Điểm nhấn công nghệ: Làm công nghệ phải sáng tạo và khát vọng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng khẳng định người làm công nghệ phải có sáng tạo và khát vọng; Ngành TT&TT Hà Nội: Ấn tượng với các chỉ số CNTT - TT trong năm 2018; Vệ tinh MicroDragon được phóng thành công vào quỹ đạo... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng: Người làm công nghệ phải có sáng tạo và khát vọng
Tuần qua đã diễn ra Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và có phát biểu chỉ đạo phát triển cho ngành.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT có sứ mạng đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. “Công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề là ở đó có công nghệ, có giải pháp. Vấn đề đang có ở mọi nơi, có thể là ngay chính trong công việc hàng ngày của mỗi chúng ta, và mỗi chúng ta có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết chính bài toán của mình. Bộ TT&TT phải đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc cách mạng này”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan triển lãm tại hội nghị

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Một số mục tiêu cụ thể như đưa lĩnh vực Bưu chính tăng trưởng 30%, đưa Việt Nam vào nhóm 75 quốc gia dẫn đầu về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc vào 2020. Phát triển công nghiệp phòng chống tấn công mạng bằng công cụ “Made in Vietnam”, thúc đẩy phát triển mạng xã hội Việt Nam. Tập trung triển khai quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025. Xây dựng giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của mạng xã hội nước ngoài.

Trong lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng cho rằng, hạ tầng viễn thông hiện nay không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc mà là hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng của CMCN 4.0, hạ tầng kết nối vạn vật. Việt Nam phải đi cùng nhịp thế giới về công nghệ mới chứ không chậm 8 năm, 10 năm như với 3G, 4G. Việc thử nghiệm 5G sẽ thực hiện trong năm 2019.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, trong 10 năm qua, xếp hạng của Viễn thông-CNTT của Việt Nam đã tụt dần xuống vị trí trên 100, đứng dưới trung bình thế giới. Những năm tới, chậm nhất là đến 2022, chúng ta phải đưa thứ hạng của Việt Nam về thứ 30 - 50.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra, Việt Nam đang có cơ hội trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn của thế giới. Thế giới về cơ bản chỉ còn 4 công ty sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông gồm Ericsson, Nokia, Huawei và ZTE của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm tới trên 60% thị phần, nhưng lại đang gặp khó khăn với Mỹ.

Việt Nam hiện sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông. Chúng ta có thể trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất và xuất khẩu được tất cả thiết bị viễn thông. “Điều này chúng ta phải làm được trong năm 2019 - 2020”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao một số thành tựu đạt được của ngành thông tin và truyền thông, trong đó có đóng góp lớn về doanh thu, lợi nhuận, việc làm từ các doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel, FPT, đóng góp trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng.

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao ý chí và khát vọng của ngành: “Tôi rất ấn tượng với cụm từ sáng tạo và khát vọng Việt Nam. Tất cả những người làm công nghệ và báo chí phải khát vọng và sáng tạo Việt Nam. Như thế mới đưa Việt Nam tiến lên. Nói như vậy để chúng ta có tầm nhìn và ý chí quyết tâm cao hơn”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại của ngành trong thời gian qua như bài học đắt giá từ vụ AVG làm chậm đi sự phát triển của ngành. Xếp hạng của Việt Nam trong lĩnh vực do Bộ TT&TT quản lý còn thấp và có xu thế tụt hạng. Ở một số địa phương, vai trò của Sở TT&TT còn mờ nhạt. Trong lĩnh vực viễn thông, Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT phải xử lý triệt để vấn đề sim rác, “Tôi đề nghị Chủ tịch, Tổng giám đốc các công ty viễn thông ngồi đây phải chịu trách nhiệm vấn đề sim rác. Bộ trưởng phải chỉ đạo các đơn vị liên quan để thực hiện việc này”, Thủ tướng nói.

Phát biểu định hướng, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành thông tin và truyền thông phải có thứ hạng cao về ICT bởi ICT là nền tảng của nhiều lĩnh vực như kinh tế số. Bộ TT&TT phải dẫn dắt quá trình phát triển ICT ở VN, thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ, phát triển công nghệ, dùng công nghệ giải quyết các vấn đề Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT sớm trình Đề án chuyển đổi số quốc gia, giúp Việt Nam có sự bứt phá về kinh tế số, quản lý số. Phải nâng cao thứ hạng Việt Nam về Chính phủ điện tử, tăng ít nhất 15 bậc vào năm 2020.

Đưa Việt Nam thành cường quốc về an ninh mạng. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp ICT, Thủ tướng yêu cầu, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT phải đạt thứ hạng cao toàn cầu, vươn ra mạnh mẽ trên thị trường thế giới.

5 nhiệm vụ chính của Bộ KH&CN trong năm 2019

Năm 2019, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) sẽ tập trung thực hiện 5 lĩnh vực với tinh thần KHCN là giải pháp quan trọng và đồng bộ các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế.

Điểm nhấn công nghệ: Làm công nghệ phải sáng tạo và khát vọng - Ảnh 2

 DN giới  thiệu sản phẩm tại triển lãm quốc tế Thiết bị & Công nghệ

Nông - lâm - ngư nghiệp Vienam Gowtech 2018.

Điểm những nét chính trong chương trình hành động năm 2019 của Bộ KH&CN, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, ngay sau khi có chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 2 Nghị quyết (NQ) quan trọng là NQ 01 và 02 về chương trình công tác của Chính phủ năm 2019 cũng như tăng cường hiệu quả các điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, Bộ KH&CN đã khẩn trương cụ thể hóa, chi tiết hóa chương trình hành động của Chính phủ theo NQ.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết, trong chương trình hành động của Bộ KH&CN năm 2019, có 5 lĩnh vực Bộ sẽ tập trung thực hiện với tinh thần KHCN là giải pháp quan trọng thực hiện quyết liệt và đồng bộ các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế. Đây cũng chính là tiền đề để tạo ra trong các chuyên đề, chủ đề là kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá và hiệu quả. “Việc có thể tạo ra bứt phá là sáng tạo, đổi mới trên nền tảng của KHCN”, Vụ trưởng Lê Xuân Định cho hay.

Trước tiên, đó là khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và ĐMST, nhất là từ DN. Theo đó, Bộ KH&CN sẽ xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về phát huy Quỹ phát triển KH&CN của DN, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ tại DN. Hoàn thiện hệ thống thể chế để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo. Thu hút chọn lọc, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong tình mới, ưu tiên dự án công nghệ cao.

Thứ hai, triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lỗi của cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4.

Bộ KH&CN sẽ xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4, định hướng đến 2025. Triển khai chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025. Tập trung ưu tiên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo để tạo ra các sản phẩm có lợi thế của Việt Nam.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa", nhằm tổng hợp, hệ thống hóa, Việt hóa, số hóa, lưu trữ và phổ biến tri thức của nhân loại và của người Việt trong mọi lĩnh vực. “Đặc biệt, Bộ KH&CN sẽ tiến hành triển khai một số phòng thử nghiệm công nghệ (Testlab) về trí tuệ nhân tạo, loT, sóng não: Trung tâm ĐMST toàn cầu; loT Innovation Hub, loT Lab. Khuyến khích các DN khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ của cuộc CMCN lần thứ 4.

Thứ ba, phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế, biến khởi nghiệp sáng tạo thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là cách đưa nhanh nhất kết quả của nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ vào cuộc sống.

Bộ KH&CN sẽ bổ sung các quy định DN khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng nhận hỗ trợ của ngân sách Nhà nước thông qua Quỹ đổi mới KH&CN quốc gia, bổ sung hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn cho các DN khởi nghiệp sáng tạo.

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hình thành được một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, kết nối và hội tụ những người có năng lực ờ nhiều lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Hỗ trợ, tạo sự liên kết với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế.

Thứ tư, rà soát, tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng coi DN là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia.

Bộ KH&CN sẽ trình Chính phủ đề xuất tái cơ cấu và xây dựng nội dung giai đoạn 2021 - 2030 cho Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Tiếp tục triển khai thực hiện và cơ cấu lại các Chương trình, đề án KH&CN, nhiệm vụ KH&CN sẽ cấp quốc gia…

Thứ năm, quyết liệt đổi mới mô hỉnh tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Theo đó, Bộ KH&CN sẽ triển khai Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triền công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Triển khai hiệu quả Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNC, Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp CNC.

Đồng thời, triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Bên cạnh đó, là bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngành TT&TT Hà Nội: Ấn tượng với các chỉ số CNTT - TT trong năm 2018

Ngày 17/1, Sở TT&TT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ và phát động phong trào thi đua 2019. Bên cạnh đại diện các cơ quan trên địa bàn TP, Hội nghị còn có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý và Thử trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng.
Đánh giá chung về kết quả đạt được trong 2018, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Kỳ nhận định ngành TT&TT Hà Hội đã đổi mới phương pháp chỉ đạo điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm, bám sát với các chủ trương chung của HĐND, UBND TP từ đó mang lại nhiều tiến bộ rõ nét cho ngành trong năm qua.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Về công tác quản lý nhà nước, trong năm, Sở TT&TT đã tham mưu UBND TP tích cực triển khai các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Duy trì mục tiêu thiết lập hệ thống CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên địa bàn TP. Kết quả nổi bật là việc hoàn thành triển khai diện rộng một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của TP tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đến 22 Sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, 584 xã, phường, thị trấn.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT và Hội tin học Việt Nam năm 2018, Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, TP về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT cũng như xếp thứ 1/63 tỉnh, TP về chỉ số công nghiệp CNTT.

Đối với lĩnh vực bưu chính, viễn thông, trong 2018, Sở TT&TT đã tiếp tục triển khai Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hoàn thành hạ ngầm 57 tuyến phố và thanh thải, sắp xếp, bó gọn các đường dây, cáp viễn thông đi nổi trên 172 tuyến phố.

Sở TT&TT cũng đã tham mưu UBND TP ban hành các quy định, định hướng để các DN viễn thông trên địa bàn TP phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đảm bảo tính bền vững, hiệu quả trong khai thác. Nghiên cứu triển khai các trạm BTS thân thiện môi trường, kết hợp điểm thông tin đa năng trên địa bàn TP. Đây cũng là bước chuẩn bị cơ sở hạ tầng để triển khai thử nghiệm mạng 5G trên địa bàn TP trong năm 2019.

Về lĩnh vực báo chí - xuất bản - truyền thông và thông tin điện tử cũng đạt được nhiều tiến bộ tích cực trong công tác quản lý nhà nước đối với báo chí, thông tin tuyên truyền và đối ngoại có nhiều sáng tạo. Hoạt động giám sát , theo dõi thông tin trên mạng xã hội cũng được tăng cường khi Sở TT&TT đã phối hợp cùng Bộ TT&TT thực hiện gỡ bỏ 332 video trên Youtube có nội dung vi phạm pháp luật.

Cũng trong năm 2018, hoạt động của các doanh nghiệp bưu chính - viễn thông trên địa bàn TP cơ bản ổn định, doanh thu đạt trên 26,5 nghìn tỷ đồng tăng khoảng 5% so với 2017. Với số lượng khoảng hơn 11.200 DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT đã mang lại doanh thu hơn 10 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt mức hơn 3,4 tỷ USD với tổng số lao động vào khoảng 185 nghìn người.

