Điểm nhấn công nghệ tuần: Hà Nội xây dựng thành phố thông minh, tiện ích, an toàn

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội xây dựng thành phố thông minh, tiện ích, an toàn; iPhone XS Max 2 SIM được chào bán giá mềm tại Hà Nội; Bộ TT&TT sẽ cấp phép băng tần 4G trong tháng 11/2018... là nội dung chú ý tuần qua.

Hà Nội xây dựng thành phố thông minh, tiện ích, an toàn
Ngày 18/9/2018, Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội (ASOCIO Smart City Summit 2018 - Hanoi) chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, UBND TP Hà Nội phối hợp với Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) - liên minh quốc tế lớn nhất, uy tín nhất về công nghệ thông tin của khu vực châu Á - châu Đại Dương và Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số”.
Hội nghị được tổ chức nhằm chia sẻ tầm nhìn, chiến lược và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh; tập hợp ý kiến của các nhà quản lý cũng như các chuyên gia công nghệ để đưa ra những chiến lược, giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh dựa trên các nền tảng công nghệ mới.
Chủ tịch nhắc lại ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ CHXHCN Việt Nam đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu “Phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế”, trong đó đến năm 2020 tại Việt Nam, ít nhất có 3 đô thị được phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh và tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng và phát triển ứng dụng các tiện ích đô thị thông minh.
Chủ tịch nhấn mạnh, Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thành phố Hà Nội cũng lựa chọn mục tiêu xây dựng đô thị thông minh. Việc thực hiện mục tiêu này trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng với những công nghệ nổi bật như in 3D, thực tế ảo, điện toán đám mây, robot, big data, block chain, trí tuệ nhân tạo đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý cùng các chuyên gia công nghệ cùng nhau lựa chọn phương thức và các bước đi thích hợp để cùng nhau xây dựng đô thị hay thành phố có thể cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch cho biết, trong năm 2018, Hà Nội đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các hội thảo quốc tế về xây dựng Thành phố thông minh. Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội là hội nghị quốc tế có quy mô lớn, với sự tham gia của hơn 10 quốc gia cùng các tỉnh, thành phố trong nước; các chuyên gia đầu ngành về Thành phố thông minh, các nhà quản lý, hoạch định chính sách quốc tế và Việt Nam sẽ trực tiếp trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp cụ thể giúp cho thành phố Hà Nội và các thành phố khác tại Việt Nam trong việc xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn.
Nhiều câu hỏi được đặt ra với Hà Nội nói riêng và các thành phố, các đô thị nói chung, đó là: Mô hình nào, phương thức nào để phát triển đô thị thông minh, tính “bền vững” của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Cần hoạch định, xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một Thành phố thông minh? Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp... sẽ được thực hiện như thế nào?
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ hy vọng, những thách thức, những vấn đề nêu trên sẽ phần nào được giải đáp thông qua chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các tham luận của các diễn giả là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học từ các tổ chức và các doanh nghiệp hàng đầu quốc tế và trong nước. Về phía thành phố Hà Nội, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, các công việc đã làm và sẵn sàng học hỏi, tham gia các hội nghị thưởng đỉnh về Thành phố thông minh do ASOCIO tổ chức.
iPhone XS Max 2 SIM được chào bán giá mềm tại Hà Nội
Chiều 21/9, thông qua một số cửa hàng kinh doanh iPhone xách tay tại Hà Nội, nhiều nơi đồng loạt chào bán iPhone Xs Max có xuất xứ từ Hồng Kông với giá bất ngờ thấp hơn nhiều so với lô iPhone Xs Max đã về tới thị trường TP Hồ Chí Minh trước đó.
 
Cụ thể, iPhone Xs Max bản dung lượng 64GB có giá 39 triệu đồng, bản 256GB giá 44,5 triệu đồng và bản 512GB có giá bán 49,9 triệu đồng. Thực tế cho thấy năm nay dù iPhone Xs Max rất “hot” nhưng mặt bằng chung thị trường có giá không quá cao, không bị làm giá mạnh.
Cũng theo nhận định của giới kinh doanh, iPhone Xs Max xách tay sẽ còn tiếp tục giảm mạnh ngay từ tối hôm nay và sáng mai, khi hàng bắt đầu đổ về thị trường Việt Nam nhiều hơn.

Phiên bản iPhone XS Max đầu tiên về Việt Nam sở hữu bộ nhớ cao nhất dung lượng 512 GB. Dòng sản phẩm này gây chú ý với cấu hình được nâng cấp mạnh mẽ hơn thế hệ iPhone X, màn hình lớn hơn và đặc biệt pin khoẻ hơn.
Cụ thể, Apple trang bị cho máy màn hình kích thước 6,5 inch, độ phân giải 2688x1242 pixel, sử dụng tấm nền OLED và có tần số quét đạt ngưỡng 120Hz. Phiên bản này được hãng trang bị công nghệ hiển thị hình ảnh tiên tiến Dolby Vision và HDR 10 mà theo Apple là cho khả năng hiển thị tốt nhất hiện tại.
Màn hình mới cũng sử dụng chất liệu kính được Apple nói rằng bền nhất từ trước đến nay trên một chiếc smartphone.
Điểm đáng chú ý nhất của mẫu XS Max đó là bộ vi xử lý A12 Bionic, cho hiệu suất xử lý đồ họa cao 50% so với A11 Bionic và hệ thống nơ ron thần kinh 8 lõi. Đây cũng chính là chip xử lý điện thoại 7nm đầu tiên trên thế giới. Apple còn tích hợp cho iPhone mới công nghệ máy học Machine Learning hỗ trợ công nghệ thực tế tăng cường AR.
Về camera, iPhone XS Max sử dụng hệ thống camera kép với camera chính góc rộng có độ phân giải 12 MP, khẩu độ mở lớn, lên đến f/1.8 giúp thu sáng tốt hơn. Ngoài ra, pin trên iPhone mới dùng dung lượng 3174 mAh, cho thời gian sử dụng dài hơn iPhone X đến 1 giờ 30 phút.
Bộ TT&TT sẽ cấp phép băng tần 4G trong tháng 11/2018
Theo thông báo kết luận của Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 8 năm 2018, Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ chủ trì triển khai cấp phép băng tần 2.6GHz nhằm phát triển dịch vụ 4G cho các doanh nghiệp viễn thông trong tháng 11/2018.
 
Ông Lê Văn Tuấn, Phụ trách Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết Cục đang hoàn tất các thủ tục cho việc cấp phép 4G.
Trước đó, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Viettel đã kiến nghị Bộ TT&TT sớm triển khai đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G bởi băng tần 1800 MHz cấp cho 4 nhà mạng không đủ để đảm bảo chất lượng dịch 4G cho khách hàng. Ông Hoàng Sơn cho rằng, với băng tần 4G hiện nay không đủ để nhà mạng triển khai 4G chất lượng tốt. Phía Viettel đưa ra giải pháp nếu trong trường hợp việc đấu giá 4G chưa thực hiện được thì cho doanh nghiệp mượn băng tần này và vẫn đóng phí tần số như quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng dịch vụ 4G cung cấp cho khách hàng. Ông Sơn nhấn mạnh, nhu cầu có thêm băng tần của nhà mạng rất bức thiết, trong khi đó băng tần 2.6 GHz vẫn đang bỏ không sẽ gây lãng phí. Sau khi Bộ TT&TT tiến hành đấu giá băng tần nhà mạng sẽ trả lại băng tần này cho Bộ.
Trước kiến nghị của Viettel, Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, với băng tần 1800 MHz đã cấp cho 4 nhà mạng thì không đủ để cung cấp dịch vụ 4G có chất lượng đúng tiêu chuẩn. Việc cung cấp dịch vụ 4G đúng nghĩa 4G sẽ chỉ được thực hiện khi cấp phép cho nhà mạng băng tần 2.6 GHz. Tuy nhiên, đấu giá băng tần 2.6 GHz đang gặp khó khăn bởi phải tuân thủ theo Luật Đấu giá mới nên phải tạm dừng. Bộ TT&TT đang kiến nghị với Thủ tướng về những khó khăn này.
Theo lộ trình mà Bộ TT&TT đưa ra trước đấy, hồ sơ đấu giá tần số 2.6 GHz cho 4G chính thức được phát hành ngày 30/6/2017 và các doanh nghiệp viễn thông sẽ có 3 tháng để hoàn thiện hồ sơ. Trong đợt đấu giá sẽ có 4 giấy phép băng tần được cấp, trong đó có 3 giấy phép là 40 MHz và có 1 giấy phép chỉ có 20 MHz. Cụ thể, khối băng tần A2-A2’: 2.510-2.530 MHz và 2.630-2.650 MHz sẽ có 40 MHz, khối băng tần B-B’: 2.530-2.550 MHz và/ 2.650-2.670 MHz có 40 MHz và khối băng tần C-C’: 2.550-2.570 MHz và 2.670-2.690 MHz có 40 MHz. Riêng khối băng tần A1-A1’: 2.500-2.510 MHz và 2.620-2.630 MHz chỉ có 20 MHz.
Việt Nam có 5 mạng di động là Viettel, MobiFone, VinaPhone, Gtel và Vietnamobile. Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ chỉ được cấp phép 1 giấy phép 4G ở băng tần 2.6 GHz. Các doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm. Doanh nghiệp trúng đấu giá, khi triển khai hệ thống thiết bị vô tuyến điện phải tuân thủ điều kiện sử dụng băng tần.
Tại buổi làm việc mới đây với Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải khẩn trương phân bổ quyền sử dụng băng tần 2.6GHz cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao chất lượng dịch vụ 4G và phát triển 5G bởi thực tế việc phân bổ băng tần viễn thông phục vụ phát triển, hoàn thiện chất lượng dịch vụ mạng 4G, tiến tới 5G còn lúng túng, chậm trễ. Theo thống kê thì tốc độ mạng 4G tại Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới.
Tại buổi họp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với các bộ ngành ngày 26/7/2018, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đề nghị các bộ ngành cùng đồng thuận trong giải quyết các thủ tục để cấp phép sớm băng tần 4G, bởi không thể nào chấp nhận mạng 4G mà chất lượng kém như hiện tại.
Cảnh báo tình trạng giả mạo Western Union để lừa tiền
Thông báo của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, nhà băng này đã phát hiện nhiều trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt tiền rất tinh vi bằng cách giả mạo kênh thanh toán Western Union.
 

Thủ đoạn của kẻ gian thường là gửi tin nhắn giả mạo Techcombank đến điện thoại của khách hàng với nội dung như khách hàng đã nhận được tiền từ dịch vụ chuyển tiền Western Union, hoặc các dịch vụ tương tự, sau đó yêu cầu khách hàng đăng nhập vào website giả mạo để xác nhận. Thông qua cách lừa đảo này, kẻ gian sẽ lấy cắp được mật khẩu, mã OTP khi khách hàng đăng nhập và cung cấp thông tin tại website giả mạo.

Techcombank cho biết ngân hàng chỉ có 2 cổng dịch vụ Internet Banking duy nhất tại https://ib.techcombank.com.vn và F@st Mobile và khuyến cáo khách hàng không đăng nhập Username, Password, mã PIN, OTP vào bất kỳ website, ứng dụng nào khác ngoài 2 cổng dịch vụ trên.

Trong khi đó một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) cũng cảnh báo các hình thức giả mạo đang phổ biến, như giả mạo cán bộ ngân hàng gọi điện, nhắn tin qua điện thoại, mạng xã hội hay gửi email giả mạo ngân hàng tới khách hàng... Các hành vi giả mạo này cùng một mục đích duy nhất là yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật cá nhân và mã OTP để nhận tiền, nhận khuyến mãi, quà tặng trúng thưởng...

Trước Techcombank, Maritime Bank, nhiều ngân hàng khác trong hệ thống như VPBank, Vietcombank... cũng liên tục phát đi những cảnh báo về chiêu lừa đảo tiền của tội phạm mạng. Các ngân hàng đề nghị khách hàng phải giữ bí mật tuyệt đối mã OTP, không cung cấp cho ai kể cả ngân hàng trong bất kỳ trường hợp nào.

Kết quả thống kê trên toàn cầu của Hãng bảo mật Kaspersky Lap vừa công bố cũng cho biết, gần 36% các cuộc tấn công trong quý II là nhằm vào các dịch vụ tài chính, trong đó có hơn 21% các cuộc tấn công nhắm vào các ngân hàng; 8,17% vào các cửa hàng trực tuyến...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần