Điểm nhấn công nghệ tuần: Bộ TT&TT sẽ làm trung gian hỗ trợ startup

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, nhiệm vụ của Bộ TT&TT là hỗ trợ startup; Hà Nội đã triển khai 1.272 dịch vụ công trực tuyến; Việt Nam tiếp tục tăng hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu... là nội dung chú ý tuần qua.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định nhiệm vụ của Bộ TT&TT là hỗ trợ startup
Không chỉ làm trung gian hỗ trợ startup trong việc định tiếp cận với khối kinh tế Nhà nước, Bộ TT&TT còn làm cầu nối giữa các startup có nhu cầu xuất ngoại với các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.
 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chỉ khi startup thành công, nhiệm vụ của Bộ TT&TT mới thành công.
Tuy nhiên ông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn khẳng định, Bộ TT&TT sẽ làm trung gian hỗ trợ startup trong việc định mức hoá sản phẩm, từ đó mở đường cho các doanh nghiệp tiếp cận với khối kinh tế Nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng sẽ làm cầu nối giữa các startup có nhu cầu xuất ngoại với các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.
"Startup được xác định là đối tượng phục vụ của Bộ TT&TT, bởi chỉ khi những dự án khởi nghiệp thành công thì nhiệm vụ của Bộ TT&TT mới thành công", đây là lời khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong cuộc gặp mặt với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vừa diễn ra mới đây. Có thể kể đến như mạng xã hội hẹn hò Hotit, ứng dụng đặt và bắt xe khách dọc đường Vihago, chợ tour trực tuyến Triptour ...
Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, Việt Nam muốn hùng cường, muốn thành nước công nghiệp phát triển thì phải dựa vào công nghệ mà chủ yếu là công nghệ số. Để làm được điều đó Việt Nam cần các ý tưởng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu của các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp. Chính sự thay đổi tư duy trong các startup sẽ góp phần tăng tính sáng tạo trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.
Thế giới đang thay đổi lớn, chuyển đổi lớn, đó chính là chuyển đổi số, cách mạng số, cách mạng 4.0. Cuộc Cách mạng này không đòi hỏi cơ sở vật chất mà cái cần thay đổi đó là tư duy. Trong tương lai, chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân và trên mọi lĩnh lực. Đây chính là cuộc cách mạng lớn trong lịch sử loài người, sự chuyển đổi lớn vĩ đại mang tính lịch sử, từ không gian này tới không gian khác, Bộ trưởng nhận định.
Nếu không nắm bắt được CMCN 4.0, chúng ta sẽ lại phải đợi không biết bao lâu nữa. Do đó, Việt Nam cần nhiều bạn trẻ có ước mơ, ý tưởng lớn và khát khao thay đổi xã hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng hy vọng.
Cũng trong cuộc gặp mặt này, nhiều vấn đề khó khăn trong khởi nghiệp đã được các doanh nghiệp làm startup chỉ ra, trong đó rở ngại lớn nhất tại Việt Nam là về vấn đề cơ chế chính sách. Thế nào mới được pháp luật thừa nhận khi đưa công nghệ mới vào mô hình kinh doanh truyền thống ? Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ quản lý theo mô hình kinh doanh truyền thống hay mô hình mới với các chính sách đặc thù ?
Trả lời những vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện tại, thách thức lớn nhất đặt ra cho các nhà quản lý là việc ứng xử thế nào đối với các mô hình kinh doanh mới. Có thể kể đến như một ứng dụng về du lịch nhưng lại không phải là sản phẩm du lịch, ứng dụng vận tải nhưng lại không phải là taxi ... Do đó câu trả lời là phải sử dụng cách quản lý mới theo cơ chế sandbox.
Trước khả năng các startup có thể tham gia vào khu vực kinh tế Nhà nước? Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì đã có trong quy định của pháp luật, trong khi đó, bản chất của startup là làm những cái mới, chính điều này đã làm nảy sinh ra sự mâu thuẫn. Do đó thay vì hướng đến vào khu vực Nhà nước, các startup nên hướng tới mục tiêu là khu vực tư nhân hoặc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Bởi một mặt đây là khu vực mà startup có thể làm được mọi điều mà pháp luật không cấm. Chỉ cần ý tưởng thực sự khả thi và hiệu quả là sẽ được sử dụng. Đây cũng sẽ là bệ đỡ vững chắc để startup mở đường cho sự tham gia của khu vực kinh tế Nhà nước, Bộ trưởng đưa ra lời khuyên.
Tuy nhiên ông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn khẳng định, Bộ TT&TT sẽ làm trung gian hỗ trợ startup trong việc định mức hoá sản phẩm, từ đó mở đường cho các doanh nghiệp tiếp cận với khối kinh tế Nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng sẽ làm cầu nối giữa các startup có nhu cầu xuất ngoại với các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.
Hà Nội đã triển khai 1.272 dịch vụ công trực tuyến
Theo thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội, tính đến hết quý II/2019, đã công bố danh mục 72 thủ tục hành chính (TTHC), sửa đổi bổ sung 1 danh mục TTHC, 01 TTHC và bãi bỏ 161 TTHC. 100% các quyết định công bố thủ tục hành chính sau khi ban hành đã được công khai theo quy định trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, tại nơi tiếp nhận và giải quyết TTHC và các hình thức khác theo quy định.
 Cổng Dịch vụ công trực tuyến thành phố Hà Nội 
Việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện với 3.311.866 hồ sơ đã giải quyết, trong đó đúng hạn : 3.307.408 hồ sơ, tỷ lệ 99.86%; đang giải quyết: 51.957 hồ sơ.
TP đã tiếp nhận 22 phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, đã xử lý 21 phản ánh kiến nghị, đang xử lý 1 phản ánh kiến nghị (trong hạn). Triển khai 1.272 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 1.074 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 198 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ 74%.
Cũng trong giai đoạn này, Chủ tịch UBND TP đã ban hành 5 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Khoa học công nghệ, Lao động- Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Y tế.
Ngoài ra, Cổng Giao tiếp điện tử TP đã được nâng cấp, mở rộng trên nền tảng mới, cung cấp kịp thời thông tin chỉ đạo điều hành của UBND TTP, tích hợp kết nối dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
TP cũng đã tiến hành việc triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp trên toàn địa bàn, phối hợp chặt chẽ trong việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định, đảm bảo Hệ thống một cửa điện tử dùng chung của TP có tính năng đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính phù hợp với quy định.
Việt Nam tiếp tục tăng hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
Chiều 24/7 tại thủ đô của Ấn Độ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2019. Theo báo cáo, Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc lên thứ 42/129 nền kinh tế trên thế giới được xếp hạng. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh Vietnam+
Trong khi đó, những quốc gia xuất hiện trong tốp đầu vẫn là những cái tên quen thuộc như Thụy Sĩ, Mỹ, Anh, Phần Lan, Hà Lan. Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Phạm Công Tạc khẳng định trong những năm qua, lực lượng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã có những đóng góp cả trực tiếp lẫn gián tiếp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia, trong đó có một số lĩnh vực nổi bật như y tế, nông nghiệp và một số ngành công nghiệp.
Giai đoạn hiện nay, dư địa tăng trưởng dựa trên vốn, lao động giá rẻ đang dần thu hẹp. Để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam đang chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, cách tiếp cận của GII là hết sức phù hợp. Hiện Chính phủ Việt Nam đã phân công các bộ ngành, địa phương thực hiện các giải pháp cải thiện từng chỉ số trong GII.
Về phần mình, ông Sacha Wunsch-Vincent, đồng tác giả báo cáo GII, Trưởng bộ phận kinh tế và thống kê của WIPO, đánh giá Việt nam là quốc gia hình mẫu trong số các quốc gia mà WIPO khảo sát theo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong 3 năm qua.
Ông nêu rõ: "Chúng tôi đã triển khai sự hợp tác sâu rộng với nhiều nước, trong đó có Việt Nam để cải thiện hiệu quả chính sách đổi mới sáng tạo. Tôi có thể nói rằng Việt Nam là quốc gia chủ động và tích cực nhất trong những nước này. Và các nỗ lực của các bạn đã mang lại những thành quả. Việt Nam đã liên tục được thăng hạng trong những năm qua."
Chỉ số GII đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế trên thế giới. 80 tiểu chỉ số của GII cung cấp một tầm nhìn sâu rộng về hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó có môi trường chính trị, giáo dục, cơ sở hạ tầng và trình độ phát triển kinh doanh.
Trong bảng xếp hạng GII năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 45/126 quốc gia và nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2017.
Mạng xã hội Gapo nhận được đầu tư 500 tỷ
Tại Việt Nam đã có khá nhiều mạng xã hội ra đời tuy nhiên lại chưa được sự ủng hộ của người dùng Việt như: Biztime, VietnamTa, Hahalolo... bởi nhiều người cho rằng họ đang sao chép nguyên bản Facebook bên cạnh đó các trang này vẫn còn tải chậm và giao diện không được thân thiện với người dùng.
 Giao diện mạng xã hội Gapo.vn
Ngày 23/7, mạng xã hội Gapo dành cho giới trẻ đã chính thức ra mắt, đồng thời nhận được cam kết đầu tư 500 tỷ đồng từ G-Captital. Khoản đầu tư này dự kiến được sử dụng trong giai đoạn đầu với mục tiêu đạt 50 triệu người dùng.
Gapo có các chức năng cơ bản như các mạng xã hội khác, cho phép người dùng kết bạn, giao lưu và trò chuyện trực tuyến. Người dùng Gapo có thể tương tác với nhau thông qua những tính năng đăng bài, bình luận, chia sẻ, bộc lộ cảm xúc.

Điểm đặc biệt của Gapo là tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Mọi người - đặc biệt là giới trẻ - có rất nhiều tùy chọn khác nhau để trang trí ngôi nhà của mình trên Gapo.
Giao diện trang cá nhân sẽ được tự thiết kế theo phong cách riêng với những hình nền, màu sắc tùy biến, người dùng có thể thỏa sức sáng tạo không giới hạn để thể hiện thẩm mỹ và bản sắc riêng.
Mạng xã hội Gapo cũng cho phép người dùng định danh tài khoản để bảo vệ và đảm bảo quyền lợi trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Sau khi đăng ký định danh tài khoản trên Gapo, người dùng không phải lo lắng về việc bị mất tài khoản hoặc người khác lấy tài khoản của bạn đi lừa đảo người thân.
Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, mạng xã hội Gapo sẽ được sử dụng sản phẩm âm nhạc trong các dự án sắp tới của nghệ sĩ Việt Nam do Sony Music Entertainment Việt Nam sở hữu thông qua các nhà sáng tạo nội dung, trên cả hai nền tảng web và app.