Điểm nhấn công nghệ tuần: Sẽ có hệ thống đánh giá chỉ số phát triển ngành công nghệ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ TT&TT sẽ có hệ thống riêng đánh giá chỉ số phát triển ngành ICT; Tấn công mạng vào Việt Nam giảm mạnh; Việt Nam tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng của Liên minh Bưu chính thế giới... là nội dung chú ý tuần qua.

Bộ TT&TT sẽ có hệ thống riêng đánh giá chỉ số phát triển ngành ICT
Bộ TT&TT vừa giới thiệu Hệ thống Dashboard theo dõi và đánh giá các chỉ số phát triển ngành TT&TT. Chức năng chính của hệ thống này là theo dõi và phân tích số liệu của 6 lĩnh vực gồm Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Công nghiệp ICT và Thông tin tuyên truyền.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi giao ban của Bộ.Ảnh Mic.gov.vn
Các lĩnh vực này sẽ được phân loại tổng cộng thành khoảng 150 chỉ số phát triển trên hệ thống để theo dõi đánh giá. Đây là cách làm mới nhằm hướng tới việc sử dụng số liệu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Hệ thống do chính doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ cần dựa vào số liệu để quản lý và đề xuất chính sách đối với lĩnh vực mà mình quản lý.
Để làm được việc đó, các đơn vị trong ngành cần cung cấp dữ liệu chính xác và bổ sung thêm các chỉ số mới để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng cho quản lý của Bộ TT&TT.
Đây là yêu cầu bắt buộc, bởi nếu không có dữ liệu đúng và đủ sẽ không thể có chính sách trúng và kịp thời; Cơ quan quản lý nhà nước cùng các doanh nghiệp cần nỗ lực cùng nhau xây dựng và điều này còn giúp cho chính các doanh nghiệp có được sự hỗ trợ của ngành, cần thị trường để xây dựng và điều chỉnh định hướng chiến lược - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ TT&TT xác định sẽ tiên phong trong công tác quản lý nhà nước bằng cơ sở dữ liệu. Sau đó, Bộ TT&TT sẽ chia sẻ để các bộ đều có hệ thống riêng. Kết nối khai thác hệ thống của tất cả bộ ngành sẽ trở thành hệ thống của Chính phủ.
Việc quản lý bằng số liệu sẽ giúp Việt Nam có thể nhìn thấy các bất cập để rồi từ đó hoạch định ra chính sách. Việc có đầy đủ số liệu sẽ giúp nhìn ra vấn đề đằng sau những con số. Sau khi có đầy đủ số liệu, chúng ta thậm chí có thể mô phỏng hay sử dụng các mô hình tính toán để dự đoán tương lai.
Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, ngành ICT là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc triển khai Sand-box (thử nghiệm các công nghệ mới, dịch vụ mới…).
Do vậy, các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành có thể đề xuất thí điểm các sản phẩm dịch vụ mới thông qua Bộ TT&TT. Bộ có trách nhiệm đại diện các đơn vị đứng ra làm việc với các bộ, ngành có liên quan.
Theo định hướng phát triển Bộ TT&TT đặt mục tiêu với các ngành cụ thể.

Về Viễn thông, năm 2020 là năm Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức Hội nghị Viễn thông thế giới (Telecom World), với xu hướng tiến tới chuyển đổi số, Bộ chính thức đề nghị đổi thành Digital World. Trong quý IV/2019, Bộ cần thực hiện nhanh và triệt để các sáng kiến ASEAN (roaming một giá, Hub về an toàn thông tin, đào tạo kỹ sư ICT, phát triển 5G);
Thúc đẩy cạnh tranh, dịch vụ mới; phủ sóng 5G trường đua F1; Bật sóng IoT trên nền 4G tại Hà nội và TP Hồ Chí Minh; chuẩn bị thương mại hóa mạng 5G vào năm tới; Đấu thầu xong băng tần 2.6GHz để nâng cao chất lượng mạng 4G, thực hiện quy hoạch và đấu thầu đối với tần số 700MHZ;
Tập trung xây dựng các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ cắt sóng 2G; Nâng chỉ tiêu chuyển mạng giữ nguyên số lên 80%, đồng thời quán triệt lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm của các nhà mạng đối với việc kiên quyết xử lý tình trạng sim rác. Kiến nghị Chính phủ cho phép thử nghiệm Mobile money.
Lĩnh vực CNTT cần tập trungxây dựng kế hoạch của Bộ, của các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương về xây dựng Chính phủ điện tử và Đô thị thông minh; Bộ TT&TT sẽ làm việc với từng Bộ, từng tỉnh/TP để đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử, tháo gỡ khó khăn cho các bộ và tỉnh; tập trung chỉ đạo một số bộ, địa phương làm mẫu, nhất là về đô thị thông minh để chậm nhất tháng 3/2020 sẽ đánh giá, hướng dẫn triển khai rộng rãi. Bộ TT&TT sẽ là Bộ mẫu về Chính phủ điện tử, kết thúc trong năm 2019 .
Trong lĩnh vực An toàn thông tin, đã có nhiều tín hiệu đáng mừng như Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam thăng 50 và xếp thứ hạng 50/192 nước về An toàn thông tin. Bộ sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển về an ninh mạng để các doanh nghiệp, đơn vị cùng nghiên cứu, phát triển các giải pháp, ứng dụng mới. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu hạn cuối là tháng 11/2019 các nhà mạng phải triển khai hệ thống DPI để thực hiện nghiêm các yêu cầu về an ninh an toàn thông tin.
Về công nghiệp ICT, tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Bộ TT&TT cần họp bàn với Liên minh chuyển đổi số Việt Nam để sớm xây dựng kế hoạch nhiệm vụ. Sắp tới Bộ sẽ ký với WEF thành lập Trung tâm xây dựng chính sách phát triển các công nghệ và mô hình kinh doanh 4.0.
Với lĩnh vực Thông tin - Tuyên truyền, yêu cầu số một là phải đảm bảo sự ổn định xã hội để phát triển đất nước; kiên quyết thực hiện đúng tiến độ Quy hoạch báo chí; xử lý nghiêm tình trạng tin giả; các cơ quan báo chí phải tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội, cho người dân. Đặc biệt, sắp Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, báo chí phải tạo sự đồng thuận, niềm tin cho xã hội, tạo nên khát vọng dân tộc vì một đất nước Việt Nam hùng cường; kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước.
Tấn công mạng vào Việt Nam giảm mạnh
Thống kê từ Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho thấy, trong quý III/2019, đã ghi nhận 1.466 cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin Việt Nam, giảm 39,7% so cùng kỳ.
 Ảnh minh họa
Theo đó, trong tổng số 1.466 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam được Cục An toàn thông tin ghi nhận trong quý 3/2019, có 145 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface), 127 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware) và 1.194 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing).
Cục An toàn thông tin trước đó cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam được ghi nhận là 3.159 cuộc, giảm 2.684 cuộc, tương đương 45,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Có được kết quả trên, theo đánh giá của các chuyên gia, là do thời gian qua, nhiều giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng đã được quyết liệt triển khai.
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng tại Việt Nam, ngày 7/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 14 yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng tổng thể để khắc phục các tồn tại, hạn chế nhằm tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng, góp phần cải thiện hơn nữa chỉ số xếp hạng của Việt Nam trong báo cáo chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu (Global Cybersecurity Index - GCI).
Thời gian qua, cùng với định hướng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng, Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện xếp hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam với mục tiêu tăng 20 bậc về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu GCI.
Tuy nhiên, theo kết quả GCI 2018 được Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU chính thức thông qua hồi trung tuần tháng 8/2019, chỉ số An toàn thông tin toàn cầu của Việt Nam đã vượt 30 hạng so với mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể, theo xếp hạng của ITU, Việt Nam xếp thứ hạng 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia (so với năm 2017 là 100), được xếp vào nhóm I trên 3 nhóm (là nhóm có độ cam kết cao đối với 5 trụ cột của GCI, xếp hạng từ 1 đến 51). Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 11/38.
Mới đây, Chương trình “Đánh giá bảo mật website miễn phí” dành cho tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động tại thị trường Việt Nam vừa được Công ty VSEC công bố triển khai từ hôm nay, ngày 15/10/2019. Đây là một trong chuỗi các hoạt động thuộc kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực an toàn thông tin mạng.
Theo đó, bằng công nghệ rà soát bảo mật và giám sát website toàn diện, VSEC sẽ tiến hành rà soát website cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình để phát hiện lỗ hổng bảo mật tiềm ẩn nguy cơ bị tấn công, từ đó các chuyên gia VSEC sẽ đưa ra các cảnh báo về nguy cơ tấn công website và đề xuất giải pháp.

Bên cạnh đó, các chuyên gia VSEC cũng sẽ có chia sẻ và hướng dẫn các kỹ năng cần thiết về bảo mật và bảo vệ website dựa trên tình hình thực tế của từng doanh nghiệp.
Việt Nam tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng của Liên minh Bưu chính thế giới
Nhân Ngày Bưu chính thế giới 9/10, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) vừa chính thức công bố Bảng xếp hạng Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD). Trong đó, Việt Nam xếp hạng thứ 45/172 nước, tăng 5 bậc về thứ hạng và tăng 0.06 điểm về điểm số so với năm 2018.
 Ảnh minh họa
2IPD là Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (Integrated Index for Postal Development) do UPU đưa ra nhằm đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động bưu chính của các quốc gia.
Chỉ số này được xác định dựa trên 4 tiêu chí đánh giá chính, gồm: Độ tin cậy, khả năng tiếp cận, tính phù hợp và khả năng phục hồi. Trong mỗi tiêu chí chính lại có nhiều tiêu chí phụ.
Việc tính toán điểm số 2IPD dựa trên ba loại dữ liệu chính của UPU: Dữ liệu lớn (big data) về bưu chính (với trên 22.9 tỷ bản ghi), số liệu thống kê (với trên 100 chỉ tiêu) và khảo sát của UPU.
Mặc dù mới công bố kết quả đánh giá được 3 kỳ (năm 2016, 2018 và 2019) nhưng 2IPD đã được đông đảo các nước thừa nhận như một chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh và hoạt động hiệu quả của ngành bưu chính mỗi nước. 2IPD đã được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia bưu chính, các nhà nghiên cứu sử dụng trong việc đánh giá và so sánh sự phát triển của bưu chính.
Tính đến nay, UPU đã có 3 lần công bố kết quả chỉ số 2IDP vào các năm 2016, 2018, 2019.
Theo báo cáo Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2019 do Liên minh Bưu chính Thế giới công bố, 5 nước có chỉ số 2IDP cao nhất là Thụy Sĩ, Hà Lan, Nhật Bản, Đức và Pháp.
Bảng xếp hạng Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD) 2019 được đăng tải công khai trên website của UPU.

Việt Nam đạt số điểm 51,79, xếp hạng thứ 45/172 nước, tăng 5 bậc về thứ hạng và tăng 0,06 điểm về điểm số so với năm 2018 (năm 2018 Việt Nam đạt 51,73 điểm, xếp hạng 50/172 nước).
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 4 sau Singapore (hạng 18/172), Thái Lan (hạng 29/172), Malaysia (hạng 33/172).
Singapore là nước phát triển có thu nhập cao và luôn nằm trong top những nước đứng đầu thế giới về xếp hạng 2IPD, trong khi đó Thái Lan và Malaysia là nước xếp thứ 2 và thứ 3 trong nhóm nước có thu nhập trung bình cao.
Điểm đáng chú ý là trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam được tăng về điểm số và thứ hạng, các nước còn lại đều giảm điểm số và thứ hạng so với năm 2018.
Các số liệu phục vụ cho Bảng xếp hạng lần này là những số liệu của năm 2018. Thực tế trong năm qua, lĩnh vực bưu chính của Việt Nam đã có sự phát triển rất tích cực.
Đáng chú ý là chất lượng dịch vụ bưu chính đã tăng trưởng trong bối cảnh các doanh nghiệp bưu chính đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và đa dạng hóa dịch vụ. Bưu điện Việt Nam đã đạt giải Vàng về chất lượng năm 2019.
Đặc biệt, bưu chính đã trở thành “cánh tay nối dài”, “bộ mặt của chính quyền”, qua đó góp phần đẩy mạnh hiệu quả của hoạt động hành chính công, hoat động cải cách hành chính của các cơ quan nhà nước.
Các nhà mạng Việt có thể kiếm 300 triệu USD từ 5G
Một nghiên cứu về thị trường 5G tại khu vực Đông Nam Á chỉ ra rằng, việc triển khai các dịch vụ 5G có thể gia tăng doanh thu của các nhà mạng tại Việt Nam lên hơn 300 triệu USD mỗi năm kể từ 2025.
 Ảnh minh họa
Cùng với Singapore, Việt Nam là quốc gia triển khai mạng 5G sớm nhất trong khu vực ASEAN. Theo ông Naveen Menon, Chủ tịch Tập đoàn Cisco khu vực ASEAN, Singapore sẽ triển khai mạng 5G từ năm 2020, trong khi đó, Việt Nam dự kiến sẽ vào năm 2021.
Bản báo cáo “5G tại Đông Nam Á: Tái khởi động tăng trưởng tại các thị trường doanh nghiệp và tiêu dùng” vừa được Cisco công bố vào chiều nay, 17/10 cũng chỉ ra rằng giai đoạn tăng trưởng ban đầu của việc áp dụng 5G dự kiến sẽ đến từ các khách hàng cao cấp và các thiết bị giá trị cao, và sau đó số lượng thuê bao sẽ bắt đầu tăng lên nhanh chóng cùng việc các thiết bị này trở nên phổ biến hơn.
Bản nghiên cứu được thực hiện bởi Hãng tư vấn quản lý A.T. Kearney chỉ ra rằng: So với 4G, 5G mang đến tốc độ nhanh gấp 50 lần, trả lời nhanh hơn 10 lần và yêu cầu mức tiêu thụ năng lượng cho kết nối mạng thấp hơn nhiều.
Tốc độ, độ trễ thấp và kết nối chất lượng được nâng cao sẽ giúp các công ty khai thác viễn thông cung cấp kết nối Internet siêu nhanh, cho phép truyền phát video với độ phân giải cao, dịch vụ giải trí được cung cấp trên điện toán đám mây và đem các dịch vụ có nội dung tương tác dựa trên ứng dụng thực tế ảo/ tăng cường (AR/VR) tới người tiêu dùng.
Các tính năng này cũng giúp nhanh chóng thương mại hóa các mô hình dịch vụ và ứng dụng mới của mạng 5G ( 5G use case) bao gồm các ứng dụng cho thành phố thông minh, Công nghiệp 4.0, các ứng dụng của IoT với quy mô to lớn, và hơn thế nữa. Các nhà khai thác viễn thông vì thế có khả năng gia tăng doanh thu từ cả người tiêu dùng lẻ lẫn khách hàng doanh nghiệp.
Ông Naveen Menon cho biết: “Việc ứng dụng triển khai dịch vụ 5G đang ở thời điểm chín muồi đối với các nhà khai thác viễn thông. Tỉ lệ sử dụng dữ liệu di động đang tăng nhanh chóng khi người dùng tiêu thụ ngày càng nhiều dịch vụ và nội dung trên thiết bị cá nhân của họ. Đồng thời, các doanh nghiệp đang tìm cách tận dụng CMCN lần thứ 4 với các công nghệ AI, IoT, in 3D, rô-bốt và thiết bị đeo tân tiến, để thúc đẩy tăng trưởng.
Việc áp dụng thành công các công nghệ nêu trên chủ yếu phụ thuộc lớn vào nền tảng và khả năng kết nối của mạng viễn thông. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nhà khai thác viễn thông tăng cường sự hiện diện của họ trên thị trường doanh nghiệp và duy trì sự tăng trưởng dài hạn trong mảng khách hàng này.”
Dẫn số liệu cụ thể từ bản báo cáo nói trên, đại diện Cisco cho biết: "Việc triển khai các dịch vụ 5G có thể giúp gia tăng doanh thu hàng năm của các công ty khai thác viễn thông Việt Nam lên đến hơn 300 triệu USD bắt đầu từ năm 2025".
Theo dự báo nêu ra, đến năm 2025, tỷ lệ phổ cập của mạng 5G sẽ ở mức 25 - 40% tại các quốc gia chính trong khu vực đồng thời đưa tổng số thuê bao 5G tại khu vực ASEAN được dự báo vượt mức 200 triệu vào năm 2025. Trong đó, tỉ lệ sở hữu thuê bao 5G tại Việt Nam chiếm khoảng trên 6%.
Dù vậy, các chuyên gia cũng dự báo rằng, khi các nhà khai thác viễn thông sẵn sàng triển khai dịch vụ 5G sẽ phải có khả năng đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng 5G của khu vực vào năm 2025. Trong đó, số vốn tư vào 5G tại Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 vào khoảng 1,5 - 2,5 tỷ USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần