Điểm nhấn công nghệ tuần: Cảnh báo tấn công lừa đảo người dùng internet Việt Nam

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn làm trưởng Ban Chỉ đạo cổ phần hóa VNPT; Hoàn tất sửa chữa cáp quang biển AAG; Cảnh báo chiến dịch tấn công lừa đảo người dùng internet Việt Nam... là nội dung chú ý tuần qua.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn làm trưởng Ban Chỉ đạo cổ phần hóa VNPT
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn làm trưởng Ban Chỉ đạo cổ phần hóa VNPT.
Theo Bộ TT&TT, sáng 23/1/2018, tại trụ sở Bộ TT&TT, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tập đoàn VNPT đã họp và công bố Quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tập đoàn VNPT.
Tới dự và chủ trì cuộc họp có Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo; Thứ trưởng Phạm Hồng Hải - Phó trưởng Ban Chỉ đạo; cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ TT&TT ngày 22/12/2017, Bộ TT&TT đã có Quyết định số 2306/QĐ-BTTTT thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tập đoàn VNPT do Bộ trưởng Bộ TT&TT làm Trưởng Ban và Quyết định số 2307/QĐ-BTTTT thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tập đoàn VNPT.
Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 14 thành viên, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn làm trưởng Ban Chỉ đạo. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo. Ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ TT&TT làm thành viên thường trực Ban Chỉ đạo - Tổ trưởng Tổ giúp việc. Thành viên Ban Chỉ đạo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Bộ Tài chính, lãnh đạo Tập đoàn VNPT....
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo cũng đã thông báo Quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tập đoàn VNPT.
Theo Quyết định trên, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tập đoàn VNPT có các nhiệm vụ: Chỉ đạo Tập đoàn VNPT căn cứ kế hoạch cổ phần hóa đã được phê duyệt, chủ động thực hiện chuẩn bị hồ sơ, tài liệu pháp lý về tài sản của doanh nghiệp (bao gồm cả nhà cửa, đất đai); phương án sử dụng đất đai sau cổ phần hóa; kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ tại thời điểm lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật;
Xây dựng kế hoạch tiến độ cổ phần hóa trình Bộ TT&TT phê duyệt để thực hiện. Trường hợp không thực hiện được tiến độ cổ phần hóa thì Ban lãnh đạo Tập đoàn VNPT được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Tập đoàn VNPT phối hợp với tổ chức tư vấn tiến hành xử lý các vấn đề về tài chính, lao động theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP; Chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp với Tập đoàn VNPT tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định 126/2017/NĐ-CP;
Báo cáo Bộ TT&TT lựa chọn phương thức bán cổ phần lần đầu; Chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp cùng với Tập đoàn VNPT xây dựng phương án cổ phần hóa và dự thảo Điều lệ lần đầu của công ty cổ phần; Chỉ đạo Tổ giúp việc phối hợp cùng với Tập đoàn VNPT xây dựng phương án sử dụng lao động trình Bộ TT&TT phê duyệt.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ thẩm tra và trình Bộ TT&TT quyết định lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa, lựa chọn tổ chức bán đấu giá cổ phần, công bố giá trị doanh nghiệp, quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa; Chỉ đạo Tập đoàn VNPT phối hợp với các tổ chức đấu giá bán cổ phần theo quy định;
Chỉ đạo Tập đoàn VNPT xác định số tiền thu về cổ phần hóa phù hợp với hình thức cổ phần hóa công ty, lập báo cáo quyết toán báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Tổng hợp báo cáo Bộ TT&TT kết quả bán cổ phần; Tổng hợp trình Bộ TT&TT quyết định điều chỉnh phương án cổ phần hóa, quyết định điều chỉnh giá trị doanh nghiệp sau khi chuyển thành công ty cổ phần;
Phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm tra và trình Bộ TT&TT quyết định phê duyệt quyết toán tài chính; quyết toán chi phí cổ phần hóa; quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư; quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa và công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu các doanh nghiệp; Xem xét và đề xuất với cơ quan đại diện chủ sở hữu cử người đại diến phần vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp cổ phần hóa....
Hoàn tất sửa chữa cáp quang biển AAG
Hoàn tất sửa chữa cáp quang biển AAG.
Cụ thể, chia sẻ với báo chí vào sáng 25/1, VNPT cho biết, đối tác quốc tế đã tiến hành cấu hình lại nguồn cho toàn bộ nhánh S1 để sửa lỗi trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG từ 7h15 ngày 21/1/2018 đến 21h40 ngày 23/1/2018. 
Hiện tuyến cáp biển này đã khôi phục 100% được toàn bộ lưu lượng, kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế đã hoạt động bình thường trở lại.
Như vậy, thời gian hoàn tất việc sửa chữa, khắc phục sự cố trên nhánh S1 của tuyến cáp quang biển AAG đã được thực hiện sớm hơn so với kế hoạch dự kiến đã công bố ngày 19/1/2018.
AAG là tên viết tắt của Asia - America Gateway, hệ thống cáp quang biển dài 20.000km, kết nối khu vực Đông Nam Á với tuyến cáp của Mỹ thông qua khu vực đảo Guam và Hawaii. Tại Việt Nam, các ISP như FPT Telecom, Viettel, VNPT, VDC, SPT đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế, bên cạnh nhiều tuyến dự phòng khác.
Tính đến 2016, hơn 60% Internet quốc tế của Việt Nam đều đi qua AAG. Ngoài Việt Nam, tuyến cáp quang AAG cũng rẽ nhánh vào Philippines, Brunei, Malaysia...
Cảnh báo chiến dịch tấn công lừa đảo người dùng internet Việt Nam
Cảnh báo chiến dịch tấn công lừa đảo người dùng Internet Việt Nam
Ngày 24/1, Cục An toàn thông tin đã phát đi công văn số 29/CATTT-TTTV cảnh báo chiến dịch tấn công lừa đảo thông qua các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà tri ân cho khách hàng.
Theo đó, qua công tác giám sát và theo dõi tình hình, Cục An toàn thông tin phát hiện đang có nhiều chiến dịch tấn công lừa đảo nhắm vào người sử dụng mạng Internet tại Việt Nam, đặc biệt là những người dùng mạng xã hội Facebook. 
Các chiến dịch lừa đảo này tạo ra hàng loạt trang web giả mạo các mạng xã hội, ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ lớn, các chương trình trúng thưởng để thu thập thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng… của người sử dụng.
Các đối tượng tấn công lợi dụng thời điểm cuối năm, thời gian cận tết Âm lịch có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà tri ân cho khách hàng; đồng thời tâm lý và thói quen mua sắm vội vàng cuối năm làm cho nhiều người dùng mất cảnh giác.
Các trang web lừa đảo được đối tượng tấn công lan truyền và quảng bá đến người dùng thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó kênh được sử dụng nhiều nhất hiện tại là Facebook Messenger. Để gia tăng sự tin tưởng của người dùng, các thông tin lừa đảo khi lan truyền còn được kèm theo các đoạn mã được quảng cáo là mã trúng thưởng.
Cục An toàn thông tin đã phát hiện có ít nhất 700 tên miền được sử dụng để phục vụ cho các chiến dịch tấn công lừa đảo nói trên. Hầu hết các trang web đều sử dụng tên miền được đăng ký gợi mở đến chương trình trúng thưởng, trao giải như: hosofacebook.com; hosofb68669.com; hopqua2018.com; nhanquatet2018.com; nhanthuong2018.com; traogiainammoi2018.com; quacuoinam2018.com; mochathuongtet2018.com
Hơn 35.000 smartphone tại Việt Nam nhiễm virus đánh cắp mật khẩu Facebook
Hơn 35.000 smartphone tại Việt Nam nhiễm virus đánh cắp mật khẩu Facebook.
Theo thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav, đã có hơn 35.000 smartphone tại Việt Nam nhiễm virus GhostTeam đánh cắp mật khẩu Facebook.
Mã độc này lợi dụng hàng loạt ứng dụng Việt phổ biến trên Google Play để phát tán. Chuyên gia Bkav khuyến cáo người dùng cần tiến hành quét virus và đổi ngay mật khẩu tài khoản Facebook nếu phát hiện điện thoại của mình nhiễm.
Theo Bkav, cách thức tấn công của các hacker khá tinh vi, đầu tiên hacker đưa các ứng dụng "sạch" phổ biến như lịch vạn niên, đèn pin, la bàn... lên Google Play để người sử dụng cài đặt vào điện thoại.
Tiếp sau đó, các ứng dụng này sẽ tự động tải tiếp về một ứng dụng độc hại khác, để lừa nạn nhân, ứng dụng "sạch" này sẽ hiện các cảnh báo an ninh như điện thoại bị nhiễm mã độc hay điện thoại bị chậm… kèm theo hướng dẫn xử lý.
Đây thực chất là những cảnh báo giả mạo và khi làm theo hướng dẫn thì các virus sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại và ăn cắp mật khẩu tài khoản Facebook đang sử dụng trên thiết bị.
Đại diện Bkav cho biết, việc hacker sử dụng một ứng dụng sạch trên Google Play làm công cụ lây nhiễm mã độc sẽ khiến người dùng rất khó đề phòng. Trong trường hợp này chỉ có cách sử dụng phần mềm diệt virus để được bảo vệ tự động.
Hiện Google Play đã gỡ bỏ các ứng dụng Việt này nên số máy bị nhiễm virus GhostTeam không còn tăng mạnh. Tuy nhiên, những điện thoại đã từng cài ứng dụng độc hại trước đó vẫn có nguy cơ mất mật khẩu Facebook. Nếu sau khi kiểm tra và phát hiện điện thoại nhiễm virus, người dùng cần đổi ngay mật khẩu Facebook.