Điểm nhấn công nghệ tuần: Google chặn hơn 7.000 clip có nội dung xấu

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 7.000 clip, 19 kênh có nội dung xấu được Google gỡ bỏ; Sẽ thử nghiệm Mobile Money trong năm 2019; Cả thế giới chống lại Huawei... là nội dung chú ý tuần qua.

Hơn 7.000 clip, 19 kênh có nội dung xấu được Google gỡ bỏ
Báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội ghi nhận, đến thời điểm hiện tại Google đã ngăn chặn hơn 7.000 video clip, gỡ 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội Youtube, gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play.
 Ảnh minh họa
Tương tự, Facebook đã gỡ bỏ 208/211 tài khoản giả mạo, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc.
Apple cũng gỡ bỏ 9/15 trò chơi điện tử vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên AppStore.

Cũng theo báo cáo, hiện đã thiết lập Nhóm công tác giữa Facebook và Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan đầu mối (với sự tham gia của một số bộ, ngành có liên quan) để trao đổi về các vấn đề còn tồn tại, trong đó sẽ tập trung 3 nhóm vấn đề chính: Vi phạm về nội dung (bao gồm cả quảng cáo), phát triển kinh tế và thuế.
Số liệu của Bộ Thông tin và truyền thông cho thấy, đến nay cả nước có 436 trang mạng xã hội, gần 1.500 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép, trong đó có 190 trang thông tin điện tử tổng hợp thuộc các cơ quan báo chí. Ngoài ra, có các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới vào Việt Nam như: Facebook, Google, Youtube.
Bên cạnh đó, để xử lý triệt để hơn nữa tình trạng SIM rác, tin nhắn rác trong thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản chấn chỉnh các doanh nghiệp viễn thông di động về tình trạng mua bán SIM kích hoạt sẵn thông tin thuê bao.
Nếu phát hiện SIM của doanh nghiệp được bày bán trên thị trường kích hoạt sẵn thông tin thuê bao thì gửi văn bản nhắc nhở lãnh đạo doanh nghiệp. Đến lần thứ ba sẽ gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý vi phạm hành chính và không xem xét tặng các danh hiệu cho các doanh nghiệp vi phạm.
Bên cạnh các biện pháp răn đe, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo và cùng phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông xây dựng các giải pháp xử lý SIM rác mang tính chất đồng bộ, triệt để.
Sẽ thử nghiệm Mobile Money trong năm 2019
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sẽ thử nghiệm Mobile Money trong năm 2019 tại Hội thảo về tiền di động do Bộ này tổ chức hôm 23/5. Với chủ đề "Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện”, đây sẽ là nơi để các chuyên gia trong và ngoài nước cùng thảo luận về việc triển khai tiền di động tại Việt Nam (Mobile Money), dịch vụ hiện đang được áp dụng khá phổ biến trên toàn thế giới.
 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng 
Người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết, ngay trong năm 2019, dịch vụ Mobile Money sẽ được cấp phép thử nghiệm tại Việt Nam. Tuy nhiên, thêm một lần nữa, Việt Nam lại không thuộc nhóm đầu áp dụng một nền tàng mới do công nghệ tạo ra. Tính tới hiện tại, nếu thử nghiệm thì Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 91 triển khai nền tảng thanh toán này.

Theo thống kê, tính tới hết 2018, trên toàn thế giới đã có 90 nước chấp nhận Mobile Money, với số lượng lên đến gần 900 triệu người dùng. Giá trị giao dịch mỗi ngày đạt 1,3 tỷ USD cùng tăng trưởng hàng năm 20%, nếu tính riêng tại châu Á thì con số này là 31%. Có nhiều quốc gia, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money tới trên 50%.
Mặc dù đi sau nhiều quốc gia nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Việt Nam vẫn còn những thuận lợi. Đó là có thể học hỏi từ người đi trước, qua các triển khai và khung pháp lý. Bên cạnh đó cũng có nhiều tổ chức quốc tế lớn thường xuyên đưa ra các tổng kết và khuyến nghị nhằm trợ giúp kinh nghiệm trong việc phát triển Mobile Money. Do đó, Việt Nam cần phải triển khai dịch vụ này ngay trong năm nay.
Phân tích về tính cần thiết của Mobile Money, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam đang tập trung nhiều cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhưng lại quên không phát triển một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy là nền tảng thanh toán. Muốn một startup hay dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào có thể thực hiện việc này tốt hơn là di động, là Mobile Money.
Với doanh nghiệp, Mobile Money sẽ làm xuất hiện rất nhiều đơn vị mới kinh doanh trong lĩnh vực số và những công ty khởi nghiệp công nghệ. Thanh toán qua di động sẽ là phương thức phổ biến nhất được chấp nhận bởi các công ty khởi nghiệp. Mobile Money sẽ góp phần bùng nổ các startup Việt Nam, người đứng đầu Bộ TT&TT kỳ vọng.
Mobile Money cũng sẽ giúp nhà mạng viễn thông có thể trở thành nền tảng của nhiều thứ, chứ không chỉ là hạ tầng viễn thông như hàng trăm năm nay. Việt Nam có thể kỳ vọng nhiều hơn nữa vào các nhà mạng trong việc tự chuyển mình để trở thành nền tảng của dữ liệu, của Computing, của nội dung số, của xác thực, của dịch vụ IT, của IoT ...
Tuy nhiên Bộ trưởng lưu ý, cũng sẽ có nhiều vấn đề pháp lý phải giải quyết cho Mobile Money, bên cạnh đó là những thách thức, rủi ro đi kèm, nhưng lợi ích lại lớn hơn rất nhiều. Sẽ không có ‘Free Lunch’ (bữa trưa miễn phí), nhưng sẽ có những lợi ích to lớn mà công nghệ mang lại cho xã hội.
Cả thế giới chống lại Huawei
Ngay sau khi Huawei bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen, Google cho biết sẽ rút lại quyền truy cập dịch vụ Android của công ty này. Bloomberg cho biết Google sẽ dừng cung cấp cả mảng phần cứng và phần mềm. Đây là một thông tin “động trời” với Huawei bởi tất cả những chiếc điện thoại của hãng này đều chạy hệ điều hành Android của Google. Điều này đồng nghĩa với việc hàng triệu người dùng Huawei sẽ không còn được tiếp cận với các bản cập nhật bảo mật và nhiều dịch vụ khác của Google như Google Play hay Gmail.
 Ảnh minh họa

Công ty sản xuất chip Qualcomm cũng phản hồi nhanh trước thông tin nói trên. Ba ngày sau khi Huawei bị đưa vào danh sách đen, Bloomberg nói rằng Qualcomm đã thông tin tới toàn bộ nhân viên của mình rằng hãng này sẽ không cung cấp cho Huawei cho tới khi có thông báo tiếp theo.
Intel cũng là một cái tên nói không với Huawei trong thời gian này. Dù vậy, theo thông tin từ Bloomberg, Huawei có thể đã “dự trữ” ít nhất ba tháng sản lượng chip và các linh kiện cần thiết khác đề phòng trường hợp lệnh cấm được ban bố.
Lumentum, một nhà sản xuất linh kiện điện thoại khác của Mỹ, cũng tuyên bố dừng trao đổi linh kiện với Huawei. Điều đáng nói là mối quan hệ giữa Lumentum và Huawei chiếm tới 18% trong tổng doanh thu hãng này trong quý kinh doanh gần nhất.
Sau khi chính phủ Mỹ ra lệnh trừng phạt Huawei, 2 hãng viễn thông lớn của Nhật là KDDI và Softbank Corp ngày 22/5 đã thông báo: do không thể bảo đảm tính an toàn của điện thoại Huawei nên hoãn vô thời hạn việc bán ra loại smartphone kiểu mới P30 Lite của Huawei vốn đã ấn định vào ngày Thứ Sáu 24.5.
Từ ngày 14/5, Softbank Corp đã nhận đăng ký đặt mua P30 Lite của khách hàng, nhưng ngày 22/5 đã ngừng lại và liên lạc hủy hợp đồng với những khách hàng đã đặt mua trước đó.
KDDI trước đó nói chưa xác định thời gian mở bán P30 Lite, nhưng “sau khi xem xét tổng hợp đã quyết định hoãn lại”. Cả 2 công ty đều không cho biết đến khi nào thì mở bán. Một hãng viễn thông khác là Docomo hôm 16/5 tuyên bố mùa Hè này sẽ đưa ra thị trường loại smartphone Huawei P30 Pro HW-02L, nhưng sau đó lại bày tỏ sẽ thảo luận việc ngừng tiếp nhận khách đăng ký đặt mua.
Tại Đài Loan, các hãng viễn thông “Trung Hoa điện tín” và “Taiwan Mobile” cũng đã lần lượt tuyên bố không bán các loại smartphone mới của Huawei. Taiwan Mobile còn bày tỏ do các điện thoại kiểu mới của Huawei không được Google hỗ trợ dịch vụ nữa nên trong tương lai hãng này sẽ chấm dứt việc tiêu thụ các mẫu điện thoại của Huawei.
Sony rút khỏi thị trường Việt Nam
Sau cuộc họp công bố chiến lược trong năm tài chính 2020, Sony đã quyết định thu hẹp một số thị trường có mức doanh số không khả quan như Ấn Độ, Australia, Canada, Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông, Đông Nam Á và Việt Nam.
Ảnh minh họa
Sony Mobile sẽ chỉ tập trung vào một số thị trường nhất định như Nhật Bản, châu Âu, Đài Loan và Hong Kong. Hãng hy vọng thông qua việc cắt giảm các chi phí hoạt động còn một nửa so với năm 2017, mảng di động sẽ có lãi vào năm 2020.
Trên thực tế, Sony đã thu hẹp các hoạt động kinh doanh của hãng trong khu vực Đông Nam Á từ nhiều tháng nay. Công ty đã đóng cửa một số cửa hàng chính thức tại Malaysia, Singapore và khu vực Trung Đông.
Trang Slashgear nhận định nguyên nhân có thể đến từ chiến lược kinh doanh không phù hợp của Sony Mobile tại các thị trường này.
Smartphone của hãng luôn được định giá cao hơn nhiều so với các đối thủ trong khi đây là khu vực đang phát triển. Hơn nữa, thiết kế của các sản phẩm từ hãng cũng không có nhiều thay đổi qua các thế hệ, tạo cảm giác nhàm chán với người dùng.
Từ cuối năm 2018, mảng điện thoại di động của hãng tại thị trường Việt Nam đã bị thu hẹp. Hàng loạt cửa hàng hạ giá và xả hàng tồn điện thoại Xperia. Sony Center thậm chí áp dụng mức giảm lên tới gần 10 triệu đồng với những mẫu cao cấp như Xperia XZ2, Xperia XZ Premium.
Tới giữa 2019, thương hiệu Sony không còn nằm trong danh mục điện thoại trên hai hệ thống bán lẻ thiết bị di động có thị phần lớn nhất ở Việt Nam.

Tại nhiều cửa hàng khác ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, smartphone Xperia cũng không còn được bán như năm ngoái. Trên trang bán hàng trực tuyến Sony Center, danh mục điện thoại cũng biến mất, chỉ còn các sản phẩm khác như máy game Play Station, tai nghe, loa di động, TV, máy ảnh...