Điểm nhấn công nghệ tuần: Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đón thêm dự án trị giá 1.500 tỷ đồng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu CNC Hòa Lạc đón thêm dự án trị giá 1.500 tỷ đồng; Virus đào tiền ảo chiếm quyền điều khiển hơn 139.000 máy tính tại Việt Nam... là nội dung chú ý tuần qua.

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đón thêm dự án trị giá 1.500 tỷ đồng
Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc vừa công bố và trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) phần mềm Itera cho Công ty cổ phần hệ thống Công nghệ ETC.

 Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc trao quyết định

chủ trương đầu tư Trung tâm Nghiên cứu và phát triển phần mềm Itera

cho Công ty ETC. Nguồn ảnh: Bộ KH&CN

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc vừa công bố và trao Quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) phần mềm Itera cho Công ty cổ phần hệ thống Công nghệ ETC.
Thông tin nêu trên vừa được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN thuộc Bộ KH&CN cho biết.
Theo đó, Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển phần mềm Itera với diện tích 3,86ha thuộc Khu Phần mềm, Khu CNC Hòa Lạc. Thời gian xây dựng dự án được chia làm hai giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2023 với tổng vốn đầu tư là 1.479,5 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ thu hút trên gần 6.000 lao động trong lĩnh vực CNTT nói chung và phần mềm nói riêng.
Với dự án Itera, nhà đầu tư đặt mục tiêu xây dựng một tổ hợp công nghệ cao thực hiện sản xuất, cung ứng, hỗ trợ và thúc đẩy việc sử dụng phần mềm công nghệ cao trong các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Cụ thể, dự án Itera dự kiến bao gồm: Khu phát triển phần mềm phổ thông bao gồm một tòa nhà 06 tầng, một tòa nhà 20 tầng, khu nghiên cứu phát triển phần mềm công nghệ cao, trung tâm giới thiệu và hỗ trợ sản phẩm, khu trung tâm dữ liệu và các khu vực nhà nghỉ, nhà ăn cho chuyên gia với diện tích xây dựng tổng cộng dự kiến khoảng 14.400m2, diện tích sàn xây dựng dự kiến khoảng hơn 100.000m2.
Sau khi dự án đi vào giai đoạn ổn định, doanh thu dự kiến mang lại là khoảng 1.700 tỷ đồng/năm.
Ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc cũng đã yêu cầu ETC thực hiện đúng nội dung cam kết về quy mô, diện tích, tiến độ. “ETC cần định hướng công nghệ đầu tư trong thời gian tới như công nghệ tính toán hiệu năng cao, công nghệ điện toán đám mây… để cung cấp các dịch vụ theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Thứ trưởng đề nghị.
Thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN cho hay, tính đến thời điểm hiện tại đã có 83 dự án được chấp thuận đầu tư vào khu CNC Hòa Lạc với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,3 tỷ USD trên diện tích khoảng 300ha.
Tổng số người lao động và làm việc tại khu CNC Hòa Lạc là 15.000 người. Dự án Itera của Công ty ETC được đầu tư tại khu phần mềm - nơi được mệnh danh là trái tim của khu CNC Hòa Lạc có diện tích khoảng 70ha. Toàn bộ khu phần mềm là bán đảo được bao bọc bởi hồ Tân Xã có diện tích khoảng 140ha.
Virus đào tiền ảo chiếm quyền điều khiển hơn 139.000 máy tính tại Việt Nam
Chiều 28/3, Công ty Bkav đưa ra cảnh báo đã có hơn 139.000 máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus đào tiền ảo mới W32.AdCoinMiner. Virus này phát tán qua dịch vụ quảng cáo trực tuyến Adf.ly và qua lỗ hổng phần mềm, với mục đích chiếm quyền điều khiển máy tính của nạn nhân để đào tiền ảo.
Virus đào tiền ảo chiếm quyền điều khiển hơn 139.000 máy tính tại Việt Nam.
Theo cảnh báo của Bkav, Adf.ly cung cấp dịch vụ cho phép rút gọn đường link khi chia sẻ trên mạng xã hội hay YouTube. Tuy nhiên, khi bấm vào các link rút gọn này, người sử dụng sẽ phải nhìn thấy một trang quảng cáo trước khi đến nội dung đích. Lợi dụng điều đó, hacker đã chèn mã độc vào các trang quảng cáo để lây nhiễm virus xuống máy tính người sử dụng. Nạn nhân khó đề phòng vì vẫn xem được nội dung từ link rút gọn.
Sau khi lây nhiễm, virus sẽ chiếm quyền điều khiển và sử dụng máy tính của nạn nhân để đào tiền ảo. Nguy hiểm hơn, vì đã chiếm được quyền điều khiển máy tính nên virus có thể tải thêm mã độc khác từ server điều khiển của hacker, nhằm thực hiện các hành vi gián điệp, ăn cắp thông tin cá nhân hay thậm chí là xóa dữ liệu.
Bên cạnh Adf.ly, hacker còn lợi dụng lỗ hổng SMB để phát tán virus trên diện rộng. Lỗ hổng SMB từng bị khai thác bởi mã độc WannaCry lây nhiễm hơn 300.000 máy tính chỉ trong vài giờ. Theo thống kê của Bkav, có tới hơn một nửa số máy tính tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng này.
Ông Vũ Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc (Anti Malware) của Bkav nhận định, mã độc đào tiền ảo thực sự đã bùng nổ ngay đầu năm 2018. Nguồn lợi hấp dẫn từ tiền ảo mang lại là động cơ phát tán virus của hacker.
Chuyên gia của Bkav cảnh báo, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới với cường độ ngày càng cao, đồng thời khuyến cáo người dùng cần cập nhật ngay bản vá mới nhất cho hệ điều hành và cài thường trực phần mềm diệt virus có tích hợp tường lửa cá nhân trên máy tính để được bảo vệ tự động.
Thống kê từ Bkav cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2018, đã có 1.095 website Việt Nam bị hacker tấn công, trong đó có 56 website quan trọng thuộc cơ quan chính phủ, tổ chức giáo dục…
Ông chủ Facebook mất 10 tỷ USD do bê bối rò rỉ dữ liệu
Sau bê bối rò rỉ dữ liệu của 50 triệu người dùng mạng xã hội đã khiến tài sản của ông chủ Facebook mất 10 tỷ USD. Cổ phiếu Facebook đã giảm giá mạnh trong tuần qua sau thông tin Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của 50 triệu người dùng mạng xã hội này bị phanh phui. Vụ bê bối cũng trực tiếp ảnh hưởng lớn đến tài sản nhà sáng lập kiêm CEO Mark Zuckerberg.
  Ông chủ Facebook mất 10 tỷ USD do bê bối rò rỉ dữ liệu. Ảnh Internet
Do chỉ nhận lương một USD và thu nhập phần lớn đến từ 403 triệu cổ phiếu Facebook đang nắm giữ nên tỷ phú trẻ này đã mất tổng cộng 10 tỷ USD trong tuần qua vì vụ việc, bất chấp anh đã chính thức lộ diện để xin lỗi vào hôm 21/3.
Cổ phiếu Facebook đóng phiên hôm 23/3 ở mức 159,39 USD mỗi cổ phiếu, giảm 5,5 USD so với lúc mở cửa buổi sáng. Như vậy, chỉ trong ngày 23/3, Mark Zuckerberg đã mất 2 tỷ USD.
Facebook thông báo đình chỉ hợp tác với Cambridge Analytica, sau khi hãng này được cho là đã lợi dụng dữ liệu 50 triệu người dùng để phân tích tâm lý, góp phần vận động tranh cử thành công cho ông Donald Trump.
Trước đó, tờ The Observer ở Anh và The New York Times phanh phui vụ hãng nghiên cứu Cambridge Analytica có quyền tiếp cận vào dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng Facebook mà không được họ cho phép.
Cổ phiếu hạ gần 7% ngay sau thông tin này, giảm tiếp 2,5% một ngày sau đó sau khi có tin giới chức Mỹ sẽ điều tra vai trò của Facebook trong vụ rò rỉ dữ liệu.
Ngày 21/3 (theo giờ Mỹ) là ngày duy nhất cổ phiếu Facebook tăng giá trong tuần, song cũng chỉ tăng chưa đến 1% nhờ CEO Facebook Mark Zuckerberg lên tiếng xin lỗi. Sau đó, phong trào #deletefacebook lại nổi lên và các nhà phân tích phải hạ bậc đánh giá cổ phiếu xuống mức thiếu chắc chắn.
Cổ phiếu Facebook đóng cửa ngày 23/3 sau khi hạ tiếp 3%, biến tuần này trở thành tuần giao dịch tệ nhất từ tháng 7.2012. Mức cao nhất Facebook từng đạt được trong 52 tuần qua là 195,32 USD/cổ phiếu.