Điểm nhấn công nghệ tuần: Các nhà mạng sẵn sàng chuyển mạng giữ số từ tháng 11/2018

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà mạng sẵn sàng chuyển mạng giữ số từ tháng 11/2018; Cáp quang AAG tiếp tục gặp sự cố; Siết chặt kinh doanh trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử... là nội dung chú ý tuần qua.

Các nhà mạng sẵn sàng chuyển mạng giữ số từ tháng 11/2018
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã làm việc với các nhà mạng về "Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số". Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đánh giá, tình hình triển khai đề án chuyển mạng giữ nguyên số của Việt Nam đã chậm hơn so với nhiều quốc khác.
 
Do đó, quan điểm của Bộ là kiên quyết triển khai bởi đây là chính sách bắt buộc để thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao năng lực cho các DN viễn thông cũng như đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tại buổi làm việc, các DN viễn thông đều khẳng định đã sẵn sàng chuẩn bị cho việc thực hiện đề án này. Trong đó, Viettel, MobiFone, VinaPhone nói rằng đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật và đã thử nghiệm giữa các nhà mạng. Riêng Vietnamobile cho biết dự kiến sẽ thử nghiệm chuyển mạng giữ số vào ngày 27/8 tới.
Đại diện từ Viettel kiến nghị Bộ TT&TT ban hành các chính sách kinh tế dành cho khách hàng và các nhà mạng với nhau, mức cước và các điều khoản sử dụng dịch vụ chuyển mạng... Để triển khai dịch vụ này sớm nhất có thể.
Đại diện từ VNPT cũng kiến nghị nên triển khai chuyển mạng giữ số sau khi đã chuyển đổi mã mạng từ 11 số về 10 số hiện đang được chuẩn bị và bắt đầu từ 15/9 tới.
Đại diện MobiFone cũng kiến nghị xem xét thực hiện chuyển đổi trước với các thuê bao trả sau để rút kinh nghiệm và sau đó mới áp dụng các thuê bao trả trước.
Các doanh nghiệp viễn thông cũng đề xuất xem xét mức phí rời mạng dự kiến là 60.000 đồng và chuyển đến là 60.000 đồng.
Viettel cho biết cũng đã triển khai thử nghiệm kỹ thuật từ hôm 21/9/2017 và cho rằng không quá phức tạp. Bởi dựa vào kinh nghiệp đã thực hiện tại các thị trường nước ngoài mà Viettel kinh doanh.
Đại diện VNPT cho hay, hệ thống cổng chuyển mạng giữ nguyên số đã được xây dựng và đang trong quá trình kết nối với hệ thống chuyển mạng trung tâm chuyển mạch quốc gia để thử nghiệm.
Ngoài ra, MobiFone cũng cho biết đang thực hiện và sẽ áp dụng chính sách mới đến người dùng cuối.
Các chuyên gia viễn thông đánh giá, dịch vụ này sẽ khởi chạy sớm bởi đây đang là dịch vụ được người dùng trông chờ nhiều nhất và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong năm nay.
Cáp quang AAG tiếp tục gặp sự cố
Theo một nhà cung cấp Internet (ISP) tại Việt Nam, lỗi trên hệ thống gây mất dữ liệu từ Việt Nam đi Singapore, Hong Kong và Mỹ. Xác định ban đầu thì sự cố có thể xảy ra tại điểm cách Vũng Tàu 250km, ISP này cho biết.
 
Theo ISP Việt Nam, đơn vị vận hành AAG chưa có thông tin chính thức về thời gian cũng như kế hoạch khắc phục sự cố lần này.
Với việc AAG vừa tiếp tục gặp sự cố, tính từ đầu năm 2018 cho đến nay, tuyến cáp quang biển quốc tế này đã 4 lần gặp sự cố hoặc phải sửa chữa, bảo dưỡng.

Lần đầu tiên trong năm nay tuyến cáp AAG bị gián đoạn liên lạc là vào ngày 6/1/2018, khi đối tác quốc tế lên kế hoạch cấu hình lại nguồn của hệ thống.

Hai lần tuyến cáp AAG gặp sự cố, được sửa chữa thời gian gần đây lần lượt vào các ngày 22/5 và 16/6.
Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG có chiều dài 20.191km, có dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, AAG là tuyến cáp đầu tiên kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang (DWDM).
Tuyến cáp quang biển này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia (Mersing), Singapore (Changi), Thái Lan (Sri Racha), Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei (Tungku), Hong Kong (South Lantau), Philippines (Currimao) và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).
Siết chặt kinh doanh trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử
Theo Tổng cục Hải quan, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
 
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các điểm nóng nghiêm trọng về tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; phòng, chống tội phạm trong từng cơ quan, đơn vị, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, xác lập các chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức, buôn bán người, ma túy, tín dụng đen, sử dụng công nghệ cao, tội phạm buôn lậu...
Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các địa điểm bày bán hàng hóa gắn mác "xách tay", việc rao bán hàng hóa trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội..., phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Vingroup sẽ trở thành Tập đoàn công nghệ
Ngày 21/8 tại Hà Nội, Tập đoàn Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 50 trường Đại học hàng đầu Việt Nam, đồng thời, công bố định hướng trở thành Tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong tương lai.
 
Theo thỏa thuận, Vingroup và các trường Đại học sẽ hợp tác 4 nội dung gồm tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ; trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên; giảng dạy và chia sẻ tri thức.
Vingroup cũng đặt các trường đại học đào tạo với cam kết sẽ tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành CNTT trong vòng 10 năm tới.
Tại lễ ký kết, Tập đoàn Vingroup cũng chính thức công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành một Tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Tập đoàn Vingroup đã đưa ra hàng loạt nhóm giải pháp. Với mảng thương mại dịch vụ hiện có, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện và nâng cấp chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Thương mại dịch vụ không chỉ đóng vai trò là chỗ dựa tài chính cho hai mảng mới, mà còn là hệ sinh thái quan trọng để hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ - công nghiệp.
Với mảng công nghiệp, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh sản xuất ô tô và sản xuất các sản phẩm điện thông minh, gia dụng.
Dự kiến ngay cuối năm nay, Vingroup sẽ cho ra mắt điện thoại và tivi thông minh. Đồng thời với việc sản xuất, Vingroup sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ra thị trường thế giới.
Với mảng công nghệ, Vingroup xác định nhiều mũi nhọn để có thể thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ, trong đó có ba điểm chính. Đầu tiên là tập trung đầu tư đội ngũ nhân sự, hạ tầng để phát triển sản xuất phần mềm với việc thành lập Công ty VinTech, tách ra từ Công ty VinSmart.
Công ty VinTech sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới.
Công ty đã thành lập hai Viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (do ông Vũ Hà Văn, hiện là Giáo sư trường Đại học Yale, Mỹ làm Giám đốc khoa học) và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (do GS-TSKH Nguyễn Quốc Sỹ làm Viện trưởng).
Mũi nhọn thứ hai là tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hà Nội.
Mục tiêu của VinTech City là tạo ra hệ sinh thái toàn diện tương tự như thung lũng Silicon để phục vụ cho các công ty khởi nghiệp về CNTT, bao gồm từ các khu văn phòng làm việc tới chỗ ăn ở... và các công ty dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đi kèm.
Mũi nhọn thứ ba là lập Quỹ Đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu.
Ngoài việc được hỗ trợ về tài chính, các đối tác của Vingroup sẽ được sử dụng hệ sinh thái của Tập đoàn để tổ chức thực nghiệm và thương mại hóa các sản phẩm.
Ngoài ra, VinTech còn lập Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Khoa học - Công nghệ ứng dụng nhằm hỗ trợ các dự án nghiên cứu của giảng viên và sinh viên trong nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần