“Điểm danh” các doanh nghiệp tỷ đô trên sàn chứng khoán Việt Nam

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 5 năm, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chỉ có 1 DN có mức vốn hóa 1 tỷ đô, thì đến 31/1/2019 đã có khoảng 32 DN có mức vốn hóa từ 1 tỷ đô trở lên niêm yết trên 2 Sàn giao dịch chứng khoán.

Ảnh minh họa
Tiêu biểu như Vingroup - Công ty CP có mức vốn hóa khoảng 14,3 tỷ đô; Vietcombank vốn hóa 9 tỷ đô; Vinamilk có mức vốn hóa 10,2 tỷ đô; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam- Công ty CP có mức vốn hóa gần 8 tỷ đô.
Số liệu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ TTCK năm 2019 do Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ngày 22/2/2019 cho thấy, quy mô vốn hóa của thị trường năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017, tương ứng 71,6% GDP của năm 2018.
Trong đó, các ngành bất động sản, ngân hàng, thực phẩm và đồ uống là những ngành có mức vốn hóa lớn nhất thị trường (bất động sản 848.000 tỷ đồng, ngân hàng 756.000 tỷ đồng, thực phẩm và đồ uống 679.000 tỷ đồng). Theo đại diện UBCKNN, với quy mô vốn hóa như hiện nay, TTCK Việt Nam đã và đang góp vai trò quan trọng trong việc huy động vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN niêm yết năm 2018 có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2017 về doanh thu (tăng 15,2%) và lợi nhuận sau thuế (tăng 21,4%). Trong đó, bất động sản vẫn là ngành có lợi nhuận tăng trưởng cao nhất toàn thị trường, tăng gấp đôi so với năm 2017.
Tiếp theo là ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với mức tăng 27,9% theo số liệu báo cáo tính đến 31/1/2019. Chỉ tiêu sinh lời năm 2018 của toàn thị trường được cải thiện. ROA, ROE cao hơn so với cùng kỳ năm trước với giá trị lần lượt 3,24% và 24,25%. Số công ty báo cáo lãi năm 2018 chiếm 94% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo.
Tính đến 31/1/2019, thị trường có 755 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch và 804 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCOM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt hơn 1.235 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2017. Trong năm cũng ghi nhận một số DN lớn, ngân hàng niêm yết mới như Công ty CP Vinhomes, HDBank, Techcombank, TPBank…
Một trong những hạn chế của các DN niêm yết trên thị trường hiện nay là chi phí tài chính và chi phí lãi vay đều tăng, lần lượt là 13% và 16,1% do nợ phải trả và mặt bằng lãi suất tăng. Đồng thời, hàng tồn kho cũng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần