Điểm nhấn công nghệ tuần: Cáp quang biển AAG tiếp tục gặp sự cố

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cáp quang biển AAG gặp sự cố, đến ngày 3/9 mới được khắc phục; Sắp đấu giá băng tần 2,6 GHz cho 4G; Macbook Pro 15 inch bị cấm lên máy bay... là nội dung chú ý tuần qua.

Cáp quang biển AAG gặp sự cố, đến ngày 3/9 mới được khắc phục
 Ảnh minh họa
Tuần qua, không ít người dùng Internet Việt Nam “than” họ gặp khó khăn khi sử dụng các dịch vụ Facebook, Gmail, YouTube, Netflix… hay khi truy cập vào các trang mạng quốc tế cũng tải trang khá chậm khiến nhiều người dùng Internet Việt Nam nghi ngại đang có sự cố xảy ra với các tuyến cáp quang biển quốc tế giúp kết nối mạng Internet trong nước với thế giới.
Mới đây, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đã xác nhận, từ khoảng 6 - 7h sáng ngày 16/8/2019, cáp quang biển quốc tế Asia - America Gateway (AAG) đã gặp sự cố trên nhánh S1H của tuyến cáp, gây ảnh hưởng kết nối hướng TP.HCM đi HongKong trên tuyến.
Vị đại diện ISP này cũng cho biết, theo thông báo của Trung tâm điều hành tuyến cáp biển AAG, nguyên nhân sự cố xảy ra sáng ngày 16/8/2019 trên tuyến cáp biển này đã được xác định là do lỗi nguồn tại vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu 124,5 km.
Kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp biển AAG hiện cũng đã được thông tin tới các ISP tại Việt Nam. Theo đó, dự kiến vào 7h sáng ngày 29/8/2019 tàu sửa cáp sẽ đến vị trí cáp lỗi. Đến 22h ngày 30/8/2019 sẽ hoàn thành mối hàn đầu tiên và mối hàn cuối cùng sẽ được hoàn thành vào ngày 3/9/2019.
AAG là tuyến cáp quang quốc tế nối liền châu Á và Mỹ thông qua Thái Bình Dương, được nhiều nhà cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam sử dụng như VNPT, Viettel, FPT...
Hậu quả của sự cố sẽ khiến cho việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của người dùng trong nước, như lướt web (với các trang web đặt máy chủ ở nước ngoài, chủ yếu tại Mỹ), dịch vụ email, gọi điện Internet ra quốc tế… bị ảnh hưởng do lượng chuyển sang sử dụng các hướng dự phòng khác và nhiều khả năng bị nghẽn do các hướng dự phòng không đủ sức đáp ứng.
Tuy nhiên, kể từ khi đưa vào sử dụng từ tháng 11/2019, tuyến cáp quang này liên tục gặp sự cố, chủ yếu xảy ra ở phân đoạn nối giữa Hồng Kông và Singapore.
Sắp đấu giá băng tần 2,6 GHz cho 4G
  Ảnh minh họa
Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết đang chuẩn bị các thủ tục để đấu giá băng tần 2,6 GHz. Bên cạnh yêu cầu về năng lực tài chính của DN phải đảm bảo để thanh toán các khoản trước và sau khi đấu giá, Cục Tần số vô tuyến điện dự kiến đưa ra một số điều kiện về yêu cầu triển khai mạng lưới sau khi trúng đấu giá.
Cụ thể, các DN trúng đấu giá phải triển khai mạng lưới trong 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng băng tần 2.6 GHz. Và đây sẽ là một điều kiện được quy định trong giấy phép sử dụng tần số. DN vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép sử dụng tần số.
Cơ quan quản lý cũng dự kiến đưa ra những yêu cầu cụ thể về số lượng trạm đối với DN trúng đấu giá. Theo đó, với các DN đã có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất phải cam kết triển khai ít nhất 5.000 trạm eNodeB trên băng tần 2,6 GHz trong vòng 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng.
Đối với DN chưa có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động phải cam kết chỉ được phép cung cấp dịch vụ viễn thông sau khi đã triển khai ít nhất 50% cam kết triển khai mạng lưới. Trong đó, DN có thể đề xuất một trong 2 phương án.
Phương án 1, DN phải cam kết tại thời điểm 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng băng tần 2.6 GHz có vùng cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ 4G trên tất cả các quận, thị xã, TP trực thuộc tỉnh và đạt tối thiểu 75% tổng dân số của các quận, thị xã, TP trực thuộc tỉnh.
Phương án 2 là cam kết tại thời điểm 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng băng tần 2,6 GHz triển khai dịch vụ sử dụng công nghệ 4G trên tất cả các quận, thị xã, TP trực thuộc tỉnh và đạt tối thiểu 8.500 trạm eNodeB.
Với quy định dành cho doanh nghiệp chưa có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động tham gia đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G, như vậy có thể hiểu ngoài những DN viễn thông có giấy phép thiết lập mạng di động mặt đất hiện nay, các DN mới đều có thể tham gia đấu giá băng tần 2.6 GHz cho mạng di động 4G miễn là đáp ứng được các yêu cầu của cơ quan quản lý.
Hiện tại, các nhà mạng đang cung cấp dịch vụ viễn thông di động trên thị trường như Viettel, VinaPhone, MobiFone, Gmobile, Vietnamobile đều là những DN đã có giấy phép thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất.
Macbook Pro 15 inch bị cấm lên máy bay
  Ảnh minh họa
Cục Hàng không Việt Nam tuần qua đã ban hành chỉ thị cấm hành khách, thành viên tổ bay mang máy tính xách tay Macbook Pro 15 inch (nằm trong diện triệu hồi của văn bản triệu hồi số 19-152 của Ủy ban An toàn hàng tiêu dùng Mỹ) để đảm bảo an toàn cho hành khách cũng như tàu bay trong quá trình khai thác.
Cụ thể, máy Macbook Pro 15 inch sản xuất và tiêu thụ từ tháng 9.2015 đến tháng 2/2017 bị cấm mang lên tàu bay dưới mọi hình thức do có nguy cơ lỗi pin.
Cơ quan này cũng cấm vận chuyển theo đường hàng hoá đối với loại máy tính xách tay này. Hành khách cố ý làm trái quy định có thể bị từ chối vận chuyển và xử phạt theo quy định.
Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không thông tin tới tất cả các đại lý, phòng vé của mình, xây dựng quy trình kiểm soát, các câu hỏi an ninh đối với hành khách khi làm thủ tục lên máy bay (check-in); xây dựng quy trình phối hợp với hành khách và các bên liên quan trong việc xử lý đối với những máy tính được phát hiện và bị cấm vận chuyển, tránh làm mất mát tài sản của hành khách khi đi tàu bay, đồng thời xây dựng quy trình ứng phó, xử lý đối với tình huống máy tính được phát hiện cùng hành khách ở trên chuyến bay.
Trên chuyến bay, nếu tổ bay nhận thấy hành khách có mang theo và sử dụng máy tính xách tay 15 inch Mackook Pro thuộc diện triệu hồi nói trên, tổ bay cần ngay lập tức hướng dẫn để hành khách thực hiện các yêu cầu như: tắt nguồn máy tính, không sạc pin và tuân thủ theo đúng quy trình ứng phó được hãng xây dựng. Các hãng hàng không báo cáo về Cục Hàng không Việt Nam ngay khi có các vi phạm liên quan.
Trước đó, hồi tháng 6/2019, Apple đã thông báo chương trình triệu hồi một số laptop MacBook Pro 15 inch vì viên pin có thể quá nóng, gây nguy cơ cháy nổ.
Nhà mạng Việt đầu tiên hỗ trợ eSim
  Ảnh minh họa
Trên website của Apple hướng dẫn người dùng lựa chọn nhà mạng hỗ trợ eSIM (https://support.apple.com/en-us/HT209096), Viettel hiện là đại diện duy nhất cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam.
Như vậy, Viettel là nhà mạng Việt Nam đầu tiên và duy nhất có mặt trong danh sách 60 nhà mạng thuộc hơn 40 quốc gia trên toàn cầu được Apple xác thực công nghệ eSIM cho điện thoại iPhone.
Việc Apple chính thức hỗ trợ eSIM sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng Viettel như: giúp thiết bị iPhone hoạt động ổn định, đảm bảo tương thích hoàn toàn với thông số eSIM của nhà mạng.
Khi cài đặt dịch vụ eSIM của Viettel, điện thoại của khách hàng sẽ không còn hiển thị thông tin cảnh báo thông số eSIM chưa được chứng thực bởi Apple.
Như vậy, Viettel là nhà mạng Việt Nam đầu tiên và duy nhất có mặt trong danh sách 60 nhà mạng thuộc hơn 40 quốc gia trên toàn cầu được Apple xác thực công nghệ eSIM cho điện thoại iPhone.
Việc Apple chính thức hỗ trợ eSIM sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng Viettel như: giúp thiết bị iPhone hoạt động ổn định, đảm bảo tương thích hoàn toàn với thông số eSIM của nhà mạng.
Khi cài đặt dịch vụ eSIM của Viettel, điện thoại của khách hàng sẽ không còn hiển thị thông tin cảnh báo thông số eSIM chưa được chứng thực bởi Apple.