Đến hiện tại trên địa bàn TP đang có 574.671 thuê bao điện thoại cố định, 10,8 triệu thuê bao di động, 10 triệu thuê bao internet, 2,5 triệu thuê bao truyền hình. Ngoại trừ thuê bao cố định giảm theo xu hướng chung, các chỉ số trên đều tăng nhẹ từ 2-5% so với 2017.

Về phương hướng trong năm 2019, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá, lãnh đạo TP Hà Nội luôn giành rất nhiều sự quan tâm đến ngành TT&TT nhưng đây cũng chính là thách thức. Lãnh đạo Hà Nội luôn "chạy" rất nhanh trong công tác phát triển TP vì vậy ngành TT&TT cũng cần phải "chạy" nhanh hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo trong việc triển khai ứng dụng CNTT cũng như xây dựng TP thông minh.

Trong bài tham luận tại Hội nghị, Phó Tổng biên tập Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà khẳng định, trong suốt những năm vừa qua bên cạnh nhiệm vụ bám sát và chuyền tải kịp thời các thông tin chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của cả nước trên tất cả các ấn phẩm của mình, báo cũng tích cực đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại của Đáng, Nhà nước và của TP. Với vai trò là tờ báo hàng đầu của Thủ đô, Kinh tế & Đô thị luôn xác định đây là một trong những hướng đi trọng tâm nhằm khẳng định vai trò và thương hiệu của mình.

Một trong những lợi thế lớn của báo Kinh tế & Đô thị là có chuyên trang tiếng anh Hanoitimes hoạt động từ năm 2007 đến nay và được xác định phát triển là Kênh thông tin đối ngoại chủ lực của TP. Cùng với các ấn phẩm báo in và báo điện tử, những thông tin đối ngoại luôn được đăng tải đa dạng, kịp thời với cả 2 thứ tiếng Anh - Việt đã đáp ứng được nhu cầu của người đọc nước ngoài cũng như quảng bá hình ảnh Hà Nội đến với bạn bè quốc tế.

Báo Kinh tế & Đô thị xác định công tác thông tin đối ngoại không chỉ là tập trung vào đưa tin liên quan đến yếu tố nước ngoài, giới thiệu về Việt Nam thế giới mà đây còn là nơi cung cấp thông tin chính thống, tránh để các thế lực xấu đưa tin sai lệch đến cộng đồng Việt kiều tại nước ngoài, ông Lại Bá Hà nói.

Cũng trong phần phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Sở TT&TT đã đạt được trong năm 2018. Đặc biệt trong việc triển khai ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân cũng như công tác thanh thải, sắp xếp và hạ ngầm hệ thốn đường dây, cáp viễn thông, cáp điện trên địa bàn TP. Không chỉ vậy công tác quản lý báo chí cũng đem lại nhiều hiệu quả tích cực khi tuyền truyền các chủ trương, chính sách của TP tới được nhiều tầng lớp người dân và tạo được sự đồng tình trong xã hội.

2019 là năm có ý nghĩa quan trọng với TP khi chọn chủ đề công tác năm là:

“Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, do đó nhiệm vụ hàng đầu của ngành TT&TT Thủ đô là cần tăng cường dụng CNTT nhằm phục vụ người dân. Bám sát các chỉ đạo của Trung ương nhằm tham mưu cho TP phát triển ứng dụng CNTT và hạ tầng viễn thông hiện đại nhằm ứng dụng tốt công nghệ 4G, 5G. Nhân rộng mô hình WiFi công cộng nhằm đem lại hiệu quả tốt hơn cho ngành du lịch Thủ đô, Phó Chỉ tịch giao nhiệm vụ.

Vệ tinh MicroDragon được phóng thành công vào quỹ đạo
Vệ tinh MicroDragon nặng 50kg, rời bệ phóng lúc 9 giờ 50 ngày 18/1, theo giờ địa phương (tức 7 giờ 50 giờ Việt Nam). Nhiệm vụ phóng vệ tinh này được thực hiện với sự hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Nhật Bản cho 36 kỹ sư của Việt Nam.
Vệ tinh MicroDragon được phóng thành công vào quỹ đạo. Ảnh JAXA.

Vụ phóng vệ tinh được tiến hành tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura, cách Tokyo hơn 1.000km. Tên lửa Epsilon đã đưa 7 vệ tinh, trong đó có 6 vệ tinh của Nhật Bản và vệ tinh Micro Dragon của Việt Nam vào quỹ đạo.

Trước đó, vụ phóng vệ tinh này được dự kiến tiến hành vào sáng 17/1 song đã bị lùi lại 1 ngày do điều kiện thời tiết nhiều mây mù, không thuận lợi cho hoạt động phóng vệ tinh. Đợt phóng vệ tinh bằng tên lửa Epsilon 4 lần này là đợt phóng vệ tinh đầu tiên trong năm 2019 của Nhật Bản.

Dự kiến sau khoảng 1 giờ, vệ tinh Micro Dragon sẽ tách khỏi tên lửa đẩy và sau đó 1 - 2 ngày sẽ có thể thu nhận những tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh. Theo kế hoạch, sau thời gian hoạt động thử nghiệm từ 1-3 tháng trên vũ trụ, vệ tinh Micro Dragon sẽ vận hành ổn định.

RAPIS-1 dự kiến hoạt động ít nhất 1 năm trên quỹ đạo. Trong thời gian đó, nó sẽ thử nghiệm một số công nghệ.

Trong khi đó, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ.

Việc có ảnh vệ tinh MicroDragon ở vị trí chụp mong muốn là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Micro Dragon được phát triển bởi 36 học viên, là cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, theo học tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản gồm: Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện Công nghệ Kyushu với sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia từ năm 2013 - 2017.

Vệ tinh Micro Dragon sử dụng hệ hai máy ảnh đa phổ với bộ lọc tinh thể lỏng có thể điều chỉnh (LCTF), có thể chụp được ở 12 dải phổ (từ 412nm đến 1020nm), ảnh độ phân giải mặt đất tốt nhất là 78m, kích thước ảnh khoảng 36x48km khi vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo 500km.

Tuyến cáp quang biển IA dự kiến sửa xong vào ngày 21/1
Đại diện lãnh đạo một DN cung cấp dịch vụ internet (ISP) tại Việt Nam có sử dụng tuyến cáp quang biển Liên Á - IA cho biết, thiết bị, vật tư phục vụ khắc phục sự cố xảy ra ngày 10/1 vừa qua trên tuyến cáp quang biển Liên Á dự kiến sẽ đến Singapore vào ngày 18/1/2019 và hết ngày 21/1/2019 có thể khôi phục hoàn toàn kết nối trên tuyến.
Tuyến cáp IA sẽ được khắc phục vào ngày 21/1. Ảnh minh họa.

Trước đó, vào ngày 12/1/2019, các ISP đã cho biết, theo thông tin từ Ban quản trị các tuyển cáp biển quốc tế, sáng 10/1, tuyến cáp quang biển Liên Á - IA gặp sự cố lần đầu tiên trong năm nay. Nguyên nhân ban đầu được xác định do lỗi nguồn cấp cho thiết bị tại trạm cập bờ của tuyến cáp ở Singapore.

Được biết, sự cố này khiến dung lượng kết nối internet từ Việt Nam đi Singapore, Hong Kong và Mỹ bị sụt giảm khoảng 20%. Hiện tại, ISP này đã tiến hành các giải pháp kỹ thuật, định tuyến lại hướng kết nối cho khách hàng qua các tuyến cáp biển khác đang hoạt động bình thường và các tuyến đất liền qua Trung Quốc.

Tuyến cáp quang biển IA được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009 với tổng chiều dài là 6.800km, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản.

Tại Việt Nam, tuyến cáp quang cập bờ tại Vũng Tàu. Tuyến cáp quang biển IA cùng AAG là hai tuyến đóng vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn dung lượng internet Việt Nam kết nối đi quốc tế.