Dịch vụ công trực tuyến tại Hà Nội: Thuận tiện cho dân, minh bạch cho chính quyền

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu phục vụ tốt nhất người dân, DN, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước từ TP đến tận cấp xã gần đây đã được Hà Nội tích cực triển khai, dần hình thành những “công dân điện tử” hướng tới “chính quyền điện tử”.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cùng Đoàn công tác của HĐND TP khảo sát việc triển khai DVCTT tại phường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây).
Địa bàn đô thị: Hiệu quả được công dân ghi nhận
Đến nay toàn TP có 1.031 dịch vụ công (DVC), đạt 55% TTHC của TP được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó 138 DVC ở mức 4. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 cả 100% TTHC được thực hiện mức 3, 4, hướng tới xây dựng thành phố thông minh, TP đã kết nối mạng diện rộng đến 584/584 xã, phường, thị trấn; triển khai Cổng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) dùng chung cung cấp DVC mức 3, 4 trên nền tảng đồng bộ tại mọi quận, huyện, xã, phường và hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp tại mọi sở, quận, huyện, xã, phường. Hiệu quả DVCTT mang lại cho cuộc sống ngày càng được nhiều người dân ghi nhận, không còn e ngại mỗi khi phải giải quyết giấy tờ.
Hạ tầng cho DVCTT mức độ 3 cấp huyện, xã đã cơ bản ổn định; 20 xã/thị trấn đều có CBCC của BPMC và lĩnh vực tư pháp nắm chắc quy trình DVCTT, có một máy tính cùng công chức hoặc thanh niên trực hướng dẫn người dân.
Phó trưởng Phòng VHTT huyện Hoài Đức Nguyễn Viết Thanh

Tại bộ phận một cửa (BPMC) phường Đội Cấn (Ba Đình), ông Đặng Văn Sơn đang làm TTHC liên thông “3 trong 1” cho cháu chia sẻ: “Được cán bộ nhiệt tình hướng dẫn đăng nhập trực tuyến, hẹn trả kết quả chỉ sau vài ngày, tôi thấy đây là cải cách rất lớn của chính quyền, giúp người dân vừa đỡ phải đi lại vừa tránh được nhũng nhiễu từ cán bộ do giảm giao dịch trực tiếp”. Tại điểm truy cập DVCTT Nhà văn hóa số 1 phường Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng), ông Phạm Quang Minh (số 12 Triệu Việt Vương) vừa được đoàn viên thanh niên hướng dẫn sử dụng DVCTT để hoàn thiện giấy tờ cho con đi nước ngoài. “Phường nào cũng có điểm thế này sẽ giảm rất nhiều thời gian, công sức cho công dân” - ông Minh nói.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2018 phường Bùi Thị Xuân đã thành lập ban quản lý, vận hành điểm truy cập DVCTT mức độ 3 tại Nhà văn hóa địa bàn dân cư số 1; giao đoàn viên thay nhau trực hướng dẫn người dân. “Điểm truy cập gần nhà, công dân đỡ mất công ra UBND phường chờ đợi, vừa giảm tải cho CBCC phường vì trụ sở chật hẹp. Mô hình không phải sử dụng CBCC mà huy động đoàn viên, lại mang tới lợi ích thiết thực cho người dân nên rất được ủng hộ” - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thị Huệ cho hay.

Nhằm ngày càng nâng cao sự hài lòng của công dân, tại Ba Đình, từ UBND quận đến 14 phường đã đồng loạt triển khai hiệu quả 100% DVCTT mức độ 3 với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Từ chỗ chưa đạt 50% số người giao dịch hành chính sử dụng DVCTT thì nay 100% hồ sơ hành chính về tư pháp đã được thực hiện qua DVCTT mức độ 3, nhiều phường đạt tỷ lệ người dân tự làm khá cao. Còn tại quận Đống Đa, dự kiến năm nay, quận sẽ hoàn thành dự án “Cải tạo, nâng cấp hệ thống CNTT quận và BPMC 21 phường đáp ứng yêu cầu DVCTT mức độ 3, 4”. Phó trưởng Phòng Nội vụ quận Đống Đa Vũ Trà Vinh nhận định, ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC đã tăng hiệu quả công việc từng đơn vị, vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và Nhân dân.

Địa bàn nông thôn: Chuyển biến tích cực

Còn nhớ, khi mới triển khai DVCTT mức 3 cấp xã lĩnh vực tư pháp, người dân rất bỡ ngỡ nên CBCC thường phải làm thay khiến áp lực công việc vô cùng lớn, thì nay tỷ lệ công dân tự nộp trực tuyến trên toàn TP đã tăng đáng kể. Đặc biệt, không chỉ tại nội thành nơi có điều kiện hạ tầng đã đồng bộ, ngay cả địa bàn nông thôn cũng đã có bước tiến dài về triển khai DVCTT so với hơn 2 năm trước, mang lại rất nhiều tiện ích được người dân ghi nhận. Kết quả này có phần quan trọng do những nỗ lực trong công tác tuyên truyền.

Trong đó, nhiều đơn vị sáng tạo những hình thức giúp người dân dễ dàng tiếp cận loại hình mới này. Nếu Thanh Xuân, Long Biên, Hai Bà Trưng… bố trí các điểm hỗ trợ thực hiện DVCTT tại khu chung cư, tổ dân phố thì huyện Chương Mỹ lại tiên phong thành lập câu lạc bộ tin học cựu chiến binh - người cao tuổi. Để không ngừng tăng sự hài lòng của công dân, mới đây UBND huyện Phú Xuyên còn thuê đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm giúp khảo sát 8 nhóm DVC có phát sinh nhiều hồ sơ, giúp đánh giá khách quan mức hài lòng của người dân trên địa bàn. Nhiều huyện khác đẩy mạnh tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, xã, phát tờ rơi… Thị xã Sơn Tây có cách tuyên truyền rất đa dạng, trong đó có hình thức sân khấu hóa, huy động đoàn thanh niên tham gia, giúp việc giải quyết TTHC bằng DVCTT ngày càng được nhiều người dân ủng hộ. Hiện BPMC thị xã thực hiện giải quyết 262 TTHC thì đã có 74 TTHC ở mức 3 và 3 TTHC ở mức 4; tại các xã, phường có 166 TTHC thì 8 TTHC ở mức 3. Tỷ lệ giải quyết đúng hạn tại thị xã và phường, xã luôn đạt trên 98%.