Điểm nhấn công nghệ tuần: Lãnh đạo nhà mạng chịu trách nhiệm nếu vẫn còn sim rác

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xử lý trách nhiệm lãnh đạo nhà mạng nếu vẫn còn sim rác; Khóa tài khoản Facebook của bà Phạm Thị Yến; Loạt tính năng mới của Facebook chống lại tin giả mạo... là nội dung chú ý tuần qua.

Xử lý trách nhiệm lãnh đạo nhà mạng nếu vẫn còn sim rác
Bộ TT&TT đã có văn bản chấn chỉnh các Tập đoàn, Tổng Công ty viễn thông di động Viettel, VNPT, MobiFone, Gtel Mobile về tình trạng mua bán tràn lan sim rác, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự, ổn định, an toàn xã hội.
 Ảnh minh họa
Trong đó, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, Chủ tịch và Tổng Giám đốc các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương chỉ đạo và nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm khi để xảy ra tình trạng bán tràn lan SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước trên thị trường trong một thời gian dài, để người sử dụng mua được sim kích hoạt sẵn mà không cần đăng ký, khai báo lại thông tin thuê bao.
Các doanh nghiệp cần rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sử dụng thuê bao di động với số lượng lớn, bất thường hoặc nhiều lần để chấm dứt cung cấp dịch vụ theo quy định nếu không làm rõ được các thuê bao di động này được đúng các tổ chức, cá nhân đó sử dụng.
Chấm dứt tình trạng các cá nhân bên ngoài không phải là người lao động của chính doanh nghiệp viễn thông theo Bộ luật Lao động nhưng thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định và lưu động.
Đồng thời phải quản lý chặt chẽ điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền. Kiểm tra, giám sát đảm bảo nhân viên thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại các điểm này cũng phải là người lao động của chính doanh nghiệp được ủy quyền, phải được trả lương, bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Lao động, chấm dứt tình trạng đưa các cá nhân, cửa hàng sim thẻ vào giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp được ủy quyền sau đó thực hiện đăng ký thông tin thuê bao.
Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các quy định về khuyến mại, không được chiết khấu thấp hơn giá thành. Các sim thuê bao hòa mạng mới không được có tiền trong bất kỳ tài khoản nào trước khi nạp thẻ lần đầu.
Để xảy ra tình trạng SIM rác tràn lan có nguyên nhân từ việc các doanh nghiệp viễn thông khuyến mại lớn để phát triển thuê bao. Vì vậy, Bộ TT&TT yêu cầu doanh nghiệp viễn thông phải thực hiện nghiêm túc các quy định về khuyến mại, không được chiết khấu thấp hơn giá thành.
Khi phát hiện tình trạng sim rác được bày bán trên thị trường, Bộ TT&TT sẽ có văn bản nhắc nhở lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông. Đến lần vi phạm thứ ba, Bộ sẽ bắt buộc phải gửi báo cáo lên Thủ tướng để xử lý hành chính và không xem xét tặng các danh hiệu.
Khóa tài khoản Facebook của bà Phạm Thị Yến
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT cho biết, sau khi tiếp nhận yêu cầu từ phía Cục, Facebook đã tiến hành khóa tài khoản gốc của bà Phạm Thị Yến do đã phát tán các nội dung truyền bá mê tín dị đoan. Hiện tại, tài khoản gốc của bà Phạm Thị Yến đã bị khóa.
 Tài khoản Facebook của bà Phạm Thị Yến chùa Ba Vàng bị khóa. 
Trước khi bị khóa, trang Facebook của người này cũng đạt hơn 100.000 người theo dõi với lượng tương tác cao. Bà Phạm Thị Yến, 49 tuổi, quê quán tại thôn Kim Tháp, xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
Bà tự nhận là nhà hoạt động phật giáo có pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán. Năm 2009, dưới sự đồng ý của trụ trì chùa Bà Vàng, bà thành lập và làm chủ nhiệm đạo tràng từ tâm.
Trang này thường xuyên cho đăng tải các nội dung về vấn đề tâm linh, hoang đường, mang đậm tính chất mê tín dị đoan như "chuyện vong báo oán từ kiếp này sang kiếp khác, hay còn gọi là oan gia trái chủ".
Bên cạnh facebook, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã đề nghị YouTube khóa kênh của bà Phạm Thị Yến có gần 90.000 lượt theo dõi với hàng trăm video về tâm linh chỉ sau hơn 2 năm thành lập. Tuy nhiên, phía YouTube cho biết đang xem xét đề nghị này, hiện kênh YouTube của bà Phạm Thị Yến vẫn đang hoạt động.
Trước đó, cùng với trang chủ của chùa, trang cá nhân của đại đức Thích Trúc Thái Minh và bà Phạm Thị Yến cũng đã bị dừng hoạt động vì vi phạm trong hoạt động thông tin.
Loạt tính năng mới của Facebook chống lại tin giả mạo
 Ảnh minh họa.
Facebook cho biết họ sẽ sử dụng một phương pháp mới có tên Click-Gap để giảm lượng nội dung chất lượng thấp, chẳng hạn như tin tức giả, mà người dùng nhìn thấy trên News Feed.
Facebook sẽ thu thập dữ liệu và lập chỉ mục toàn bộ Internet để xác định các trang web nhận được lượng lưu lượng truy cập không cân xứng từ mạng xã hội. Sau đó, hệ thống sẽ hạ thấp sự nổi bật của bài viết từ các trang web này.
Ý tưởng này là nếu một trang web chủ yếu dựa vào các liên kết của Facebook để có được người xem và không nhận được nhiều liên kết hơn từ các phần khác của web - như Google, Reddit, Bing hoặc Yahoo - đó là một tín hiệu cho thấy trang web nội dung kém.
Cách tiếp cận này gợi nhớ đến thuật toán Google PageRank nổi tiếng mà công ty tìm kiếm trực tuyến đã sử dụng để xếp hạng kết quả khi lần đầu tiên ra mắt vào năm 1998.
Trước đó, dịch vụ mạng xã hội WhatsApp do Facebook sở hữu đang thử nghiệm một công cụ mới, giúp người dùng xác minh tính xác thực của hình ảnh.
Cũng bằng cách tận dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google, tính năng này sẽ giúp người dùng xác nhận xem hình ảnh họ nhận được qua WhatsApp là đúng hay sai.
Công cụ này hiện là một phần của phiên bản beta 2.19.73 của WhatsApp, tức là chưa có sẵn cho tất cả mọi người. Cũng chưa rõ khi nào tính năng này sẽ được triển khai đến tất cả mọi người nhưng nhìn chung nó có thể giúp thúc đẩy nỗ lực chống tin tức giả mạo của dịch vụ.
Thêm một lỗ hổng nghiêm trọng liên quan đến smartphone Xiaomi
Nếu bạn đang sử dụng điện thoại thông minh của Xiaomi như dòng Mi hoặc Redmi, bạn nên ngừng ngay lập tức sử dụng trình duyệt được tích hợp sẵn trong máy. Ngoài ra, với người dùng không xài điện thoại Xiaomi thì hãng tránh xa trình duyệt Mint của Xiaomi (có sẵn trên chợ ứng dụng Play Store) cho đến khi “bản vá” được phát hành.
 Thanh dịa chỉ trinh duyệt hiển thị sai
Nguyên nhân là vì cả hai ứng dụng trình duyệt web do Xiaomi tạo ra đều dễ bị hacker khai thác khi chưa vá lỗi. Lỗ hổng có mã CVE-2019-10875 được phát hiện bởi nhà nghiên cứu bảo mật Arif Khan cho thấy, hacker hoàn toàn có thể giả mạo thanh địa chỉ trình duyệt, điều này dẫn đến tình trạng bạn đang vào một trang web độc hại nhưng được hiển thị trên thanh địa chỉ là một trang web hoàn toàn vô hại.
Lỗi này bắt nguồn từ tham số q trên trình duyệt. Cụ thể, ví dụ một hacker “câu” được một nạn nhân mở một trang web có địa chỉ https://phishing-site.com?q=facebook.comphishing-site.com/?q=facebook.com thì trên thanh địa chỉ trình duyệt Xiaomi lại chỉ hiển thị http://facebook.com và có cả hình khoá SSL kế bên. Do thanh địa chỉ của trình duyệt web là chỉ số bảo mật quan trọng và đáng tin cậy nhất, nên lỗ hổng có thể được sử dụng để dễ dàng lừa người dùng Xiaomi nghĩ rằng họ đang truy cập một trang web đáng tin cậy trong khi lại đang ở một trang lừa đảo hoặc độc hại.
Các cuộc tấn công lừa đảo ngày nay tinh vi hơn và ngày càng khó phát hiện hơn và lỗ hổng giả mạo URL này đưa nó đến một cấp độ khác, cho phép một người bỏ qua các chỉ số cơ bản như URL và SSL, đây là điều đầu tiên người dùng kiểm tra để xác định xem trang web có phải là giả mạo.
Hiện tại lỗ hổng này vẫn tồn tại trong hai phiên bản trình duyệt mới nhất của Xiaomi bao gồm MI Browser (v10.5.6-g) và Mint Browser (v1.5.3). Một tình tiết rất bất ngờ kèm theo thông tin này đó là chỉ các thiết bị Xiaomi bản quốc tế mới gặp lỗ hổng này, trong khi đó các thiết bị Xiaomi nội địa (bán tại thị trường Trung Quốc) lại không tồn tại lỗi trên.
Hiện tại Xiaomi vẫn chưa có phản hồi gì về sự việc này. Đây là vấn đề nghiêm trọng thứ hai được tiết lộ gần đây mà các nhà nghiên cứu đã xác định trong các ứng dụng được cài đặt sẵn trên hơn 150 triệu thiết bị Android do Xiaomi sản xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần