Điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP: Tạo sức bật cho kinh tế nông thôn

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2019 – 2020, Sở Công Thương Hà Nội đã khảo sát, lựa chọn được hàng chục điểm giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Đến nay, toàn TP đã có 9 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP được khai trương, đi vào hoạt động.

Nâng giá trị cho sản phẩm làng nghề
Ngày 8/10 vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức khai trương điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch các làng nghề truyền thống xã Bát Tràng, đặt tại Khu tinh hoa làng nghề Việt, thuộc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (thôn 5, xã Bát Tràng). Với diện tích 3.300m2 và không gian kiến trúc độc đáo, nơi đây hội tụ nhiều sản phẩm làng nghề đặc sắc của Hà Nội như gốm sứ, mây tre đan, lụa, hàng thủ công mỹ nghệ...
 Một gian hàng trong điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP về chương trình OCOP, huyện Gia Lâm đã tích cực triển khai. Đến nay, Gia Lâm đã được công nhận Huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 2/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cũng theo ông Nguyễn Đức Hồng, toàn huyện hiện có 5 làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề nổi tiếng gốm sứ Bát Tràng. Năm 2019, huyện có 6 chủ thể tham gia chương trình OCOP và 19 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên là gốm sứ, rau củ an toàn, các sản phẩm chế biến sẵn.

Trong năm 2020, huyện Gia Lâm tiếp tục đánh giá, phân hạng 30 sản phẩm mới thuộc 3 nhóm sản phẩm gồm thực phẩm, thảo dược và sản phẩm lưu niệm nội thất, trang trí; đồng thời hoàn thiện hồ sơ 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao trình T.Ư xem xét. “Chương trình OCOP đã góp phần phát huy thế mạnh, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, tạo động lực, sức bật trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện” – ông Hồng nói.

Tiếp tục mở rộng giới thiệu, quảng bá

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, năm 2019, toàn TP có 301 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên. Năm 2020, TP đang tiến hành đánh giá, xếp loại, xếp hạng, dự kiến có 800 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Do đó, nhu cầu phát triển các điểm bán, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP là hết sức cần thiết.

Nhằm triển khai mô hình điểm Chương trình OCOP TP Hà Nội năm 2020, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch số 2223/KH-SCT ngày 27/5/2020, đồng thời tích cực phối hợp cùng UBND quận Hà Đông, huyện Gia Lâm, huyện Quốc Oai, thị xã Sơn Tây, các trung tâm thương mại, siêu thị xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.
Sau khi triển khai điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề tại xã Bát Tràng, Sở Công Thương sẽ tiếp tục cùng UBND các quận, huyện và đơn vị phân phối tổ chức khai trương các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP ở các địa điểm khác. Qua đó đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm độc đáo, chất lượng, đồng thời góp phần phát huy thế mạnh, nâng cao giá trị kinh tế cho địa phương.

Năm 2021, Sở Công Thương phấn đấu có từ 60 - 70 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các cửa hàng ở nhà ga, sân bay, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn... nhằm hình thành mạng lưới phân phối, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP và làng nghề.

"Với lợi thế nằm trên địa bàn làng nghề truyền thống, đồng thời là điểm du lịch nổi tiếng, hàng năm thu hút rất nhiều du khách, điểm giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm OCOP tại Khu tinh hoa làng nghề Việt, xã Bát Tràng sẽ là điểm quảng bá tốt các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, không chỉ của huyện Gia Lâm mà còn của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP." - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần