Điểm khác biệt của Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên năm 2017

ĐỨC THỌ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/10, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên thông tin về kế hoạch tổ chức Lễ hội làng nghề truyền thống huyện lần thứ III.

 
Theo đó, thực hiện chương trình số 05 của Huyện ủy Phú Xuyên về "Phát triển làng nghề gắn với gắn với du lịch làng nghề huyện Phú Xuyên giai đoạn 2015-2020", từ năm 2011 huyện chọn ngày 26/10 hàng năm là ngày vinh danh làng nghề truyền thống huyện. Lễ hội vinh danh làng nghề đến nay đã được tổ chức qua 5 năm (2 năm quy mô cấp huyện, 3 năm quy mô cấp xã).

Năm nay UBND huyện Phú Xuyên phối hợp với Công ty Cổ phần Thương mại Gia Phạm tổ chức chương trình "LỄ HỘI VINH DANH LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG HUYỆN PHÚ XUYÊN LẦN THỨ III - 2017" từ ngày 26-29/10 tại Sân vận động huyện Phú Xuyên với tổng quy mô diện tích hơn 20.000 m2. Lễ hội hứa hẹn sẽ thu hút hàng vạn người dân và du khách tới tham dự với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa.

Điểm nhấn hoàn toàn khác biệt và mới lạ so với những năm trước, lễ hội năm 2017 Ban tổ chức đã bố trí Khu nghệ thuật sắp đặt với mục đích mang đến cho lễ hội một không gian nghệ thuật đặc sắc không chỉ tôn vinh nét đẹp của các sản phẩm làng nghề mà qua đó nâng cao tính năng, giá trị của sản phẩm cũng như tính ứng dụng thực tiễn tới nhiều lĩnh vực trong đời sống.

Nằm trong khuôn khổ của Khu nghệ thuật sắp đặt sẽ diễn ra Triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày hơn 100 bức ảnh về Phú Xuyên, đem đến cho bạn bè, du khách bốn phương một cái nhìn rõ nét hơn về vùng đất và con người nơi đây.

Đặc biệt trong sáng 27/10, 28/10 sẽ diễn ra chương trình biểu diễn tay nghề đan cỏ tế xã Phú Túc và nặn tò he xã Phượng Dực với sự tham dự của các nghệ nhân tiêu biểu của các làng nghề.

Bên cạnh đó Lễ hội còn tổ chức Đêm nhạc giao lưu nghệ thuật hoành tráng "Lắng đọng tình quê" vào 20h00 ngày 28/10 và Không gian giao thương rộng gần 10.000 m2 để các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác mới, quảng cáo và bán các sản phẩm, giao lưu tay nghề trong lễ hội.

Thông tin về kết quả hoạt động của các làng nghề trên địa bàn năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết: Huyện Phú Xuyên có lợi thế về vị trí địa lý, đầu mối giao thông kết nối với trung tâm Hà Nội và các tỉnh lân cận, là huyện có nhiều làng nghề truyền thống tiêu biểu, thuận lợi cho việc phát triển du lịch làng nghề và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Nhiều làng nghề của huyện được hình thành từ rất lâu đời và cách đây vài trăm năm như: đan cỏ ở xã Phú Túc; sơn mài khảm trai ở xã Chuyên Mỹ có từ thế kỷ XI; nặn tò he ở Xuân La xã Phượng Dực có cách đây 300 năm và là làng nghề duy nhất có ở Việt Nam; may comple ở Vân Từ; đóng giầy da ở Phú Yên; đồ gỗ cao cấp ở Tân Dân... Các làng nghề tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng có của mỗi làng nghề và đã tạo dựng được thị trường rộng lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và hầu hết các tỉnh, thành trong nước. Một số sản phẩm mây giang đan được xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Trung Quốc..., sơn mài, khảm trai được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Ba Lan..., dệt lưới chã xuất khẩu sang thị trường Campuchia.

Hiện toàn huyện có 156/156 làng, cụm dân cư có nghề, chiếm 100%, có 78 làng nghề được duy trì và phát triển mạnh; 40 làng nghề được UBND TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Số hộ sản xuất TTCN năm 2017 có 24.500 hộ; Số lao động sản xuất TTCN là 39.939 người; Giá trị sản xuất TTCN làng nghề ước đạt 4.550,000 tỷ đồng; Thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt 52 triệu đồng/năm. Có 385 công ty, doanh nghiệp, 6 HTX công nghiệp, 8 tổ chức quỹ tín dụng, 3 hiệp hội sản xuất kinh doanh liên quan về sản xuất TTCN, làng nghề giải quyết việc làm cho trên 80% lao động trong các làng nghề và các vùng phụ cận.

Năm 2017, trên địa bàn huyện đã thu hút được trên 300 đoàn khách trong nước và nước ngoài với tổng số gần 6000 lượt người đến tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử, du lịch làng nghề.

Về mục tiêu trong những năm tới, huyện Phú Xuyên phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng từ 7-7,5%/năm, giải quyết việc làm cho 25.000 lao động. Thu nhập bình quân đầu người sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt từ 55 triệu đồng/người/năm trở lên. Hình thành và kết nối được một số tuyến du lịch làng nghề. Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với du lịch, tham quan, mua sắm tại làng nghề. Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề.