“Điểm danh” mặt hàng triển vọng xuất khẩu cuối năm

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến, từ nay tới hết năm, thủy sản, rau quả, gạo sẽ là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tổng kim ngạch xuất khẩu nói chung.

 Mặt hàng sầu riêng cũng có nhiều cơ hội xuất khẩu cuối năm (ảnh minh hoạ).
Theo phân tích của Bộ Công Thương, với mặt hàng thủy sản xuất khẩu có nhiều cơ hội trong các tháng cuối năm như giá nguyên liệu và giá xuất khẩu có xu hướng tăng; nhu cầu nhập khẩu tăng bình quân 10 - 20% trong các tháng cuối năm để phục vụ các dịp lễ, Tết, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, các đối thủ khó khăn về sản xuất và thị trường (Thái Lan ngừng nhập khẩu tôm Ấn Độ làm Thái Lan giảm nguồn cung cho xuất khẩu, Ấn Độ đang chịu tần suất kiểm tra 50% khi xuất khẩu sang EU và có nguy cơ bị EU cấm...). Do vậy, mặc dù vẫn gặp khó khăn về thẻ vàng IUU của EU và Chương trình giám sát cá da trơn của Mỹ, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2018 vẫn đạt kết quả như kế hoạch đầu năm với kim ngạch 9,05 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2017.

Với mặt hàng rau quả, theo Bộ Công Thương, triển vọng xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới. Nguồn cung trong nước dồi dào, nhiều mặt hàng đang và sẽ bước vào vụ thu hoạch rộ như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít, xoài, thanh long, dưa hấu, bưởi, chuối… với năng suất cao. Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại được chú trọng cũng sẽ góp phần thúc đầy xuất khẩu rau quả trong thời gian tới. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2018 sẽ tăng khoảng 15,0% so với năm 2017.

Ngoài thủy sản và rau quả, mặt hàng gạo cũng được nhìn nhận tiếp tục có tăng trưởng khả quan. Dự kiến, xuất khẩu gạo cả năm 2018 có thể đạt 6,15 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm 2017.

Về mặt thị trường xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương nêu rõ: Những tháng cuối năm đang có tín hiệu nhập khẩu của Indonesia, Philippines. Trong đó, Philippines có khả năng nhập khẩu với lượng lớn thông qua cả đấu thầu mở quốc tế và hợp đồng Chính phủ. Thị trường Cuba còn giao hợp đồng 200 nghìn tấn đã ký. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc có thể tiếp tục mở thầu.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 200,3 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 56,82 tỷ USD, tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 143,45 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Với mức tăng trưởng lên tới 14,2%, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sau 10 tháng đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 8-10% trong năm 2018. Tính đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã hoàn thành 84,6% mục tiêu xuất khẩu của năm 2018.

Trong bối cảnh xuất khẩu đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2018 có thể đạt mức tăng trưởng 10-12%, kim ngạch đạt khoảng 239-240 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 27,45 tỷ USD, tăng 5,3%; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 4,98 tỷ USD, tăng 3,8% và nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 197,11 tỷ USD, tăng 13%.