Một tuần đầy biến động của Bitcoin

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bitcoin lao dốc xuống dưới 4.000 USD; Robot Sophia sắp có em gái; Microsoft vượt Apple là công ty giá trị nhất thế giới... là nội dung chú ý tuần qua.

Xuất Bitcoin lao dốc xuống dưới 4.000 USD
Cuối tuần qua, giá đồng tiền ảo này đã chọc thủng đáy 4.000 USD và giao dịch quanh mốc 3.700 USD. CoinMarketCap báo mỗi Bitcoin có giá 3.737 USD tại thời điểm trưa Chủ nhật (25/11).
Bitcoin đã có đợt lao dốc tiếp theo trong tuần qua

Giá trị Bitcoin đã giảm 14%, kéo theo sự lao dốc ở mức 2 con số của hầu hết đồng tiền ảo khác. Dữ liệu của Markets Insider cho biết, Bitcoin từng bám trụ ở mức giá 3.828 USD trong một thời gian ngắn trước khi chạm giá hiện tại.

Tính đến ngày thứ 2 tuần này, giá Bitcoin sụt 35% trong vòng 7 ngày, xuống dưới mốc 3.500 USD lần đầu tiên trong 14 tháng.

Business Insider nhận định, giá tiền ảo này đang ở mức thấp nhất trong hơn một năm qua và giảm khoảng 80% giá trị so với mức đỉnh từng đạt được.

Đây là lần giảm mạnh thứ 2 của Bitcoin trong tuần này. Vào hôm thứ Ba (20/11), giá đồng tiền ảo này đã giảm 16%, về mốc 4.200 USD, thấp nhất kể từ ngày 30/9/2017, trước khi tiếp tục giảm mạnh đợt tiếp theo vào cuối tuần qua.

Một tín hiệu tích cực là hôm 30/11, hãng tin CNBC dẫn dữ liệu từ CoinDesk cho biết, giá Bitcoin có lúc tăng 16%, đạt hơn 4.340 USD. Ghi nhận mới đây giá Bitcoin theo dữ liệu trên trang Coinmarketcap đứng ở mức 4.221 USD/oz, cao hơn gần 10% so với cách đó 24 tiếng.

Nhiều chuyên gia kinh tế, trong đó, ông Vinny Lingham - CEO của Civic cho rằng: "Bitcoin giờ đây quá nguy hiểm để đầu tư vào".

Mặc dù vậy, ông Lingham vẫn khá lạc quan về thị trường: "Tôi nghĩ trong ngắn hạn, sự đi xuống của Bitcoin như một tác động xua đuổi những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đối với tôi, điều này quá nguy hiểm. Nhưng rõ ràng, nguy cơ cao luôn kèm theo phần thưởng cao, nếu thị trường quay đầu, đây có thể là thời điểm tuyệt vời để mua vào".

Một chuyên gia phân tích tài chính phố Wall gần đây tái khẳng định, Bitcoin sẽ chạm ngưỡng 250.000 USD trong năm 2022. Chuyên gia này tin rằng Bitcoin cuối cùng sẽ chia thị trường tiền pháp định với tỉ lệ 50 - 50.

Robot Sophia sắp có em gái

Cô robot Sophia đã quá nổi tiếng khi trở thành công dân robot đầu tiên cùng với những phát ngôn gây sốc. Hãng Hanson Robotics, "cha đẻ" của robot hình nhân Sohpia, vừa thông báo sẽ tung robot "em gái" cho Sophia có tên Little Sophia vào năm 2019.

Robot Sophia.

Sophia hoạt động được nhờ sự kết hợp của mạng lưới thần kinh, nhận thức máy móc, điều khiển động cơ thích nghi và khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên trong đàm thoại.

Cũng giống như cô chị, Sophia Little sẽ có thể trò chuyện, thể hiện cảm xúc nhiều kiểu. Cô bé robot này cũng sẽ thích đi, học hỏi, kể chuyện, chơi trò chơi, đóng vai trò làm trợ lý thông minh, dạy viết code, dạy về trí tuệ nhân tạo (AI),..

Hiện Little Sophia đang phục vụ nghiên cứu AI của riêng Hanson Robotics, nhưng sẽ sớm được ra mắt để có thể đến nhà người dùng hoặc các phòng thí nghiệm AI trên thế giới.

Gần 90% máy tính bộ ở Việt Nam toàn mã độc khi mới mua về

Theo một báo cáo mới nhất do Microsoft công bố ngày 30/10, 84% máy tính bộ bán ra tại châu Á (trong đó có Việt Nam) cài sẵn phần mềm lậu, phần mềm bẻ khóa bản quyền (dùng bản crack) và đây là cửa ngỏ cài sẵn của tội phạm mạng đưa mã độc và các phần mềm theo dõi vào máy tính người mua, đánh cắp thông tin của họ.

Giật mình gần 90% máy tính bộ ở Việt Nam toàn mã độc khi mới mua về. Ảnh Dân trí

Báo cáo cũng chỉ rõ người dùng còn thờ ơ với những nguy cơ đầy rẫy trên mạng khiến máy tính của mình bị thâm nhập và điều khiển từ xa, đánh cắp dữ liệu giao dịch, do đó, trong thông báo phát ra từ Bộ TT&TT hôm 6/11 có đến 4,7 triệu IP từ Việt Nam nằm trong các mạng mã độc lớn.

Theo Microsoft, phần mềm lậu dùng bản bẻ khóa (crack) đa phần đều lây nhiễm mã độc, phổ biến nhất là virus thực hiện các hoạt động gây hại hoặc tải thêm các mã độc khác về máy tính và trojan giúp tội phạm mạng điều khiển máy tính nạn nhân từ xa.

Bên cạnh nguy cơ lây nhiễm mã độc từ các phần mềm bẻ khóa, đại đa số người dùng đều không biết đến một nguy cơ từ phía 'phần mềm chính hãng' đó là lỗ hổng bảo mật. Các phần mềm như Windows hay bất kỳ phần mềm, tiện ích mở rộng (extension/plugin) nào cũng mang nguy cơ chứa lỗ hổng bảo mật, và một số thuộc dạng lỗi 0-day đồng nghĩa nhà phát triển phần mềm chưa phát hành bản vá lỗi, biến máy tính của bạn phơi mình trước tấn công mạng. Ngày 13-11, 63 lỗi trong Windows vừa được Microsoft phát hành bản vá lỗi nhưng chỉ có những người dùng đặt 'Cập nhật tự động' cho Windows mới an toàn.

Theo một chuyên gia bảo mật từ Kaspersky, người dùng cần có kiến thức cơ bản về bảo mật khi sử dụng máy tính để sử dụng máy tính an toàn hơn. Thường xuyên đọc tin tức cập nhật về những nguy cơ từ Internet để có phương pháp hạn chế rủi ro, phòng tránh bằng phần mềm anti-virus, đặc biệt trước nguy cơ mã độc mã hoá dữ liệu tống tiền (ransomware) tràn lan khắp thế giới hiện nay.

Khi sử dụng chương trình anti-virus cần tham khảo về mức độ an toàn cũng như khả năng bảo vệ. Từ ngăn chặn virus, các loại mã độc thâm nhập qua các bản phần mềm lậu, phần mềm bảo mật cần phải chống tấn công mạng qua khai thác các lỗ hổng bảo mật của những phần mềm phổ biến bằng hệ thống tường lửa (firewall), cho người dùng biết cần cập nhật, và quan trọng là bảo vệ người dùng khi giao dịch thanh toán trực tuyến bằng cách 'bảo bọc' bằng một trình duyệt an toàn.

Các chuyên gia khuyến cáo người dùng tập thói quen cập nhật cơ sở dữ liệu hay còn gọi là chữ ký virus mới nhất, giúp phần mềm nhận diện được những loại mã độc mới. Bật các tính năng cảnh báo khi có những hoạt động đáng ngờ trên máy tính khi đang lướt web như lời mời cài đặt một phần mềm để xem video trên website.

Lời khuyên tốt nhất, đừng đợi đến khi dữ liệu của bạn bị tội phạm mạng mã hóa và đòi tiền chuộc cao ngất ngưỡng, hay số thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng lọt vào tay tin tặc thì mới cuống cuồng xử lý. Khi đó đã muộn và đáng tiếc nó vẫn là trường hợp phổ biến hiện nay tại Việt Nam.

Microsoft vượt Apple là công ty giá trị nhất thế giới

Sau khi trở thành công ty đại chúng giá trị nhất thế giới vào ngày 26/11, cổ phiếu Microsoft đã tăng 0,6% vào hôm sau, nâng giá trị vốn hóa lên 828,1 tỷ USD, nhiều hơn 1 tỷ USD so với Apple.
Apple đã bị Microsoft vượt mặt là công ty giá trị nhất thế giới. Ảnh mình hoạ

Tháng này, “táo khuyết” sảy chân trước những lo ngại xoay quanh doanh số iPhone. Theo Bloomberg, lần cuối cùng giá trị vốn hóa của Microsoft lớn hơn Apple là vào năm 2010.

Sự sa sút của thị trường chứng khoán gần đây tác động đến gần như mọi hãng công nghệ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư “trừng phạt” các hãng tiêu dùng như Apple và Amazon nhiều hơn các hãng thiên về phục vụ doanh nghiệp như Microsoft. Cổ phiếu Microsoft giảm 6,3% kể từ đầu tháng 10, trong khi cổ phiếu Apple đã mất 23% giá trị.

Từ hơn một thập kỷ trước, Microsoft luôn đi sau Apple khi điện toán chuyển hướng từ desktop sang di động. Nỗ lực giành lại thị trường bằng cách thôn tính mảng di động Nokia và ra mắt điện thoại riêng khiến nhà sản xuất Windows bị tổn hại nghiêm trọng. Điều đó gây ra bất bình cho Microsoft, gã khổng lồ từng “cứu” Apple những năm 1990.

Sự trỗi dậy của điện toán đám mây đã thay đổi vận mệnh của Microsoft khoảng 5 năm trước. Dưới sự dẫn dắt của Tổng Giám đốc Satya Nadella, công ty đầu tư mạnh vào trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng khác để chạy các ứng dụng và lưu trữ dữ liệu cho khách hàng doanh nghiệp. Microsoft hiện chỉ đứng sau Amazon Web Services về đám mây. Ngoài ra, thay vì trói buộc bộ ứng dụng văn phòng Office cho nền tảng Windows, Microsoft cung cấp nó như dịch vụ thuê bao qua Internet và trên thiết bị của các công ty khác, trong đó có cả Apple. Công ty cũng ngừng sản xuất smartphone trong khi nâng cấp chất lượng tablet và PC.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần