Điểm nhấn công nghệ tuần: Thủ tướng yêu cầu giám sát chặt việc xử lý Facebook cung cấp bản đồ sai lệch

Ha Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng yêu cầu giám sát chặt việc xử lý Facebook cung cấp bản đồ sai lệch; Tốc độ Internet trung bình của Việt Nam đứng thứ 75 thế giới; Hà Nội có 4 công trình đoạt giải Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2017... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng yêu cầu giám sát chặt việc xử lý Facebook cung cấp bản đồ sai lệch

Về việc Facebook cung cấp bản đồ sai lệch về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc xử lý của Facebook, kiên quyết không để xảy ra các trường hợp tương tự.

Trước đó, việc Facebook để Trường Sa, Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc đã làm bức xúc trong dư luận. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã yêu cầu Facebook xử lý việc mạng xã hội này xác định Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Mới đây, người phát ngôn Facebook cho biết, họ đã điều tra và phát hiện đây là lỗi kỹ thuật. Họ đã sửa lỗi và đang triển khai bản cập nhật trên toàn cầu.

Tốc độ Internet trung bình của Việt Nam đứng thứ 75 thế giới

Tốc độ Internet trung bình của Việt Nam xếp thứ 75 trên thế giới đạt 6,72 Mb/giây, tăng 23% so với 5,46 Mb/giây của cùng kỳ. Dữ liệu nhận được từ M-Lab, một tổ chức nghiên cứu được thành lập dựa trên sự hợp tác giữa Google, đại học Princeton và viện khoa học công nghệ mở (Open Technology Institute) dựng nên một bức tranh tổng quan về sự phát triển internet hiện nay trên toàn cầu.
 

Theo đó, tốc độ Internet trung bình toàn cầu đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 7,4 Mb/giây lên 9,1 Mb/giây. Nghiên cứu được thực hiện từ ngày 30/5/2017 đến ngày 29/5/2018, với hơn 163 triệu thử nghiệm trên toàn cầu.

Bảng xếp hạng các quốc gia dựa trên tốc độ internet cũng có một số thay đổi đáng chú ý. Mỹ là quốc gia thành công trong việc leo lên top 20 nước có tốc độ internet nhanh nhất hiện nay (trước đó Mỹ ở vị trí thứ 21).

Tốc độ internet của Mỹ đã tăng từ 20Mbps lên 26Mbps trong thời gian trên, vượt xa so với mức 23% trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các quốc gia đầu bảng xếp hạng khác cũng có sự cải tiếng đáng kể về tốc độ internet, như Singapore tăng từ 55Mbps lên 60Mbps (xếp thứ nhất), Đan Mạch tăng từ 33Mbps lên 43Mbps (vị trí thứ 3).

Châu Âu, Hoa Kỳ và các trung tâm kinh tế lớn của châu Á - Thái Bình Dương (Singapore, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông) đang dẫn đầu thế giới về khả năng cung cấp băng thông rộng nhanh và đáng tin cậy.

Mặc dù vậy, vẫn có một số quốc gia đi xuống, như Trung Quốc đứng thứ 141 (năm ngoái đứng thứ 134), với tốc độ chỉ còn 2,4 Mb/giây. Các nước như Syria hay Somalia thậm chí ở dưới mức 1 Mb/giây.

Theo xếp hạng, tốc độ Internet trung bình của Việt Nam được cải thiện rõ rệt khi xếp thứ 75 trên bảng xếp hạng, đạt 6,72 Mb/giây, tăng 23% so với 5,46 Mb/giây của cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ này cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á như Lào (thứ 98, tốc độ 4,29 Mb/giây), Cambodia (thứ 103, tốc độ 4,1 Mb/giây) hay Indonesia (thứ 83, tốc độ 5,77 Mb/giây) nhưng thấp hơn Thái Lan (thứ 40, tốc độ 17,6 Mb/giây) hay Malaysia (thứ 48, tốc độ 13,3 Mb/giây).

Hà Nội: 4 công trình đoạt giải Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2017
Sáng 13/7, Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam TP Hà Nội đã tổng kết Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam TP Hà Nội năm 2017 và phát động Giải thưởng năm 2018.
 

Theo đó, năm 2017, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã tổ chức các hội đồng khoa học nghiệm thu, đánh giá và tư vấn và nhất trí gửi 5 công trình dự thi vào cuối tháng 10/2016 gồm: 2 công trình thuộc lĩnh vực Công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; 1 công trình thuộc lĩnh vực Cơ khí tự động hóa; 1 công trình thuộc lĩnh vực công nghệ vật liệu và 1 công trình thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống.

Kết quả, Hội đồng chuyên môn của Ban Tổ chức giải thưởng KHCN Việt Nam đã chấm và thống nhất trao giải cho 4 công trình của TP Hà Nội gửi lên gồm: 1 giải Nhì và 3 giải Ba.

Giải nhì dành cho Công trình “Quy trình và hệ thống thiết bị sấy rác sử dụng thiết bị thu hồi nhiệt có khối vật liệu thu hồi nhiệt không chuyển động và phương pháp sắp xếp khối vật liệu” của tác giả Nguyễn Phúc Thành và cộng sự (Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long). 3 giải Ba bao gồm: Công trình “Nghiên cứu, thiết kết, chế tạo máy về chỏm cầu trung nghĩa-MCV20X5000” của tác giả Thân Đức Ngân và cộng sự (Công ty TNHH Cơ khí thực phẩm Trung Nghĩa). Công trình “Máy lọc nước mặt thành nước ngọt đáp ứng nhu cầu cuộc sống người dân vùng xâm nhập mặn đồng bằng sông cửu long, ngư dân tàu cá, các đảo ven bờ và quận đảo Trường Sa” của tác giả Trần Vũ Thành và cộng sự (Câu lạc bộ Trí thức trẻ Hà Nội - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội).

Công trình “Công nghê chế tạo và ứng dụng lồi cầu và thân xương hàm dưới bằng vật liệu y sinh PEEK” của tác giả Bùi Công Khê và cộng sự (Trung tâm vật liệu mới - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội).

Cũng tại hội nghị, Giám đốc Sở KHCN TP Hà Nội Lê Ngọc Anh đã phát động Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ TP Hà Nội năm 2018. Giải thưởng tập trung vào 6 lĩnh vực sau: Cơ khí và tự động hoá; Công nghệ thông tin, Điện tử và Viễn thông; Công nghệ Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ vật liệu; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ năng lượng.

Thời gian hạn cuối gửi hồ sơ và sản phẩm dự thi về ban tổ chức trước ngày 10/10/2018.

Tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đứng thứ 4 châu Á

Theo báo cáo của Bộ TT&TT tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2018, hiện công tác quản lý, khai thác, vận hành và duy trì hoạt động của hệ thống mạng dịch vụ DNS và hệ thống kỹ thuật quản lý, cấp phát tài nguyên đã được thực hiện hiệu quả.
 
Hệ thống DNS, hệ thống trạm trung chuyển Internet trong nước VNIX, hệ thống quản lý cấp phát tài nguyên Internet... đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định, an toàn và hiệu quả, không xảy ra sự cố nghiêm trọng nào, sẵn sàng phục vụ phân giải truy vấn tên miền ”.vn” trên cả 2 nền tảng IPv4/IPv6.
Hiện tổng số tên miền không dấu “.vn” duy trì trên hệ thống là 444.862.
Tổng số tên miền tiếng Việt đang duy trì trên hệ thống là 9.931. Đến nay, có 15.927.808 địa chỉ IPv4, có 72 khối/48 và 48 khối/32 địa chỉ IPv6.
Tính đến hết ngày 31/5/2018, VNNIC đã cấp phát 218 số hiệu mạng (ASN) cho các thành viên địa chỉ và đang được sử dụng tại Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt về mức độ ứng dụng triển khai IPv6. Tính đến đầu tháng 6/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt 15% đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 4 khu vực Châu Á sau Ấn Độ, Nhật Bản và Malaysia (công bố bởi Tổ chức quản lý địa chỉ IP khu vực châu Á - Thái Bình Dương - APNIC) với hơn 7.600.000 người sử dụng IPv6.
Hiện nay, số nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam là 48, với 168.973 tên miền quốc tế đã được thông báo trên trang web thongbaotenmien.vn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần