình triển khai cụ thể…
Vẫn còn những ý kiến chưa hài lòng của người dân về trình độ ứng dụng CNTT của một số cán bộ xã, phường. Vấn đề này sẽ được khắc phục như thế nào trong thời gian tới, thưa bà?
- Đúng là có hiện trạng nêu trên. Nhận thức được thực trạng này, ngay từ đầu năm, UBND TP đã chỉ đạo tổ chức đào tạo kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản cho tất cả các cán bộ công chức xã, phường. Kết quả là năm 2016, TP đã tổ chức đào tạo cho 315 lớp (8.962 học viên) đảm bảo 100% cán bộ công chức xã, phường, thị trấn được đào tạo “chuẩn kỹ năng CNTT năm 2016”, đồng thời tổ chức đào tạo cho 2.000 viên chức ngành giáo dục. Trong năm 2017, TP sẽ tiếp tục đào tạo nâng cao, mở rộng thêm các kỹ năng mới cho các cán bộ công chức, xem xét việc tổ chức đào tạo trực tuyến thông qua môi trường mạng. Tập trung việc đào tạo sử dụng phần mềm dùng chung để đảm bảo các đơn vị khai thác, sử dụng hiệu quả ngay các ứng dụng khi được triển khai.
Mặc dù xếp vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng nhưng cách biệt điểm số giữa Hà Nội và Đà Nẵng còn khá xa và chúng ta cũng chỉ hơn TP Hồ Chí Minh 0,0249 điểm. Vậy theo bà, Hà Nội cần phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT–TT trong các lĩnh vực cụ thể nào để duy trì thứ hạng cao trên bảng xếp hạng ICT- Index 2017?
- Các tiêu chí xếp hạng của Vietnam ICT Index mới dừng lại ở góc độ đánh giá “mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT”. Do đó, ngoài việc duy trì vị trí xếp hạng cao, Hà Nội còn có một mục tiêu ưu tiên vô cùng quan trọng đó chính là sự hài lòng của người dân và DN đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công và hiệu quả hoạt động trên nền tảng CNTT.
Để tiếp tục giữ thứ hạng cao trên bảng xếp hạng ICT- Index 2017, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến người dân, tổ chức, DN, TP Hà Nội sẽ thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau: Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai và khai thác có hiệu quả các ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn (các cơ quan) để phục vụ tốt hơn cho người dân và DN, xác định năm 2017 là năm đột phá căn bản về CNTT. Thứ hai, tiếp tục triển khai ứng dụng CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống. Ba là, Hà Nội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: Cung cấp tối thiểu 40% thủ tục hành chính của các cơ quan trực tuyến mức độ 3, 4; 100% các cơ quan sử dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối cổng dịch vụ công thống nhất toàn TP và kết nối với hệ thống dịch vụ công mức độ 3, 4; 100% lãnh đạo các đơn vị sử dụng máy tính bảng để xử lý và điều hành công việc; Nâng cấp hệ thống quản lý điều hành gắn với văn phòng điện tử bảo đảm liên thông 3 cấp và liên thông với Văn phòng chính phủ; Phấn đấu đảm bảo tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đối các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lĩnh vực tư pháp, đăng ký kinh doanh đạt trên 60%. Các dịch vụ công trực tuyến thuộc các lĩnh vực khác đạt tối thiểu 30%; Duy trì cập nhật cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư; triển khai số hóa, xây dựng và duy trì 4 CSDL quan trọng gồm CSDL đất đai, DN và hộ kinh doanh cá thể, cán bộ công chức, CSDL lĩnh vực tư pháp - hộ tịch phục vụ chia sẻ, khai thác, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó là một số chỉ tiêu về cán bộ như: 100% cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước của TP khai thác, sử dụng hộp thư điện tử trao đổi thông tin trong công việc; Triển khai xây dựng trung tâm giám sát, điều hành tập trung của TP gắn với việc xây dựng một số hệ thống thông minh: Giao thông thông minh, y tế, giáo dục, du lịch thông minh…
Xin cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần