Điểm nhấn công nghệ tuần: Internet Việt Nam phát triển ấn tượng sau 20 năm

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Internet Việt phát triển ấn tượng sau 20 năm, Quốc hội thảo luận về Luật An ninh mạng, Bộ TT&TT đã cắt giảm 51 thủ tục hành chính... là những điểm nhấn công nghệ tuần qua.

Internet Việt phát triển ấn tượng sau 20 năm

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet. Ảnh ICT News

Ngày 22/11/2017 lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam với chủ đề “Chuyển động số Internet - Nền tảng cho doanh nghiệp Việt hội nhập kinh tế số” đã được tổ chức.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, trong 20 năm phát triển vượt bậc của Internet, hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới đã cùng nhau xây dựng để biến Internet trở thành một nền tảng gắn kết mọi người ở khắp các quốc gia để cùng nhau chia sẻ thông tin, kiến thức trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
“Tại Việt Nam hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống. Từ một người nông dân, một người công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sỹ đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên Internet. Chính Internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của chúng ta hiện nay”, Bộ trưởng cho hay.
Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, Internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo.
Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2017, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong Top những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.
“So sánh với hơn 31 triệu người dùng vào năm 2012; 17 triệu của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiến thật sự ấn tượng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong 10 năm qua, 10 nhân vật ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam gồm: Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT; Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CMC; Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel;
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT; Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hội Internet Việt Nam; Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG; Ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav; Ông Lê Nam Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT; Ông Thang Đức Thắng, Tổng biên tập VnExpress; Ông Mai Liêm Trực, Nguyên thứ trưởng Bộ BCVT.
Cũng tại lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam đã công bố 10 doanh nghiệp ứng dụng và nội dung số có ảnh hưởng lớn nhất đến Internet Việt Nam trong 1 thập kỷ (2007 - 2017) với các doanh nghiệp được bầu chọn như VNG, FPT Online, Nhaccuatui, VNPT Media, Viettel Media, Nexttech, Tiki, Topica, VTC Intecom, VCCorp
Quốc hội thảo luận về Luật An ninh mạng
 Quốc hội thảo luận về dự án Luật An ninh mạng. Ảnh: Quochoi.vn
Ngày 23/11, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về dự án Luật An ninh mạng. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.
Thảo luận tại phiên họp, ngoài ý kiến tán thành của các đại biểu về sự cần thiết ban hành Luật An ninh mạng đặc biệt là trong tình hình hiện nay thì nhiều đại biểu có ý kiến cho rằng cần cân nhắc về sự cần thiết ban hành Luật này bởi việc bảo vệ thông tin mạng đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng.
Do đó, Ban soạn thảo cần phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như những quy định của 2 luật này để có cơ sở làm rõ hơn về nội hàm của Luật An ninh mạng.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - TP Đà Nẵng đưa ý kiến: "Tờ trình của Chính phủ có nêu ra 10 lý do cần xây dựng ban hành Luật An ninh mạng. Nhưng theo tôi những lý do này chưa thuyết phục. Các lý do 1, 2, 3 là những lý do thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, lĩnh vực này đã có Luật An ninh quốc gia điều chỉnh.
Mạng chỉ là phương tiện, là không gian có khả năng diễn ra hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, nếu nói là cần phải có riêng 1 luật về an ninh mạng thì an ninh trong nhiều lĩnh vực khác như an ninh hàng không, an ninh lương thực, an ninh môi trường v.v. cũng phải được điều chỉnh bằng luật riêng. Nếu nói về lĩnh vực bảo vệ thông tin mạng thì điều này đã được quy định ở trong Luật An toàn thông tin mạng.
"Các quy định của 2 luật nói trên đã bao quát vấn đề an ninh mạng. Giả sử 2 luật còn bỏ sót những quy định nào đó thì có thể rà soát để bổ sung, không cần ban hành thêm một luật."
Đại biểu Phan Văn Tường - Thái Nguyên thì cho rằng thay vì xây dựng Luật mới thì nên xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thông tin mạng với tên gọi là Luật An ninh thông tin mạng vừa đảm bảo thống nhất sử dụng một bộ luật thuận lợi khi áp dụng, phù hợp với yêu cầu hội nhập và khắc phục được những tồn tại như trong Tờ trình của Chính phủ.
Ngoài ra, một vấn đề khác được các Đại biểu Quốc hội quan tâm đó chính là chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho nhiệm vụ an ninh mạng.
Bộ TT&TT đã cắt giảm 51 thủ tục hành chính
 Bộ TT&TT đã cắt giảm 51 thủ tục hành chính.Ảnh minh họa
Theo báo cáo tại buổi làm việc của Bộ TT&TT với Tổ công tác của Thủ tướng, từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ TT&TT đã cắt giảm 51 thủ tục hành chính (TTHC), tương đương cắt giảm 16%. Hiện nay Bộ TT&TT có 274 TTHC.
Theo đó, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 143/QĐ- TTg ngày 19/01/2016 về việc phê duyệt Phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động của các cơ sở in thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ TT&TT. Theo đó, đã thực hiện đơn giản hóa 09 TTHC, tỷ lệ cắt giảm sau đơn giản hóa là 26,19%;
Sau khi Luật Báo chí 2016 được Quốc hội thông qua, Bộ TT&TT đã chủ động rà soát các thủ tục hành chính lĩnh vực báo chí. Sau khi rà soát, Bộ đề xuất bãi bỏ 15 TTHC, thay thế 3 TTHC từ hình thức cấp phép sang thông báo. Đến nay, lĩnh vực báo chí chỉ còn 28 TTHC, nhiều hình thức cấp phép đã được chuyển đổi hoặc bãi bỏ.
Đến nay, TTHC lĩnh vực phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã được đồng bộ, đề xuất cắt giảm từ 65 TTHC xuống còn 57 thủ tục hành chính, cắt giảm 15% số thủ tục hành chính lĩnh vực này đảm bảo và đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước, công khai minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Đối với Quy định về hồ sơ, quy trình thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử và mạng xã hội, Bộ đề xuất rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, hủy bỏ 4 quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp...
Đến nay, TTHC lĩnh vực phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã được đồng bộ, đề xuất cắt giảm từ 65 TTHC xuống còn 57 thủ tục hành chính, cắt giảm 15% số thủ tục hành chính lĩnh vực này đảm bảo và đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước, công khai minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.
Đối với quy định về hồ sơ, quy trình thủ tục cấp, sửa đổi bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử và mạng xã hội, Bộ TT&TT đã đề xuất rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, hủy bỏ 4 quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Như vậy, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP Bộ TT&TT đang trình Chính phủ dự kiến cắt giảm tổng cộng 19 thủ tục hành chính (bao gồm cả hủy bỏ điều kiện và cắt giảm các hồ sơ tài liệu cũng như thời gian giải quyết).

Từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ TT&TT đã cắt giảm 51 TTHC (cắt giảm 16% TTHC).
Việt Nam tiếp tục dẫn đầu ASEAN về số lượng tên miền quốc gia
 Việt Nam tiếp tục dẫn đầu ASEAN về số lượng tên miền quốc gia.
Theo báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2017, tính đến cuối tháng 10, số tên miền quốc gia “.VN” duy trì trên hệ thống đã là 422.601 tên miền. Tên miền “.VN” tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu ASEAN đã đạt được từ năm 2011.
Báo cáo được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) phối hợp với Nhà xuất bản TT&TT tiếp tục xuất bản lần đầu vào năm 2012 và từ đó đến nay đã trở thành báo cáo thường niên cung cấp số liệu và kết quả phát triển tài nguyên Internet hằng năm của Việt Nam.
So sánh với số lượng tên miền “.VN” được đăng ký sử dụng trong các năm trước, con số 422.601 tên miền lũy kế duy trì tính đến thời điểm cuối tháng 10/2017 đã gấp tới 778 lần con số năm 2000 (543 tên miền) và gấp hơn 7,5 lần so với tổng số tên miền quốc gia của Việt Nam vào 10 năm trước (cuối năm 2007, Việt Nam có 55.872 tên miền “.VN” duy trì trên hệ thống).
Tính đến hết tháng 10/2017, Việt Nam có số lượng đăng ký mới năm 2017 là 118.631 tên miền, đạt 111,8% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2017, tỷ lệ tên miền đăng ký mới giữa các khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam và khu vực nước ngoài không có sự thay đổi lớn. TP.HCM và Hà Nội vẫn là hai địa phương trong cả nước dẫn đầu về số lượng tên miền ".VN" đăng ký mới.
Mức tăng trưởng nêu trên thể hiện sự liên tục phát triển của tên miền “.VN” trước tình hình nhiều biến động lớn của ngành công nghiệp tên miền toàn cầu; phản ánh những ảnh hưởng tích cực từ việc áp dụng biểu phí mới của Thông tư 208 năm 2016 của Bộ Tài chính cũng như việc chính thức triển khai nghiệp vụ tên miền và mở rộng tính năng, các loại hình dịch vụ gia tăng được cung cấp cho tên miền “.VN”.
Cũng theo “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2017” mới được VNNIC công bố, tính đến ngày 31/10/2017, danh sách 20 tên miền “.VN” được truy vấn nhiều nhất trong năm nay qua hệ thống máy chủ tên miền (DNS) quốc gia gồm có: google.com.vn; dantri.com.vn; viettel.com.vn; vnpt.vn; cict.com.vn; 24.com.vn; navavina.com.vn; mecon.vn; zing.vn; eva.vn; viettelidc.com.vn; yahoo.com.vn; thanhnien.com.vn; tripadvisor.com.vn; vietinbanksc.com.vn; sanxehot.vn; xem.vn; nhanhoa.com.vn; ica.net.vn; và kienthuc.net.vn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần