Điểm nhấn công nghệ tuần: Công bố Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ TT&TT công bố Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017; thử nghiệm chuyển mạng giữ số; Xây nhà máy linh kiện động cơ hàng không đầu tiên tại Việt Nam... là điểm nhấn công nghệ tuần qua.

Công bố Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017
Chiều 19/9, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ công bố phát hành Sách Trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam năm 2017.
 
Năm 2017, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan thu thập số liệu, phân tích, tổng hợp thông tin để xây dựng và phát hành Sách Trắng CNTT-TT nhằm kịp thời cung cấp thông tin số liệu cho Lãnh đạo Đảng và Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, DN trong nước và quốc tế.
Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 tập trung vào việc cung cấp số liệu thống kê chủ chốt về tình hình hoạt động của ngành TT&TT trong 2 năm 2015 và 2016, bao gồm 12 nội dung: Ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT, an toàn thông tin, viễn thông, internet, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, bưu chính...
So với các năm trước, Sách Trắng năm nay bổ sung một số chỉ tiêu phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu thông tin để quản lý và thúc đẩy phát triển CNTT-TT Việt Nam như: Dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng CNTT trong DN, chỉ số đo lường khán giả truyền hình, thông tin số liệu về tình hình phát triển lĩnh vực dịch vụ CNTT,...
Các nội dung, thông tin được công bố và phát hành trên các ấn phẩm khác như số liệu về các tổ chức, DN CNTT, các sự kiện về CNTT-TT tiêu biểu,... đã được lược bớt.
 
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển của ngành CNTT, đặc biệt là trong bối cảnh trên thế giới xuất hiện nhiều xu hướng công nghệ tiên tiến mà đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với CNTT là nền tảng cho sự đổi mới và sáng tạo.
Tại Việt Nam, CNTT được coi là hạ tầng của hạ tầng kinh tế - xã hội, là động lực để phát triển đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. CNTT cũng là lĩnh vực quản lý nhà nước được Bộ TT&TT rất quan tâm và đặc biệt chú trọng trong giai đoạn hiện nay.
"Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 là một ấn phẩm có uy tín, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, phát triển thị trường, thu hút đầu tư, hội nhập kinh tế thế giới trong lĩnh vực CNTT-TT thông qua các số liệu thống kê chính thức về lĩnh vực này do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, phản ánh hiện trạng phát triển CNTT-TT của đất nước, được nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế sử dụng", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.
Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 được in thành 2 phiên bản nhằm phục vụ cho việc tham khảo và sử dụng được thuận tiện, gọn nhẹ. Phiên bản tiếng Việt đã được in và phát hành trước, phiên bản tiếng Anh sẽ được hoàn thiện, in ấn và phát hành sau. Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ công bố tài liệu này dưới dạng điện tử trên Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT để độc giả có thể tham khảo rộng rãi.
Nhà mạng thử nghiệm chuyển mạng giữ số
 
Đại diện Viettel cho biết, từ ngày 21/9 thử nghiệm kỹ thuật chuyển mạng giữ nguyên số với VinaPhone, MobiFone. Trong khi đó, lộ trình thử nghiệm của các nhà mạng VinaPhone và MobiFone vẫn chưa được công bố chính thức.
Theo kế hoạch của Bộ TT&TT đưa ra, các nhà mạng sẽ phải triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số di động (Mobile Number Portability) từ ngày 31/12/2017.

Đây được xem là một trong những công tác trọng tâm trong 6 tháng cuối năm của Bộ TT&TT bên cạnh các công tác, tăng cường biện pháp thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên thị trường. Hoàn thành việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định…
Các chuyên gia cho rằng, nhiều nước trên thế giới triển khai chính sách cho khách hàng chuyển mạng giữ nguyên số từ lâu. Đã đến lúc Việt Nam phải thực thi để đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Chính sách chuyển mạng giữ nguyên số được đưa ra nhằm thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi của người dùng để tránh tình trạng khách hàng bị “cầm tù” với một nhà mạng mà không chuyển sang mạng khác được chỉ vì số thuê bao. Điều này thúc đẩy các mạng luôn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng như chăm sóc khách hàng ngay cả khi thị trường bão hòa.
Việc chuyển mạng giữ nguyên số sẽ triển khai theo mô hình tập trung và sử dụng phương thức định tuyến cuộc gọi/SMS trực tiếp (nhà mạng thuê bao chủ gọi truy vấn trực tiếp thông tin về thuê bao được gọi tư cơ sở dữ liệu chung quốc gia, xác định mạng đích và thiết lập cuộc gọi).
Xây nhà máy linh kiện động cơ hàng không đầu tiên tại Việt Nam
 
Ngày 21/9, tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) đã diễn ra Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Hanwha Aero Engines. Đây là dự án đầu tư đầu tiên tại Việt Nam liên quan đến ngành công nghiệp động cơ hàng không được triển khai.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, sự kiện này mang lại nhiều ý nghĩa, diễn ra trong thời điểm Việt Nam và Hàn Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 - 2017).
Với quá trình dài hợp tác, hiện Hàn Quốc là quốc gia có tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam lớn nhất trong số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Nhà máy Hanwha Aero Engines với tổng mức đầu tư 200 triệu USD và có kế hoạch mở rộng đầu tư lên 260 triệu USD trên tổng diện tích khoảng gần 97.000m2 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để sản xuất các cấu kiện, linh kiện của động cơ máy bay.
Lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ KH&CN cùng các bộ ngành tại lễ Khởi công xây dựng nhà máy sản xuất máy bay.
Các máy móc gia công tối tân và các thiết bị kiểm tra độ chính xác nhằm phục vụ việc sản xuất linh kiện động cơ siêu chính xác sẽ chiếm phần lớn các khoản đầu tư.
Dự kiến cuối tháng 4/2018, nhà máy thứ nhất sẽ được hoàn thiện và đưa vào hoạt động, 2 nhà máy còn lại lần lượt được xây dựng và hoàn thành vào năm 2022. Dự án này sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động.
iPhone 8 giá tốt, người Việt vẫn thờ ơ

Hôm 20/9, một cửa hàng di động tại TP.HCM bất ngờ đưa bộ đôi iPhone 8 về nước, chào giá lần lượt 20 và 23,5 triệu đồng, thấp hơn mức dự kiến. Giá thấp hơn cả chục triệu so với iPhone 7 và 7 Plus một năm về nước.

 
Khảo sát cho thấy, giá iPhone 8, 8 Plus tại thị trường Hong Kong - nguồn cung iPhone xách tay về Việt Nam lớn nhất - lần lượt ở mức tương đương 17,4 và 20 triệu đồng, chưa gồm thuế. Điều này đồng nghĩa giá chào bán tại Việt Nam nhỉnh hơn không đáng kể.
Chủ một cửa hàng di động xách tay tại Hà Nội tiết lộ một bảng báo giá của “mối uy tín” từ Móng Cái, trong đó giá nhập iPhone 8 ở mức 18,6 triệu, 8 Plus mức 21,2 triệu cho bản 64GB.
Giới kinh doanh thừa nhận iPhone X lên kệ vào tháng sau ảnh hưởng cực lớn đến iPhone 8 và tâm lý người dùng. Giá iPhone 8 không rẻ. iPhone X dù đắt nhưng vượt trội về mức độ nhận diện sản phẩm nên khách dồn sự quan tâm vào iPhone X là điều dễ hiểu.
2 sản phẩm iPhone 8, 8 Plus được đánh giá cao ở hiệu năng xử lý nhờ con chip A11 Bionic với sức mạnh lớn hơn 70% chip A10 cùng cảm biến camera mới, cơ chế xử lý hình ảnh thông minh hơn. Tuy nhiên, với việc những chiếc iPhone 7 hay 7 Plus vẫn còn quá tốt, người dùng sẽ “không tìm ra lý do gì” để nâng cấp iPhone 8, theo lời The Verge.