Khai trương Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo (VCNET)
Ngày 11/6, Ban Tuyên giáo Trung ương chính thức khai trương Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo (VCNET). VCNET là sản phẩm ra đời từ sự phối hợp của Ban Tuyên Giáo Trung ương cùng Tập đoàn Viettel. Hệ thống có phương châm "Tuyên giáo đi trước, đi cùng", "Hướng mạnh về cơ sở" nhằm đáp úng nhu cầu mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hiệu lực, hiệu quả và nắm bắt dư luận nhanh nhạy, lan tỏa, kịp thời định hướng dư luận xã hội, tạo bước đột phá đối với công tác tuyên giáo.
Giao diện VCNET |
Được biết, VCNET là hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo, giúp quản lý điều hành tác nghiệp toàn bộ công tác của ngành Tuyên giáo toàn quốc, chuyển từ giấy sang điện tử, tin học hóa hầu hết công việc hàng ngày, ứng dụng chữ ký số, chatbot thông minh (phần mềm máy tính giúp tương tác/nói chuyện tự động)…
Bên cạnh đó, VCNET còn là một mạng xã hội để chia sẻ, trao đổi, tuyên truyền về các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước và phản bác các thông tin sai trái. Thông qua hệ thống, các lãnh đạo và cán bộ ngành Tuyên giáo có thể truy cập đến tất cả các ứng dụng, một lần đăng nhập duy nhất cho tất cả các công việc, có khả năng tương tác qua web hoặc smartphone (Android, iOS).Ước tính hệ thống sẽ giúp tiết kiệm ít nhất 50% thời gian giải quyết công việc, giảm khoảng 90% thời gian luân chuyển văn bản và chi phí xử lý, lưu trữ văn bản. Người dùng có thể tham gia sử dụng mạng xã hội bằng cách "Đăng ký" trên Hệ thống thông qua đường dẫn http://vcnet.vn hoặc tải về qua ứng dụng trên điện thoại smartphone.
Bộ TT&TT yêu cầu DN ngừng quảng cáo trên video Youtube có nội dung xấu
Theo nguồn tin từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH &TTĐT) ngày 10/6, Cục đã chính thức gửi công văn đến cho các nhãn hàng, thương hiệu đang có quảng cáo trong các clip mang nội dung phản động trên YouTube, yêu cầu các nhãn hàng này dừng ngay quảng cáo trong các clip chống phá nhà nước.
Ảnh minh họa |
Nguồn tin từ Cục PTTH &TTĐT cũng cho biết, những thương hiệu lớn như Adayroi của Vingroup, Samsung Việt Nam, Grab, FPT, Yamaha, Shopee, VNG, Huawei Việt Nam... đều đang quảng cáo trong những clip phản động.
Công văn của Cục PTTH & TTĐT nêu rõ, đầu năm 2017, Bộ TT&TT đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của nhiều DN trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động vi phạm pháp luật Việt Nam phát trên mạng xã hội YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google.
Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được Goolge chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình chung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại và gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, DN.
Trước tình hình đó, Bộ TT&TT đã gửi công văn cảnh báo tới các DN, đồng thời tổ chức làm việc với các DN và các đại lý quảng cáo, đại diện của Google yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng nêu trên. Vì vậy, sau tháng 3/2017 tình trạng gán quảng cáo trên các clip phản động đã tạm thời được khắc phục.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, qua theo dõi, rà soát thông tin trên mạng xã hội YouTube, Cục PTTH & TTĐT nhận thấy tình trạng này đã và đang tái diễn trở lại. Quảng cáo của các công ty đã bị gán vào các video có nội dung vi phạm pháp luật trên YouTube. Cục PTTH & TTĐT yêu cầu các công ty và nhãn hàng dừng ngay việc quảng cáo trong các video trên YouTube có nội dung xấu độc, phản động, chống phá Đảng và Nhà nước, chủ động rà soát, kịp thời cảnh báo với các đối tác cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo hoạt động quảng cáo phù hợp với quy định của pháp luật. Các nhãn hàng và thương hiệu vi phạm cũng phải báo cáo giải trình với Cục trước ngày 17/6/2019.Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường quảng cáo online tại Việt Nam trị giá khoảng 400 triệu USD. Hơn 70% doanh thu này đổ vào túi của Facebook và Google (khoảng 280 triệu USD).
Trong đó, Google thu về khoảng 150 triệu USD/năm từ dòng tiền quảng cáo tại Việt Nam nhưng không có bất cứ một đại diện hợp pháp nào gây khó khăn cho Cục PTTH & TTĐT khi liên hệ làm việc.
Do đó, việc yêu cầu YouTube mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam là điều cần thiết, trước hết là chăm sóc khách hàng, sau là làm việc với cơ quan quản lý khi có yêu cầu.
Bộ cũng sẽ yêu cầu YouTube định danh các kênh YouTube tiếng Việt, chỉ xem xét chia sẻ tiền quảng cáo với những kênh đã được định danh và cam kết không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật.
Cục An toàn thông tin có Cục trưởng mới
Sáng 12/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị triển khai quyết định công tác cán bộ của Bộ TT&TT.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao quyết định bổ nhiệm cho ông Nguyễn Huy Dũng |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Dũng khẳng định ở cương vị mới ông và các cán bộ của Cục An toàn thông tin sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện tốt các nhiệm vụ Bộ giao trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Nhận định về tân Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá ông Nguyễn Huy Dũng là Cục trưởng trẻ nhất được bổ nhiệm tại Bộ TT&TT. Đồng thới, đánh giá cao năng lực của ông Nguyễn Huy Dũng trong những việc mang tầm vĩ mô như chuẩn bị các chỉ thị liên quan đến an toàn thông tin của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ cũng như công tác quản lý Cục. Khi được giao nhiệm vụ, ông Dũng không ngại việc mới, việc khó và sẵn sàng đề xuất thêm các công việc mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong tháng 5, xuất hiện thêm 739 sự cố tấn công mạng
Theo số liệu thống kê từ hệ thống theo dõi, cảnh báo của VNCERT thuộc Bộ TT&TT, trong 739 sự cố tấn công mạng được phát hiện trong tháng 5/2019 vừa qua, có 425 sự cố Deface (tấn công thay đổi giao diện), 289 sự cố Phishing (tấn công lừa đảo) và số sự cố Malware (phát tán mã độc) là 25.
Cũng trong tháng 5/2019, Trung tâm VNCERT đã thực hiện nhiều lượt cảnh báo, yêu cầu xử lý sự cố và hỗ trợ xử lý sự cố cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước. Đơn cử như Trung tâm đã phát hiện và gửi 28 email cảnh báo yêu cầu đơn vị xử lý sự cố còn tồn tại và hỗ trợ xử lý sự cố cho các đơn vị có yêu cầu; gửi công văn cảnh báo trực tiếp đến 3 đơn vị thuộc cơ quan nhà nước bị nhiễm mã độc deface.Theo tổng hợp của VNCERT, Top 5 loại hình tấn công nhiều nhất trong tháng 5/2019 vừa qua gồm có: tấn công thu thập thông tin; vi phạm chính sách an toàn thông tin; tấn công leo thang đặc quyền; tấn công từ chối dịch vụ và tấn công liên quan đến mã độc.