Khuyến khích Google phối hợp với Việt Nam xử lý thông tin xấu

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của Đại sứ Ted Osius trước tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt Nam quảng cáo trên Youtube đã bị gắn quảng cáo với các clip độc hại. Và điểm nhấn công nghệ tuần này ghi nhận sự kiện này.

Google sẽ nỗ lực xử lý thông tin xấu trên Youtube
Tuần qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có buổi làm việc với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. Nội dung nổi bật tại cuộc gặp gỡ nay là các vấn đề xoay quanh việc quản lý những hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook … vào Việt Nam.
 
Phản ánh tới Đại sứ Mỹ, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong thời gian dài vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam có quảng cáo trên YouTube nhưng lại bị gắn quảng cáo với các clip có nội dung độc hại. Theo yêu cầu của Bộ TT&TT, Google cũng đã thực hiện gỡ 1 số clip như vậy, đồng thời hãng này cũng khẳng định sẽ hợp tác nếu cơ quan quản lý Việt Nam chỉ ra các clip vi phạm khác.
Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng của Việt Nam không có đủ lực lượng để liên tục kiểm tra xem trên Youtube có những clip nào vi phạm pháp luật hay không. Vì thế Google nói riêng và ngay cả các doanh nghiệp quảng cáo đều phải có trách nhiệm trong việc kiểm soát này, Bộ trưởng nói.
Ngài Đại sứ cần tác động để Google và ngay cả Facebook có đại diện tại Việt Nam nhằm dễ bàn bạc hơn khi xử lý những vấn đề liên quan đến pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng đưa ra đề nghị.
Đại sứ Mỹ cũng đưa ra đề nghị Bộ TT&TT cần kiên nhẫn thêm bởi mỗi phút có tới hơn 400 giờ video được đăng tải lên Youtube nhưng Google không có đủ nhân lực và kỹ thuật để kiểm duyệt từng video xem có nội dung nào vi phạm pháp luật Việt Nam hay không. Tuy nhiên trong thời gian tới, các bên có liên quan sẽ nỗ lực để tìm giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Hà Nội xếp hạng nhất về chỉ số sản xuất kinh doanh CNTT
Theo bảng xếp hạng Chỉ số sản xuất kinh doanh CNTT (Vietnam IT Industry Index) 2016 lần đầu tiên được Bộ TT&TT công bố, Hà Nội là địa phương dẫn đầu, đứng kế tiếp là TP Hồ Chí Minh và Bắc Ninh. Chỉ số này dựa trên 3 chỉ tiêu chính là doanh thu CNTT, doanh nghiệp CNTT và lao động CNTT, bên cạnh đó là các chỉ tiêu phụ như thuế, nộp ngân sách nhà nước, khu CNTT, hạ tầng kỹ thuật doanh nghiệp CNTT…
 
Cũng theo bảng xếp hạng trên, hiện Việt Nam có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT với số nhân lực trên 700.000 người. Tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ CNTT năm 2015 đạt 1.354.377 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu chiếm hơn 84,4%, nộp ngân sách Nhà nước đạt gần 17.000 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm và dịch vụ CNTT năm 2015 cũng đạt 71.525 tỷ đồng.
Trước đó, trong Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index) 2016, Hà Nội đã xếp thứ 2 cả nước chỉ sau TP Hồ Chí Minh.
3 tháng đầu năm, website Việt Nam hứng gần 7.700 cuộc tấn công
Trong 3 tháng qua, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ghi nhận gần 7.700 sự cố tấn công vào các website tại Việt Nam, gồm 2.848 trang bị tấn công Deface (thay đổi giao diện), 3.783 trang bị cài Malware (mã độc) và 1.050 website bị đặt Phishing (lừa đảo).
 
Về các xu hướng tấn công mạng trong thời gian tới, VNCERT dự đoán có 5 loại tấn công phổ biến. Cụ thể, mã độc tống tiền (ransomware) sẽ lan truyền với tốc độ cao đặc biệt sẽ xuất hiện mã độc tống tiền tấn công vào các thiết bị di động (smartphone, máy tính bảng,…) và điện toán đám mây; Các website của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam liên tục là mục tiêu bị tấn công.
Xu hướng tiếp theo là hacker khai thác, tấn công từ các thiết bị IoT như camera, smartTV…; Xuất hiện các cuộc tấn công có chủ đích (APT) nhằm vào cơ quan Chính phủ và hệ thống hạ tầng trọng yếu (ngân hàng, điện lực, viễn thông, hàng không,…). Cuối cùng là xu hướng sử dụng các mạng xã hội để phát tán mã độc, lừa đảo trúng thưởng, mạo danh đánh cắp thông tin.
Dự án của Samsung dẫn đầu về giá trị trong khối FDI từ đầu năm
Theo đánh giá tình hình thu hút đầu tư nước ngoài quý I/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3/2017, cả nước có 493 dự án mới có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,917 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Trong đó, dự án Samsung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh là dự án lớn nhất của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong quý I/2017.
Với trị giá 2,5 tỷ USD, dự án mở rộng của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong đã nâng quy mô và vốn đầu tư từ 4 tỷ USD lên 6,5 tỷ USD.
Cũng nhờ dự án này, trong quý I/2017, Hàn Quốc là quốc gia đứng vị trí thứ nhất rót FDI vào Việt nam với tổng vốn đầu tư là 3,74 tỷ USD, chiếm 48,61% tổng vốn đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần