Điểm nhấn công nghệ tuần: Apple chính thức ra mắt bộ 3 iPhone 11

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Apple chính thức ra mắt bộ 3 iPhone 11, Pro và 11 Pro Max; Chuyển các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử sang Bộ TT&TT; Việt Nam đăng cai tổ chức Triển lãm Viễn thông Thế giới 2020... là nội dung chú ý tuần qua.

Apple chính thức ra mắt bộ 3 iPhone 11, Pro và 11 Pro Max
Không khác biệt so với những tin đồn, Apple đã chính thức ra mắt 3 mẫu iPhone mới đã ra mắt rạng sáng 11/9 với điểm nhấn về thiết kế là cụm camera hình vuông khá lớn ở góc phải.
 Bộ 3 iPhone 11 chính thức ra mắt
iPhone Pro sử dụng tấm nền màn hình mới, camera thứ ba và chip nhanh nhất từng có để giúp xử lý hình ảnh. iPhone 11 Pro có màn hình 5.8 inch còn iPhone Pro Max là 6.5 inch. Cả hai đều là màn hình Super Retina XDR. Nó là tấm nền OLED với độ sáng ấn tượng 1.200 nit và tiết kiệm năng lượng hơn 15%, hỗ trợ từ HDR10 tới Dolby Vision.
Bộ đôi Pro trang bị cụm camera 3 ống kính hoàn toàn mới với cảm biến 12MP. Camera chính dùng ống kính 26mm f/1.8, chống rung quang học, Dual Pixel AF. Ống kính telel 52mm zoom quang 2x f/2.0, chống rung quang học và Dual Pixel AF. Thành viên mới nhất chính là camera góc siêu rộng 13mm 120 độ. Khi thay đổi giữa các ống kính, chúng tự động thay đổi lấy nét, đo sáng và bản đồ màu.
Cả ba camera đều quay phim 4K tốc độ 60 khung hình/giây. Ứng dụng Filmic đặc biệt có thể quay bằng 4 camera đồng thời (bao gồm camera selfie).
Với iPhone Pro, Apple cuối cùng cũng cung cấp củ sạc nhanh 18W, vẫn dùng cổng Lightning nhưng lần này có thêm cáp chuyển đổi USB C sang Lightning. iPhone 11 Pro pin lâu hơn XS 4 tiếng, còn iPhone 11 Pro Max lâu hơn XS Max 5 tiếng.
iPhone 11 - bản nâng cấp của iPhone XR được bổ sung camera góc rộng 12 MP trong khi bản Pro và Pro Max có đến 3 camera. Trong suốt sự kiện, đại diện Apple dành nhiều thời gian để ca ngợi sức mạnh của con chip A13 Bionic trên loạt iPhone mới và khả năng chụp ảnh, quay video của bộ 3 này. Hãng gọi đây là những smartphone quay phim tốt nhất thế giới.
Cũng theo Apple, iPhone mới tiết kiệm pin hơn đáng kể so với thế hệ trước nhờ con chip mới. Kế nhiệm XR, iPhone 11 vẫn có nhiều màu sắc sặc sỡ trong khi chất liệu mặt lưng của 11 Pro và Pro Max được làm mới, màu sắc cũng hoàn toàn thay đổi.
iPhone 11 có giá từ 699 USD, 11 Pro giá 999 USD và 11 Pro Max giá 1.099 USD, bản cao nhất lên đến 1.499 USD. Cả 3 đều dùng con chip A13 Bionic được xem là mạnh mẽ nhất thị trường, nâng cấp camera với điểm nhấn là khả năng chụp góc rộng và quay video chất lượng cao chưa từng có trên di động. Apple sẽ cho nhận đặt trước iPhone mới từ ngày 13/9.
Là đại lý ủy quyền cao cấp nhất của Apple tại Việt Nam, FPT Shop khẳng định sẽ là một trong những đơn vị đầu tiên đưa sản phẩm iPhone mới chính hãng đến tay người tiêu dùng khoảng thời gian cuối tháng 10 đầu tháng 11 tại Việt Nam.
Chuyển các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử sang Bộ TT&TT
Ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về phân công nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT vừa được Văn phòng Chính phủ ra thông báo truyền đạt hôm 9/9.
Điểm nhấn công nghệ tuần: Apple chính thức ra mắt bộ 3 iPhone 11 - Ảnh 2

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ TT&TT có trách nhiệm tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ thường trực hiệu quả, không làm gián đoạn tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. Ảnh minh họa

Thông báo nêu rõ, để tiếp tục tăng cường chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo sửa đổi Quyết định 1072 ngày 28/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, với những nội dung cụ thể được sửa đổi gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban; Bộ trưởng Bộ TT&TT làm Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, thôi làm Tổ phó Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban, chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử;
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Thành viên Ủy ban, thôi làm Ủy viên thường trực, Tổng thư ký, Tổ trưởng Tổ công tác; giao Thứ trưởng Bộ TT&TT, Thành viên Ủy ban làm Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ủy ban; Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ thôi làm Tổ phó thường trực Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban;
Bộ TT&TT làm cơ quan thường trực của Tổ công tác. Theo đó, chuyển nhiệm vụ thường trực Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT đảm nhiệm. Bộ TT&TT có trách nhiệm tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ thường trực hiệu quả, không làm gián đoạn tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TT&TT khẩn trương bàn giao nhiệm vụ bao gồm cả kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Trên cơ sở Quyết định sửa đổi Quyết định 1072 ngày 28/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ TT&TT trình Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sửa đổi Quyết định 336 ngày 28/8/2018 ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử bảo đảm tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng Chính phủ điện tử theo đúng quy định của pháp luật và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ TT&TT. Thời gian Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia là trong tháng 9/2019.
Cùng với đó, tại kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu chuyển các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT.
Cụ thể, chuyển nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT, thời gian trình trong năm 2019.
Chuyển nhiệm vụ phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến trên thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu... và là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT thực hiện. Bộ TT&TT có trách nhiệm bảo đảm nền tảng kết nối an toàn tuyệt đối cho các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Chuyển nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện mở dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ, tích hợp với Hệ tri thức Việt số hóa từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT đảm nhiệm.
Nhiệm vụ định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ và Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả, chất lượng (KPI) thực thi nhiệm vụ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử cũng được chuyển từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT đảm nhiệm. “Việc báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ bắt đầu từ tháng 9/2019”, thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu.
Cũng theo thông báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Văn phòng Chính phủ tiếp tục tổ chức kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị định 150 ngày 11/11/2016, Nghị định 09 ngày 24/1/2019 và Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ cũng được yêu cầu phải tăng cường đôn đốc thực hiện và tổng hợp tình hình, kết quả xây dựng Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu 2 yêu cầu cơ bản của công cuộc chuyển đổi số

Ngày 9/9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tham dự và có các cuộc tiếp xúc bên lề tại Triển lãm Viễn thông Thế giới 2019 (ITU Telecom World 2019).

 Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ khai mạc ITU Telecom

World 2019. Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông.

Triển lãm được tổ chức tại Thủ đô Budapest, Hungary. Đây là sự kiện thường niên của ITU, có quy mô và tầm quan trọng lớn nhất về viễn thông và công nghệ thông tin trên phạm vi thế giới. ITU Telecom World 2019 đã thu hút sự tham gia của trên 5.000 đại biểu đến từ khoảng hơn 100 nước, bao gồm hơn 200 lãnh đạo cấp cao như Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn, các hiệp hội chuyên ngành, giới truyền thông toàn cầu.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ vai trò và sự chuyển đổi của viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) sẽ là hạ tầng mới trong thế giới số.

Nhấn mạnh, viễn thông ngày nay là tất cả những gì liên quan đến số, internet là internet của vạn vật, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý 1 làn sóng mới về kết nối đang đến. Đó là kết nối tất cả mọi người, kết nối vạn vật, kết nối mọi nơi và kết nối mọi lúc.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT, với đề án Chiến lược chuyển đổi số quốc gia bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Theo Bộ trưởng, an toàn an ninh mạng và nguyên tắc số sẽ là yêu cầu cơ bản của công cuộc chuyển đổi số.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chính thức thông báo về việc Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Triển lãm Viễn thông Thế giới vào tháng 9/2020 tại Hà Nội. Bộ trưởng trân trọng mời các nước thành viên ITU, các tổ chức quốc tế, cộng đồng ICT toàn cầu đến Việt Nam và tham dự sự kiện quan trọng này.

Việt Nam đăng cai tổ chức Triển lãm Viễn thông Thế giới 2020
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chính thức thông báo về việc Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Triển lãm Viễn thông Thế giới vào tháng 9/2020 (ITU Telecom World 2020) tại Hà Nội, Việt Nam. Bộ trưởng đã trân trọng mời các nước thành viên ITU, các tổ chức quốc tế, cộng đồng ICT toàn cầu đến Việt Nam và tham dự sự kiện quan trọng này.
 Ảnh minh họa
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các quốc gia trên thế giới phải chung tay lại với nhau để có thể cùng nhau tiến xa hơn. Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác để tạo ra một thế giới viễn thông mới, một thế giới số. Đó là thế giới của sự kết nối, mọi nơi, mọi lúc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Chia sẻ với các đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT.
Ngay trong năm nay, Việt Nam sẽ công bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, với phạm vi tác động bao gồm cả chính phủ, doanh nghiệp và toàn thể xã hội. An toàn, an ninh mạng và nguyên tắc số sẽ là điều kiện bắt buộc của quá trình chuyển đổi này.
Trước đó, Triển lãm Viễn thông Thế giới 2019 (ITU Telecom World 2019) vừa được tổ chức tại thủ đô Budapest của Bungary trong 4 ngày, từ ngày 9-12/9/2019. ITU Telecom World là sự kiện viễn thông quốc tế thường niên được tổ chức bởi ITU - cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc về CNTT và Truyền thông.
Triển lãm Viễn thông Thế giới 2019 thu hút sự tham gia của 5.000 đại biểu đến từ khoảng hơn 100 quốc gia trên thế giới. Đây là sự kiện có tầm ảnh hưởng toàn cầu và cũng là sự kiện quan trọng nhất trong năm của những người đang công tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Ra mắt cộng đồng hacker mũ trắng Việt Nam
Nền tảng kết nối cộng đồng hacker mũ trắng lớn nhất Việt Nam - Vietnam Bug Bounty ra mắt hôm 10/9. Vietnam Bug Bounty Sản phẩm do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục ATTT) cùng Công ty VSEC phát triển chính thức được đưa vào hoạt động tại địa chỉ https://bugbounty.vn. Sự ra đời của Vietnam Bug Bounty được xem là một bước tiến lớn trong nỗ lực xây dựng cộng đồng bảo mật Việt Nam.
 Ra mắt cộng đồng hacker mũ trắng Việt Nam
Đây là một nền tảng kết nối giữa các chuyên gia, hacker mũ trắng trong lĩnh vực bảo mật an toàn thông tin với các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu tìm kiếm lỗ hổng bảo mật tiềm tàng trong hệ thống vận hành của đơn vị.
Doanh nghiệp thông qua Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia sẽ đưa ra các chương trình tìm kiếm lỗ hổng cùng các mức tiền thưởng trên Vietnam Bug Bounty.
Sau đó, các chuyên gia bảo mật tham gia rà soát hệ thống, tấn công thử nghiệm, khai thác lỗ hổng theo phạm vi và chính sách chủ quản hệ thống đưa ra. Nếu phát hiện được lỗ hổng, điểm yếu có giá trị, chuyên gia đó sẽ được đơn vị chủ quản trả thưởng xứng đáng theo chính sách công bố ban đầu.
Với mô hình hoạt động này, các hacker mũ trắng, chuyên gia bảo mật sẽ có sân chơi chuyên nghiệp, lành mạnh để liên tục thực hành, nâng cao trình độ cũng như có cơ hội tạo ra mức thu nhập ổn định. Còn đối với doanh nghiệp, họ cũng giảm được các chi phí dịch vụ, tối ưu phí vận hành và nhanh chóng nhận được thông báo để kịp thời đối phó, xử lý sự cố an toàn thông tin.
Đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết, tại Việt Nam và trên toàn thế giới, các điểm yếu bảo mật trên các hệ thống luôn hiện hữu và ngày càng xuất hiện nhiều lỗ hổng nguy hiểm gây hậu quả nghiêm trọng. Chỉ dựa vào số lượng chuyên gia đến từ các đơn vị bảo mật khó có thể nắm bắt tình hình toàn diện.
Từ thực tế đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và VSEC muốn xây dựng một cộng đồng các chuyên gia bảo mật để phát huy động sức mạnh chung. Cộng đồng này bao gồm các hacker mũ trắng, các chuyên gia bảo mật giàu kinh nghiệm của Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới có thể cùng góp sức và tham gia tạo một môi trường an toàn, an ninh mạng cho Việt Nam.
Vietnam Bug Bounty được xây dựng trên Microservices - một nền tảng hiện đại được ứng dụng tại rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Ebay, Amazon, Netflix... Những nghiệp vụ trên hệ thống đều được tư vấn, hỗ trợ bởi đội ngũ chuyên gia đến từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và VSEC để việc tìm kiếm lỗ hổng được thực hiện liên tục, song song với quá trình phát triển phần mềm.
Đây cũng là nền tảng mở và hoàn toàn miễn phí. Do đó, bất kỳ ai có đam mê, nhiệt huyết cũng có thể tham gia tìm kiếm mọi lỗ hổng trên thế giới mà không giới hạn số lượng hay yêu cầu bằng cấp.