Điểm nhấn công nghệ tuần: Hơn 560.000 máy tính tại Việt Nam nhiễm mã độc lừa đảo

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 560.000 máy tính tại Việt Nam nhiễm mã độc lừa đảo; Facebook mất gần 150 tỷ USD giá cổ phiếu; Cảnh báo mã độc tấn công có chủ đích vào ngân hàng... là nội dung chú ý tuần qua.

Hơn 560.000 máy tính tại Việt Nam nhiễm mã độc lừa đảo
Theo thông tin được phát đi vào ngày 26/7, Bkav cho hay hệ thống giám sát virus của DN này đã phát hiện một loại mã độc gián điệp nằm vùng nguy hiểm BrowserSpy.
 
Theo đó, đã có hơn 560.000 máy tính tại Việt Nam đã bị theo dõi bởi mã độc này và số lượng đang tiếp tục tăng lên. BrowserSpy có khả năng theo dõi người dùng, lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mật khẩu Gmail, Facebook…
Bkav khuyến cáo, người dùng cần xử lý ngay virus và đổi mật khẩu cho các tài khoản Gmail, Facebook… đặc biệt là tài khoản ngân hàng.
BrowserSpy ẩn mình trong các phần mềm giả mạo được hacker đưa lên Internet để lừa người dùng tải về. Khi được kích hoạt, BrowserSpy sẽ cài một plug-in (extention) độc hại vào trình duyệt để theo dõi, giám sát người dùng.
Theo đó, BrowserSpy có thể âm thầm đánh cắp thông tin cá nhân, thu thập nội dung tìm kiếm, đọc trộm email, lịch sử truy cập web… Nghiêm trọng hơn, BrowserSpy có khả năng cập nhật và tải thêm các mã độc khác nhằm kiểm soát máy tính, thực hiện tấn công có chủ đích APT.
Đặc biệt, máy tính bị nhiễm mã độc BrowserSpy không có biểu hiện gì đặc biệt, nên người sử dụng rất khó tự phát hiện.
Bkav cũng khuyến nghị người dùng không tùy tiện tải các phần mềm từ nguồn không đảm bảo, tốt nhất nên cài thường trực phần mềm diệt virus trên máy tính để được bảo vệ toàn diện.
Facebook mất gần 150 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường
Trong một tháng có lẽ là ngập tràn các tín hiệu tích cực với các ông lớn công nghệ, Facebook đã ghi tên mình vào lịch sử theo một cách không thể thất vọng hơn. Với tuyên bố từ chính Mark Zuckerberg và giám đốc tài chính rằng tốc độ tăng trưởng của Facebook sẽ chậm lại, cổ phiếu của Facebook bay hơi 124 tỷ USD trong vòng 2 tiếng của cuộc họp cổ đông.
CEO Mark Zuckerberg.
Kết thúc ngày 25/7 tại Mỹ, Facebook đã lập kỷ lục khi để mất tới 150 tỷ USD - khoản tiền thừa đủ để mua 3 Xiaomi một lúc. Thị trường đang phản ứng với cú sốc này theo hai chiều hướng trái ngược. Chỉ trong một ngày, có tới 119 triệu cổ phiếu Facebook được đổi chủ - có những người vẫn tin vào tương lai của Facebook và cũng có những người đã thôi đặt cược vào Mark Zuckerberg.
Giám đốc tài chính David Wehner của Facebook cho biết, có 3 nhân tố chính quyết định thúc đẩy tăng trưởng của Facebook và các nhân tố này đều đang trong trạng thái tiêu cực. Đầu tiên, công ty phải đối mặt với tỷ giá USD đang suy giảm ở thị trường nước ngoài, khiến doanh thu chủ yếu được tính bằng USD cũng bị kéo theo.
Thứ hai, công ty đang quá tập trung vào tính năng "Story" trên nền tảng của mình, nơi mà gói gọn bài đăng và hình ảnh của người dùng để có thể chia sẻ với bạn bè. Thế nhưng, mỗi Story sẽ biến mất 24 giờ nên công ty vẫn chưa kiếm được nhiều tiền từ tính năng này nếu như coi đây là một nguồn cấp tin tức giống như các tính năng khác trên trang chủ của Facebook.
Và cuối cùng là sự gia tăng về quyền riêng tư và bảo mật an ninh - yếu tố mà CEO Zuckerberg trước đây đã từng cảnh báo là có thể ảnh hưởng tới nguồn lợi nhuận của công ty. Các tùy chọn mới mà Facebook đang cung cấp có thể khiến người dùng lựa chọn việc không tham gia vào những thu thập dữ liệu nhất định, ngoài ra dữ liệu này cũng bị ảnh hưởng bởi luật bảo mật mới từ Châu Âu, khiến doanh thu về quảng cáo bị giảm.
Cảnh báo mã độc tấn công có chủ đích vào ngân hàng
Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính quốc gia (VNCERT) vừa có công văn 234/VNCERT-ĐPƯC gửi các đơn vị chức năng cảnh báo khẩn cấp về việc theo dõi, ngăn chặn kết nối và xóa các tập tin mã độc tấn công có chủ đích vào ngân hàng, tổ chức hạ tầng quan trọng quốc gia.
 
Theo Trung tâm VNCERT, trong thời gian gần đây cuối tháng 7/2018, Trung tâm VNCERT đã ghi nhận các hình thức tấn công có chủ đích của tin tặc nhắm vào hệ thống thông tin của một số ngân hàng và hạ tầng quan trọng quốc gia tại Việt Nam.
Với hình thức tấn công có chủ đích này, tin tặc đã tìm hiểu kỹ về đối tượng tấn công và thực hiện các thủ thuật lừa đảo, kết hợp với các biện pháp kỹ thuật cao để qua mặt các hệ thống bảo vệ an toàn thông tin (ATTT) của các ngân hàng và các tổ chức hạ tầng quan trọng nhằm chiếm quyền điều khiển máy tính của người dùng và thông qua đó tấn công các hệ thống máy tính nội bộ chứa thông tin quan trọng khác.
Mục đích chính của tin tặc là đánh cắp các thông tin quan trọng của ngân hàng và các tổ chức hạ tầng quan trọng quốc gia. Với việc sử dụng các kỹ thuật cao để tấn công thì các hệ thống bảo vệ ATTT của ngân hàng hoặc các tổ chức hạ tầng quan trọng sẽ khó phát hiện kịp thời và đồng thời giúp tin tặc duy trì quyền kiểm soát hệ thống thông tin.
Căn cứ Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg ngày 16/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 20/2017/TT-BTTTT ngày 12/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính quốc gia đề nghị các ngân hàng và các tổ chức hạ tầng quan trọng quốc gia thực hiện gấp các biện pháp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn cuộc tấn công có chủ đích. Chi tiết hướng dẫn được đăng tải tại đường địa chỉ "http://www.vncert.gov.vn/baiviet.php?id=100".
Phó Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính quốc gia Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh: Đây là những mã độc rất nguy hiểm, có thể đánh cắp thông tin và phá huỷ hệ thống thông tin, vì vậy Trung tâm đề nghị lãnh đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện lệnh điều phối.
Facebook bị rút giấy phép ở Trung Quốc sau một ngày được cấp
Trong khoảng vài giờ ngày 25/7, một cơ sở dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy Facebook được phê duyệt để mở một công ty con tại TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Trả lời báo chí Mỹ, Facebook cho biết sẽ thành lập một trung tâm sáng tạo ở quốc gia đông dân nhất thế giới "nhằm hỗ trợ các nhà phát triển, nhà sáng tạo và startup". Họ đã xây dựng những trung tâm tương tự tại Pháp, Brazil, Ấn Độ và Hàn Quốc.
 
Tuy nhiên, thành công của Facebook ở Trung Quốc vô cùng ngắn ngủi. Thông tin cấp phép đã biến mất trên hệ thống. Báo New York Times trích nguồn tin nội bộ cho biết giấy phép bị rút lại do bất đồng giữa các quan chức của tỉnh Chiết Giang và cơ quan quản lý Internet Trung Quốc (Cyberspace Administration of China). Cơ quan này tỏ ra tức giận vì đã không được tham khảo ý kiến.
Việc Facebook có cơ hội thành lập công ty con mang tên Facebook Technology ở Trung Quốc được đánh giá là một bước ngoặt rất lớn với mạng xã hội này bởi trong suốt gần một thập kỷ qua, họ vẫn đang bị chặn với đa số người dân ở đây.
Tình huống hy hữu trên cho thấy những thách thức lớn như thế nào khi các dịch vụ Internet phương Tây muốn đặt chân vào Trung Quốc. Ngay cả một trung tâm sáng tạo với mục tiêu đầu tư tài chính cho các startup cũng không được chấp thuận.
Suốt 9 năm qua, Mark Zuckerberg - CEO Facebook, chưa bao giờ giấu giếm tham vọng đưa mạng xã hội lớn nhất thế giới trở lại. Thậm chí, ông nhiều lần tới Trung Quốc, gặp gỡ các quan chức cao cấp, gần đây nhất là gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 10/2017. Hồi tháng 3/2018, Facebook tuyên bố hợp tác với Xiaomi để cho ra đời kính thực tế ảo Mi VR Standalone. Sản phẩm này là một cách để Facebook có thêm những khách hàng công nghệ tại Trung Quốc.
Trong cuộc trao đổi với Recode tuần trước, CEO Facebook Mark Zuckerberg tỏ ra thận trọng khi bàn về chủ đề Trung Quốc: "Chúng tôi đang bị chặn. Thật khó để thực hiện mong muốn đưa cả thế giới gần nhau hơn mà lại bỏ qua quốc gia lớn nhất".
Google, cũng bị đẩy ra khỏi Trung Quốc chỉ sau Facebook một năm, cũng phải tìm cách đi đường vòng như đầu tư 550 triệu USD vào công ty thương mại điện tử JD.com...