Điểm nhấn công nghệ tuần: Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn về ứng dụng CNTT

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn về ứng dụng CNTT, Mobifone có tân Chủ tịch, tắt sóng truyền hình analog tại 15 tỉnh... là điểm nhấn chú ý tuần qua.

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn về ứng dụng CNTT
 
Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới Bộ trưởng Bộ TT&TT về việc tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội (KTXH) năm 2017.
Công văn nêu rõ, để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH năm 2017 đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ TT&TT tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực phụ trách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị 24 ngày 2/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 (Chỉ thị 24).
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu Bộ TT&TT tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển lĩnh vực viễn thông, CNTT; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp truyền thông, các nhà mạng và trong ứng dụng CNTT, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp; bảo đảm đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực liên quan theo kịch bản đề ra.
Đồng thời, có kế hoạch, giải pháp cụ thể cùng các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là về tình hình KTXH và công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH đề ra.
MobiFone có tân Chủ tịch
 
Sáng 16/8, Bộ TT&TT đã tổ chức Lễ trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông Mobifone. Tới dự và chủ trì buổi lễ có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ; Chủ tịch, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT; Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC; Tổng Công ty Viễn thông Mobifone.
Theo Quyết định số 1358/QĐ-BTTTT ngày 15/8/2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT quyết định điều động và bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Mạnh Thắng, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông Mobifone. Quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông Mobifone đã trân trọng cảm ơn tập thể Ban cán sự Đảng và tập thể Lãnh đạo Bộ TT&TT đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho ông trên cương vị mới.

Đồng thời hứa sẽ nỗ lực phấn đấu, phát huy kinh nghiệm, không ngừng học hỏi, đoàn kết cùng tập thể Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc và các Ban, phòng, đơn vị chức năng trực thuộc Tổng công ty Viễn thông Mobifone thực hiện tốt nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ giao.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng sinh năm 1963, có bằng thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Ông Thắng từng có thời gian 9 công tác tại MobiFone ở vị trí Phó Giám đốc VMS- MobiFone. Từ tháng 2/2005 đến đầu năm 2010, ông Nguyễn Mạnh Thắng được bổ nhiệm làm Trưởng ban Giá cước Tiếp thị Tập đoàn VNPT. Tháng 8/2010, ông đảm trách chức vụ Chánh văn phòng Tập đoàn VNPT.
15 tỉnh đã tắt sóng truyền hình analog
 
Vào lúc 0h ngày 16/8/2017, tại 15 tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang đã tắt sóng kênh truyền hình analog địa phương, chính thức chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 theo đúng kế hoạch mà Bộ TT&TT chỉ đạo. Hiện tại các kênh truyền hình analog chỉ còn treo bảng thông báo để người dân biết và chuyển sang thu xem truyền hình số.
Chưa có phản hồi nào thiếu tích cực của người dân về việc không thu xem được truyền hình số. Vào đêm qua, trên các Diễn đàn DVB-T2, nhiều người dân còn thức chờ giây phút “khai tử” truyền hình analog và phát Livestream trên mạng xã hội.
Trước đó, ngày 10/8/2017, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã ký công văn gửi UBND các tỉnh Nhóm II và các doanh nghiệp viễn thông đề nghị những đơn vị này tổ chức thông báo, nhắn tin thông báo kế hoạch ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất ngày 15/8/2017.
Máy in Canon nhập khẩu có thể gây nguy hiểm
 
Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, Công ty TNHH Canon Marketing Việt Nam là nhà nhập khẩu được ủy nhiệm duy nhất của Canon tại Việt Nam đã phát hiện một số DN kinh doanh sản phẩm máy in Canon LBP151dw nhập khẩu từ thị trường khác bán tại Việt Nam.
Điểm đáng lưu ý là các mẫu máy in này có nguồn điện 110V và Công ty Canon khẳng định sản phẩm này là an toàn cho người sử dụng tại nơi có nguồn điện tương thích (110V). Tuy nhiên, các sản phẩm này không thích hợp với điện lưới của Việt Nam 220 - 240V.
Có khả năng một số DN nhập khẩu hoặc đại lý của họ đã tự ý tháo gỡ máy Canon chính hãng và thay nguồn điện không đảm bảo tiêu chuẩn của Canon. Khi bán cho người tiêu dùng, các DN này không thông báo về việc đã thay đổi nguồn điện của máy hoặc sản phẩm này nguyên gốc có nguồn điện 110V nên người tiêu dùng Việt Nam chưa nắm rõ.
Canon khuyến cáo sản phẩm này chỉ an toàn cho người sử dụng tại nơi có nguồn điện tương thích 110V, còn với thị trường sử dụng điện lưới 220 - 240V như Việt Nam, các sản phẩm này không thích hợp.
Chính vì vậy, Cục Quản lý Cạnh tranh khuyến cáo người tiêu dùng hãy sử dụng sản phẩm chính hãng theo đúng hướng dẫn, chỉ dẫn, thông số kỹ thuật của nhà sản xuất để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình.