Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: Thủ tướng Phê duyệt Chương trình mục tiêu CNTT

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Phê duyệt Chương trình mục tiêu CNTT; Bộ TT&TT tăng cường kiểm tra, xử lý thông tin sai sự thật trên mạng; doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng chống nghẽn mạng dịp Tết... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng Phê duyệt Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin
Thủ tướng Phê duyệt Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin. Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2 đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020 nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2016 - 2020 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt mục tiêu tổng quát của chương trình nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thống nhất từ trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin quốc gia và xác thực điện tử; phát triển ngành công nghiệp CNTT thông qua việc phát triển các khu CNTT trọng điểm, các sản phẩm CNTT trọng điểm.
Mục tiêu đến năm 2020, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung; đáp ứng kết nối trên 50% các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia. 30% hồ sơ thủ tục hành chính của các địa phương được xử lý trực tuyến tại mức độ 4.
Trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng; hoàn thành xây dựng hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương để kết nối các hệ thống dịch vụ của các bộ, ngành, địa phương đã sẵn sàng.
Trên 80% hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên của các địa phương được áp dụng phương án bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế. 100% dịch vụ công cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung và tối thiểu 50% cổng thông tin điện tử của các tỉnh, TP trực thuộc trung ương được giám sát an toàn thông tin mạng, trong đó ưu tiên cho các tỉnh ở địa bàn khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách;
Hỗ trợ xây dựng 7 khu CNTT tập trung thuộc Quyết định số 392/2015/QĐ-TTg ngày 27/3/ 2015 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển tối thiểu 3 sản phẩm phần cứng điện tử thuộc lĩnh vực vi mạch, chíp bán dẫn; 6 sản phẩm nền tảng dùng trong cơ quan Nhà nước và xã hội; 1 sản phẩm nội dung số phục vụ cơ quan Nhà nước.
Cũng theo nội dung Chương trình mục tiêu CNTT, quy mô của Chương trình gồm đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT tuân thủ khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc Chính phủ điện tử cấp tỉnh, đảm bảo an toàn, bảo mật, kết nối liên thông giữa các địa phương và trung ương với các hệ thống thông tin dùng chung cấp quốc gia; xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng kỹ thuật hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương tạo cơ sở ứng dụng CNTT trong nội bộ, phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.
Bộ TT&TT tăng cường kiểm tra, xử lý thông tin sai sự thật trên mạng
Bộ TT&TT tăng cường kiểm tra, xử lý thông tin sai sự thật trên mạng
Tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT diễn ra ngày 5/2/2018, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử khẩn trương nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ thu thập, phân tích và quản lý thông tin vi phạm; công cụ phân tích, xếp hạng các website theo lượng truy cập để làm cơ sở xây dựng triển khai chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên Internet.
Bên cạnh đó, Cục cần sớm trình giải pháp ưu tiên phát triển hệ sinh thái nội dung số trong nước lớn mạnh và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xây dựng các dịch vụ nền tảng như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, thương mại điện tử, đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội… Trong tháng 2/2018, Cục trình lãnh đạo Bộ xem xét.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ phải tăng cường theo dõi kiểm tra, giám sát việc cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, có biện pháp xử lý thông tin không phù hợp với pháp luật Việt Nam được đăng bởi các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, phối hợp các Bộ, ngành xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trên mạng xã hội.
Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp lớn cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google để tìm giải pháp xử lý tình trạng đưa thông tin sai sự thật, gây phương hại đến an ninh quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm đời tư…
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ phải tăng cường theo dõi kiểm tra xử lý các sai phạm của thông tin trên mạng, xử lý nghiêm vi phạm của các trang mạng xã hội. Theo dõi, xử lý nghiêm các cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật, tiếp tục phối hợp để giám sát hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.
Doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng chống nghẽn mạng dịp Tết
 Doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng chống nghẽn mạng dịp Tết
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo các đơn vị Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam và các doanh nghiệp viễn thông nỗ lực đảm bảo thông tin liên lạc an toàn, thông suốt trong dịp Tết Mậu Tuất 2018.
Đại diện MobiFone cho biết, đã hoàn tất các công tác chuẩn bị về kỹ thuật mạng lưới chăm sóc khách hàng, nhằm nâng cao năng lực mạng lưới, tối ưu hóa các tổng đài, lên kế hoạch chi tiết nhân sự cán bộ kỹ thuật trực Tết và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng lớn của khách hàng trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018.
MobiFone cũng cho biết, các đơn vị kỹ thuật của MobiFone đã tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống công trình nhà trạm, đường dây thông tin đảm bảo quy chuẩn, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, nguồn điện dự phòng, chủ động, sẵn sàng xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
ại diện VinaPhone cho biết, nhà mạng này đã sẵn sàng các phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong dịp Tết Nguyên Đán. VinaPhone đã huy động mọi nguồn lực chuẩn bị chu đáo các công tác kinh doanh, kỹ thuật sẵn sàng đảm bảo an toàn lưu thoát thông tin phục vụ khách hàng.
Cụ thể, ngay từ thời điểm này VinaPhone đã khẩn trương thực hiện các dự án mở rộng mạng và các kế hoạch đã xây dựng để nâng cấp, đấu nối tăng cường năng lực mạng phục vụ Tết Nguyên đán năm nay.
VinaPhone cũng đã chủ động thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác đảm bảo an toàn mạng lưới, an ninh thông tin và phòng chống cháy nổ. Kiểm tra, rà soát mạng lưới và có các biện pháp xử lý phòng ngừa đảm bảo an toàn thông tin phục vụ lưu thoát lưu lượng trong kỳ nghỉ. Sẵn sàng triển khai đáp ứng kịp thời các yêu cầu thông tin khẩn cấp, thông tin đột xuất khi có yêu cầu.
Theo đại diện từ Viettel, vào dịp trước, trong và sau Tết, trên cả nước có rất nhiều lễ hội, sự kiện tập trung đông người. Theo thống kê, năm nay có khoảng 125 sự kiện quy mô lớn, tập trung trên 10.000 người tham dự. Sau một năm tạm dừng, Tết Nguyên đán năm nay lại có bắn pháo hoa rầm rộ với gần 300 điểm trên toàn quốc.
Do đó, Viettel đã triển khai nhiều giải pháp như phát sóng trạm mới, bổ sung tài nguyên, nâng cấp dung lượng, chuẩn bị hàng trăm xe thu, phát sóng lưu động,... Mỗi chiếc xe này có năng lực phục vụ tương đương với 4 trạm thu phát sóng thông thường. Bên cạnh đó, gần 220 bộ phát wifi cũng được lắp đặt tăng cường tại các điểm trọng yếu, đông người như khu trung tâm, nhà ga, bến xe,…
Ngoài ra, các nhà mạng lớn đều cho biết đã lên kế hoạch bố trí nhân lực (giao dịch viên, nhân viên kinh doanh, điện thoại viên) tại bộ phận giao dịch, tiếp xúc khách hàng, giải đáp khách hàng, thực hiện chăm sóc hỗ trợ hệ thống điểm bán lẻ/cộng tác viên để phục vụ khách hàng trong dịp nghỉ Tết. Tổng đài của các nhà mạng luôn sẵn sàng kịp thời giải đáp mọi thắc mắc và hỗ trợ khách hàng khi cần.
Mobifone thoái hết vốn tại SeABank. 

 Mobifone thoái hết vốn tại SeABank. 
Tổng công ty Viễn thông Mobifone ngày 9/2 đã bán đấu giá thành công hơn 33,4 triệu cổ phần tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) với mức giá bình quân 9.978 đồng/cổ phần.

Đã có 48 nhà đầu tư mua thành công hơn 33,4 triệu cổ phần SeaBank của Mobifone; trong đó, có 6 tổ chức và 42 cá nhân. Mức đấu giá thành công cổ phần SeaBank dao động từ 9.700 đồng/cổ phần đến 13.800 đồng/cổ phần. Sau chào bán, Mobifone thu về tổng cộng gần 334 tỷ đồng.

Được biết, trong đợt bán đấu giá này có 54 nhà đầu tư đã đăng ký tham gia mua cổ phần SeaBank bao gồm 6 nhà đầu tư tổ chức và 48 nhà đầu tư cá nhân. Tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua lên đến hơn 69,8 triệu cổ phần, gấp đôi số cổ phần chào bán là 33,4 triệu cổ phần.

Kết thúc phiên đấu giá, Mobifone đã bán thành công 33.422.937 cổ phần SeaBank, thu về hơn 333,49 tỷ đồng. Giá đấu thành công cao nhất là 13.800 đồng/CP và không có nhà đầu tư nước ngoài nào trúng đấu giá.

Trước đó, Mobifone đã rao bán toàn bộ hơn 33,4 triệu cổ phần SeaBank, tương ứng 6,11% vốn điều lệ tại đây, với giá khởi điểm 9,600 đồng/cổ phần.

liên quan đến kế hoạch bán cổ phần, Mobifone đã quyết định đưa ra hơn 5,5 cổ phần TPBank để đấu giá với giá khởi điểm 12.800 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, đến ngày 17/2 thì Mobifone đã tạm dừng đợt đấu giá này để làm rõ tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại TP Bank.