Điểm nhấn công nghệ tuần: Thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng; Nhiều quan điểm về Luật hóa việc đặt máy chủ ở Việt Nam; Cáp quang AAG sẽ khôi phục 100% lưu lượng vào 20/1... là điểm nhấn chú ý tuần qua.

Thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng
Thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng.

Chiều 8/1, tại Hà Nội, thực hiện Quyết định số 1198/QĐ-TTg ngày 15/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự buổi lễ cũng lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ quan, đơn vị Quân đội.

Sau khi công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao Quân kỳ Quyết thắng cho Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển của internet trên tất cả các lĩnh vực, không gian mạng đã và đang trở thành vùng lãnh thổ mới có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của mỗi quốc gia.

Trong chiến tranh hiện đại, không gian mạng được coi là môi trường tác chiến thứ 5 gắn kết chặt chẽ với tác chiến trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian vũ trụ. Tác chiến không gian mạng đã trở thành một phương thức tác chiến cơ bản giữ vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tranh có áp dụng các vũ khí công nghệ cao.

Hiện nay, nhiều nước đã thành lập lực lượng tác chiến không gian mạng để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trong giai đoạn hiện nay, trước tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông diễn biến phức tạp, tiềm ẩn mất ổn định, khó lường, việc bảo vệ không gian mạng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia được Đảng, Nhà nước ta xác định rõ và quan tâm chỉ đạo từ sớm. Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta đã đề cao trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, nhận định nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng, mất an ninh thông tin ngày càng tăng và đặt ra mục tiêu phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả chiến tranh mạng.

Nhấn mạnh lực lượng tác chiến không gian mạng được quan tâm đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, Thủ tướng đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự quốc phòng nói chung và nhiệm vụ tác chiến không gian mạng nói riêng.

Phát huy vai trò tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo công tác, hoạt động tác chiến không gian mạng đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời sớm nghiên cứu, dự báo chiến lược chiến tranh mạng. Đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách, kế hoạch việc tổ chức hoạt động tác chiến trên không gian mạng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Bộ Tư lệnh và lực lượng tác chiến không gian mạng thực sự trung thành, kỷ luật, trí tuệ, nhạy bén, hiệu quả để đủ sức mạnh chiến đấu và chiến thắng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Biên chế phải tinh gọn, trang bị vũ khí phải đồng bộ, hiện đại nhất. Thường xuyên nắm chắc tình hình, tham mưu đề xuất xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Phối hợp chặt chẽ với các quân, binh chủng trong quân đội, các lực lượng liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo vệ hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng và tham gia bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và nghệ thuật quân sự vào thực hiện hoạt động tác chiến trên không gian mạng. Tích cực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng những thành tựu tiên tiến, mới nhất của thế giới về công nghệ thông tin, về vũ khí công nghệ cao; chủ động, có kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào tác chiến không gian mạng...

“Tôi yêu cầu các đồng chí khẩn trương xây dựng các đề án nâng cao tiềm lực tác chiến không gian mạng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để sớm triển khai”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiều quan điểm về Luật hóa việc đặt máy chủ ở Việt Nam

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh yêu cầu đặt máy chủ tại Việt Nam là nội dung nhạy cảm.

Chiều 10/1, tại Phiên họp thứ 20, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về một số nội dung, trong đó có những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật An ninh mạng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần thiết ban hành Luật An ninh mạng để bảo vệ an toàn an ninh mạng quốc gia. Để phù hợp với Hiến pháp, cần tiếp tục rà soát lại, nhất là quyền tiếp cận thông tin của người dân và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Về quản lý an ninh mạng đối với các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam, vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về việc có cần quy định các DN nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, hiện có 2 vấn đề tranh cãi. Các DN nước ngoài không muốn đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam vì tâm lý họ sợ thuế và rườm rà về thủ tục.

Trong khi đó, cơ quan an ninh cho rằng, nếu không đặt máy chủ ở Việt Nam thì khó quản lý, lo ngại về vấn đề an ninh. Lo ngại của cơ quan an ninh là chính đáng vì liên quan đến an ninh của quốc gia. Hiện đã có 14 nước đặt máy chủ tại Việt Nam, tổng sử dụng mạng tại Việt Nam có 40% đã đặt máy chủ nhưng họ không khai báo vì sợ nộp thuế.

Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, đặt máy chủ ở Việt Nam bản chất là quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trong quá trình sử dụng. “Máy chủ hay không không quan trọng mà quan trọng là phải biết thông tin người sử dụng, khi có vấn đề còn quản lý thông tin người Việt Nam sử dụng”- Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, phải có quy định làm thế nào để nhà mạng phải lưu trữ thông tin theo quy định. Đến khi có vi phạm thì cơ quan điều tra có thể trích xuất để xử lý. Nếu không thì khó xử lý. Cho nên “gốc” vẫn là vẫn phải có lưu vết thông tin để có căn cứ xử lý.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương, nếu đặt máy chủ ở nước ngoài thì khó kiểm soát cho nên về mặt kỹ thuật cần kiểm soát thông tin. Nếu thông tin từ Việt Nam đi ra thì phải kiểm soát chứ để ở nước ngoài thì rất khó quản lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam chỉnh lý như Dự án Luật là hợp lý. Tuy nhiên hiện còn nhiều ý kiến đề nghị làm rõ, nên cần nghiên cứu tiếp thu, lấy thêm ý kiến rộng rãi để mang tính khả thi cao, tránh bất lợi liên quan đến những điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Cáp quang AAG sẽ khôi phục 100% lưu lượng vào 20/1

Cáp quang AAG sẽ khôi phục 100% lưu lượng vào 20/1. Ảnh minh họa

Mới đây đại diện VNPT cho biết, theo đúng kế hoạch, những ngày vừa qua, đối tác quốc tế đã tiến hành cấu hình nguồn trên tuyến cáp quang biển AAG và đến 23h16 ngày 8/1/2018, đã khôi phục được 90% dung lượng kênh truyền trên tuyến cáp này.

Tuy nhiên, đại diện VNPT cũng cho hay, thời gian hoàn thành cấu hình lại hệ thống cáp AAG bị lùi hơn so với kế hoạch trước đó, dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 20/1/2018. Khi đó, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp quang biển này sẽ được khôi phục hoàn toàn.

Được biết, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đã được các đối tác quốc tế thông báo, từ 0h ngày 6/1 đến 22h00 ngày 7/1/2018, hệ thống cáp quang biển quốc tế APG tiến hành di chuyển cáp tại Singapore phục vụ việc mở rộng sân bay Changi của Chính phủ Singapore. Vào dịp này, sự cố xảy ra ngày 23/11/2017 trên cáp nhánh hướng kết nối từ Việt Nam đi Singapore của tuyến APG cũng được xử lý.

Cụ thể, tuyến cáp quang biển APG đã hoàn thành việc dịch chuyển, khắc phục sự cố sớm hơn so với dự kiến. Đến 15h45 ngày 6/1/2018, đối tác quốc tế đã hoàn thiện và khôi phục 100% dung lượng trên tuyến cáp biển này.

Như vậy, tổng thời gian thực hiện dịch chuyển cáp phục vụ mở rộng sân bay Changi (Singapore) chỉ mất hơn 15 giờ, thay vì 2 ngày như kế hoạch đã được đối tác công bố.

AAG là tên viết tắt của Asia - America Gateway, hệ thống cáp quang biển dài 20.000km, kết nối khu vực Đông Nam Á với tuyến cáp của Mỹ thông qua khu vực đảo Guam và Hawaii. Tại Việt Nam, các ISP như FPT Telecom, Viettel, VNPT, VDC, SPT đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế, bên cạnh nhiều tuyến dự phòng khác.

Tính đến 2016, hơn 60% Internet quốc tế của Việt Nam đều đi qua AAG. Ngoài Việt Nam, tuyến cáp quang AAG cũng rẽ nhánh vào Philippines, Brunei, Malaysia...

HP thu hồi hơn 52.000 pin laptop có nguy cơ cháy nổ
HP thu hồi hơn 52.000 pin laptop có nguy cơ cháy nổ. Ảnh minh họa

HP đã công bố chương trình thu hồi và khôi phục an toàn trên phạm vi toàn thế giới với khoảng 52.600 pin máy tính xách tay, những linh kiện "có khả năng bị làm nóng quá mức, gây cháy nổ và hỏa hoạn cho khách hàng".

Việc thu hồi này ảnh hưởng đến pin của những dòng máy tính xách tay như HP Probook, x360, Envy, Pavilion và HP 11 cùng một số máy trạm di động HP ZBook được bán trên toàn thế giới từ tháng 12/2015 đến tháng 12/2017.

Ngoài ra, sản phẩm pin lỗi còn là phụ kiện bán riêng hoặc được HP thay thế khi sửa chữa, bảo hành máy tính. Thông báo của HP nêu rõ, toàn bộ pin lỗi sẽ được thay thế miễn phí.

HP cho biết, không phải tất cả pin của laptop HP ProBook 64x và 65x, HP x360 310 G2, HP Envy, HP Pavilion x360, HP 11 và máy trạm di động HP Zbook đều có hiện tượng quá nhiệt.

Người dùng có thể tải về công cụ HP Battery Validation Utility để xác định xem pin của máy có bị ảnh hưởng hay không.

Ngoài ra, hãng máy tính của Mỹ cũng khuyến nghị người dùng nên chạy laptop và máy trạm ở chế độ Battery Safety Mode. HP sẽ phát hành bản cập nhật BIOS để máy tính có thể chạy ở chế độ an toàn này.

Cũng theo HP, chiến dịch thu hồi sản phẩm trên được triển khai ngay khi hãng được thông báo một trong số đối tác cung cấp pin gặp sự cố về chất lượng. Các sản phẩm HP bị thu hồi chỉ chiếm 0,1% toàn bộ sản phẩm bán ra 2 năm qua.

Cách đây đúng một năm, HP cũng thu hồi pin trên quy mô lớn. Khi đó, 101.000 viên pin lithium-ion dùng cho laptop HP đã được thu hồi thay thế.

HP cũng cho biết, nhiều loại pin thuộc dạng khách hàng không thể tự thay thế được. Vì vậy, người dùng cần phải mang máy đến một trung tâm hoặc kỹ thuật viên được ủy quyền để được đổi pin miễn phí.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần