Điểm nhấn công nghệ tuần: Đã có giá bộ 3 iPhone mới tại Việt Nam

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có giá bộ 3 iPhone mới tại Việt Nam; Xem xét nới trần khuyến mại thuê bao trả trước lên 50%; Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia bị tấn công website nhiều nhất... là nội dung chú ý tuần qua.

Đã có giá bộ 3 iPhone mới tại Việt Nam
Sau khi Apple thông báo Việt Nam sẽ nằm trong nhóm thị trường thứ 3 mở bán iPhone XR từ ngày 2/11, các nhà bán lẻ iPhone trong nước cũng bắt đầu nhận đặt hàng iPhone XS, XS Max và XR chính hãng từ ngày 19/10. Theo FPT Shop, có sự chênh lệch lớn về giá bán giữa iPhone XR và XS, XS Max - thấp hơn 7 đến 11 triệu đồng so với 2 model còn lại.
 
Với iPhone XR, 3 phiên bản bộ nhớ 64GB, 128GB và 256GB có giá chính hãng lần lượt 22,99, 24,99 và 26,99 triệu đồng. Nếu đặt hàng qua thẻ tín dụng, người dùng còn được giảm thêm 2 triệu đồng, khiến giá bán mẫu XR còn thấp hơn giá đang được chào ở nhiều cửa hàng xách tay.
Được biết, bộ 3 sản phẩm iPhone mới chính hãng sẽ chính thức lên kệ tại FPT Shop và F.Studio từ ngày 2/11 với phiên bản 64GB, 128GB, 256GB và 512GB. Về màu sắc, iPhone XS và XS Max sẽ có 3 màu thời thượng: Vàng Đồng, Bạc, Xám.
Riêng với iPhone XR, Apple đã ưu ái trang bị 6 màu trẻ trung và cá tính: Trắng, Đen, Đỏ, Vàng, Cam, Xanh.
Là siêu phẩm được mong chờ nhất năm, iPhone XS, XS Max và iPhone XR đã gây “bão” ngay từ những ngày đầu ra mắt. Không làm người hâm mộ thất vọng, bộ 3 iPhone mới đã được Apple trang bị nhiều cải tiến đáng giá.
iPhone XS, XS Max vẫn có thiết kế lưng kính, khung viền thép sáng bóng. Khác biệt lớn nhất chính là màu Vàng Đồng và màn hình lớn 6.5 inch (XS Max). Trong khi đó, iPhone XR sở hữu màn hình tràn viền kích thước 6.1 inch, có lưng kính và phần khung viền làm bằng chất liệu hợp kim nhôm.
Cả 3 phiên bản iPhone mới đều sử dụng A12 Bionic - bộ vi xử lý di động mạnh mẽ nhất hiện nay trong thế giới điện thoại thông minh. Được xây dựng trên tiến trình 7nm và trang bị 6 lõi xử lý, A12 Bionic cho hiệu suất nhanh hơn 15% so với phiên bản iPhone X, tốc độ xử lý đồ họa nhanh hơn 50% so với thế hệ A11 Bionic cũ nhưng rất tiết kiệm năng lượng.
Camera chính của 3 chiếc iPhone mới đều có độ phân giải 12 megapixel với khẩu độ f/1.8, được trang bị cảm biến hoàn toàn mới, hỗ trợ chụp ảnh Smart HDR, giảm nhiễu khi chụp ảnh thiếu sáng, có khả năng hỗ trợ quay video chuẩn 4K.
Trong khi bộ đôi iPhone XS và XS Max được trang bị cụm camera kép thì iPhone XR chỉ sở hữu cho mình 1 camera nhưng vẫn có chế độ chụp xoá phông và cả 3 sản phẩm đều có tính năng mới rất được chờ đợi: Điều chỉnh khẩu độ ảnh sau khi chụp.
Ngoài ra, cả 3 sản phẩm mới của Apple còn được trang bị hệ thống camera TrueDepth ở mặt trước với chức năng chụp ảnh selfie xóa phông, tính năng mở khóa bằng gương mặt Face ID, các biểu tượng động Animoji...
Xem xét nới trần khuyến mại thuê bao trả trước lên 50%
Tại Hội nghị giao ban Quản lý nhà nước của Bộ Thông tin & Truyền thông tuần qua, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết đang làm việc với Bộ Tài chính để nghiên cứu đề xuất nới trần khuyến mại cho thuê bao trả trước từ 20% lên 50%.
 
Trước đó, Thông tư số 47 được Bộ Thông tin & Truyền thông ban hành cuối năm 2017 quy định rõ, từ ngày 1/3/2018, nhà mạng chỉ được khuyến mại tối đa 20% đối với thuê bao trả trước. Riêng các thuê bao trả sau, mức khuyến mại cao nhất là 50%.
Hạn mức trên đã bao gồm cả giá trị dịch vụ, hàng hóa hay giá trị vật chất mà các nhà mạng dùng để khuyến mại. Nếu các doanh nghiệp viễn thông vi phạm quy định về hạn mức khuyến mại sẽ bị xử phạt hành chính và truy thu thuế đối với các chương trình khuyến mại đó.
Quy định này được đưa ra trong bối cảnh các nhà mạng đua nhau áp dụng gói khuyến mãi lên tới 50%, 100%. Theo lý giải của đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông khi đó, các nội dung trong Thông tư 47 nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường viễn thông. Cùng với đó là việc bảo đảm quyền lợi và thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau, hạn chế các cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Tuy nhiên, sau khi chính sách này được áp dụng, các nhà mạng đều cho biết, việc áp dụng các chương trình khuyến mại không quá 20% đã tác động không nhỏ đến doanh thu. Trong một báo cáo đánh giá về vấn đề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhắc tới tình trạng sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp viễn thông kể từ ngày 1/3 sau khi Thông tư 47 có hiệu lực.
Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia bị tấn công website nhiều nhất
Theo thống kê của Công ty an ninh mạng CyStack, Việt Nam nằm trong tốp 20 quốc gia có số lượng website bị tấn công nhiều nhất. Hệ thống CyStack Attack Map đã ghi nhận tổng cộng 129.722 website trên toàn cầu bị tin tặc tấn công.
 
Mỗi phút có 1 website bị tin tặc kiểm soát. Bằng việc chiếm quyền điều khiển website, tin tặc có thể gây ra rất nhiều vấn đề rắc rối cho các chủ website như: Đánh cắp dữ liệu, cài đặt mã độc, phá hoại website, tạo trang lừa đảo (phishing), tống tiền…
Việt Nam đứng thứ 19 (chiếm 0,9%) trong số các quốc gia có website bị tin tặc tấn công. Cụ thể trong quý III năm 2018 đã có 1.183 website của Việt Nam bị tin tặc tấn công và kiểm soát.
Theo đại diện CyStack, cho đến hiện tại, còn nhiều website chưa được khôi phục và loại bỏ các dấu hiệu tấn công do hacker để lại. Cụ thể là 21,48% website bị tấn công ở tháng Bảy vẫn chưa được khắc phục; số liệu ở tháng Tám và tháng Chín lần lượt là 33,87% và 44,08%.
Điều này cho thấy rất nhiều chủ sở hữu và quản trị website không quan tâm đến bảo mật cho website của mình, không biết mình đã bị tấn công hoặc không biết cách xử lý sự cố.
Thống kê của CyStack cũng chỉ ra rằng, có tới hơn 60.000 website có tên miền .com bị tấn công. Đây cũng là loại tên miền được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, một số tên miền quốc gia cũng là mục tiêu tấn công hàng đầu của tin tặc như: .in (Ấn Độ), .ru (Nga), .hk (Hồng Kông), .id (Indonesia…
Bên cạnh đó, gần 50% các website bị tấn công có máy chủ đặt tại Mỹ, sau đó là Đức và Indonesia; 85,4% website bị tấn công sử dụng hệ điều hành Linux và chỉ có 7,01% sử dụng hệ điều hành Windows…
Tới lượt Twitter bị nghi ngờ thu thập dữ liệu người dùng
Theo TheVerge, cuộc điều tra bắt đầu từ yêu cầu của một giáo sư người Anh có tên Michael Veale, dựa trên các quy định mới trong luật bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) được thông qua hồi tháng 5/2018.
 
Theo điều khoản trong GDPR, công dân của Liên minh châu Âu có quyền yêu cầu thông tin bất kỳ dữ liệu nào của mình bị các công ty thu thập. Nhưng khi Veale yêu cầu với Twitter, câu trả lời mà ông nhận được là hãng không giữ dữ liệu nào từ dịch vụ rút ngắn đường dẫn của mình.
Vị giáo sư đã nghi ngờ câu trả lời từ doanh nghiệp, sau đó viết thư gửi lên cơ quan quản lý các vấn đề về quyền riêng tư, yêu cầu điều tra xem liệu Twitter có đang giữ thông tin nào của mình mà từ chối trao lại hay không.
Hiện cuộc điều tra được tiến hành theo quyền công dân của ông Veale, và xác thực trong nội dung lá thư mà Văn phòng Ủy viên bảo mật dữ liệu Ireland (DPC) gửi tới nhân vật này.
Ban đầu, hệ thống rút ngắn liên kết được thiết kế như một cách để tiết kiệm giới hạn ký tự trong một bài đăng trên Twitter (vốn chỉ có 280 ký tự). Bên cạnh đó, nó còn là công cụ hiệu quả trong việc chống lại phần mềm độc hại và thu thập các phân tích thô.
Hiện Twitter đã từ chối bình luận về vụ việc này, chỉ nói rằng công ty đang "tích cực tham gia" làm việc với các nhà chức trách Ireland.
Trước đó ngày 12/10, Facebook cho biết, trong số 29 triệu tài khoản bị đánh cắp dữ liệu, có 14 triệu người sử dụng bị hack bị đánh cắp các dữ liệu bao gồm ngày sinh, chủ lao động, trình độ giáo dục và danh sách bạn bè; trong khi đó, 15 triệu người sử dụng khác bị đánh cắp thông tin về tên cá nhân và chi tiết liên lạc.
Đây được coi là lỗi hệ thống tồi tệ nhất từ trước tới nay của Facebook, và vụ việc đã khiến người sử dụng mạng, các nhà làm luật và nhà đầu tư lo ngại hết sức lo ngại khi Facebook đã không tìm mọi cách bảo vệ dữ liệu của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần