Điểm nhấn công nghệ tuần: Việt Nam sẽ sớm triển khai 5G

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam sẽ sớm triển khai 5G; Cổ phiếu Viettel Global lên sàn UPCOM vào ngày 25/9; Viettel, VNPT, MobiFone nắm gần 93% thị phần băng rộng... là nội dung chú ý tuần qua.

Việt Nam sẽ sớm triển khai 5G
Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết Bộ đang khuyến khích phát triển hạ tầng băng rộng và hạ tầng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.
 
Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam 2018 và triển lãm India - ASEAN ICT Expo với chủ đề “Kết nối số trong Cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức ngày 27/9 tại Hà Nội.
Hội nghị đã thu hút 500 đại biểu là đại diện các cơ quan Chính phủ của các nước ASEAN, các nước đối tác, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài.
VietNam ICT Investment Forum 2018 (VIIF 2018) được tổ chức nhằm giúp các bên xác định được tầm quan trọng của kết nối số trong nền công nghiệp 4.0. Cụ thể là việc đầu tư vào hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, tăng cường khai thác Internet băng rộng, mạng 4G và lộ trình đầu tư 5G, đảm bảo an ninh mạng; Tận dụng vị thế của Việt Nam trong khu vực; Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư kết nối số vào các nước trong khu vực thuộc tiểu vùng sông Mê Công như Campuchia, Lào, Myanamar và Đông Nam Á để sẵn sàng chuyển đổi số và công nghiệp 4.0.
Hội nghị VIIF 2018 sẽ bàn thảo và thông qua các khuyến nghị của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước với các nội dung chính như: các khuyến nghị đối với chính sách CNTT&TT nhằm phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu đầu tư, kinh doanh của các ngành công nghiệp 4.0. Đảm bảo an toàn an ninh trên không gian mạng. Chú trọng chính sách thu hút đầu tư hạ tầng viễn thông, hạ tầng cơ sở dữ liệu, phát triển băng rộng 4G và cha sẻ kinh nghiệm quốc tế về lộ trình 5G.
Rà soát các luật và hiệp định, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia để việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ICT phải gắn với thúc đẩy ngành công nghiệp và dịch vụ trong nước hay tận dụng vị thế của Việt Nam trong khu vực để thúc đẩy hoạt động kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra các nước Lào, Myanmar, Campuchia nói riêng và khu vực ASEAN nói chung.
Cụ thể, phiên thảo luận về chính sách đầu tư kết nối số đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tập trung thảo luận về việc triển khai hạ tầng số, trong đó chú trọng tới hạ tầng băng rộng 4G và lộ trình triển khai 5G tại Việt Nam, kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng như tác động của 5G tới tăng trưởng kinh tế, chính sách khuyến khích đầu tư vào 5G trong tương lai.
Đồng thời đề cập đến giải pháp và dịch vụ số trên nền tảng 4G, 5G chia sẻ các giải pháp và dịch vụ số ứng dụng trên nền tảng băng thông rộng cho các ứng dụng thành phố thông minh và sản xuất trong nhà máy đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Tham dự và phát biểu khai mạc VIIF 2018, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết: CMCN 4.0 đang tạo ra các chuyển đổi chưa từng có trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, đời sống - xã hội thậm chí từng người dân. Tiêu biểu là sự nổi lên của những mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi trong phương thức sản xuất, sự chuyển dịch trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Những chuyển biến này là cơ hội và động lực cho các nước đi sau vượt lên trước thông qua việc nhanh chóng tái định hình cơ cấu sản xuất và dịch vụ của nền kinh tế.
Dựa trên nền tảng số hóa và sự hội tụ của nhiều công nghệ, cuộc CMCN 4.0 sẽ tạo ra một thế giới kết nối số với số lượng thiết bị kết nối khổng lồ mà hệ quả là chúng ta đang và sẽ chứng kiến những chuyển dịch mạnh mẽ của ngành công nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết tâm xây dựng tầm nhìn, định hướng và chính sách trong tất cả ngành nghề và lĩnh vực kinh tế - xã hội để tận dụng lợi thế vượt trội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại.
Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ: Bộ TT&TT đang trình Chính phủ xây dựng các chính sách ưu tiên để đáp ứng và tạo đà cho sự chuyển đổi của các ngành kinh tế, công nghiệp và dịch vụ với 3 nhiệm vụ trọng tâm đó là:
Khuyến khích phát triển hạ tầng băng rộng và hạ tầng cơ sở dữ liệu. Hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất.
Cổ phiếu Viettel Global lên sàn UPCOM vào ngày 25/9
Hơn 2.243,8 triệu cổ phiếu của Viettel Global sẽ được giao dịch trên sàn UPCOM kể từ ngày 25/9/2018, với giá chào sàn là 15.000 đồng/cổ phiếu.
 
Trước đó, ngày 18/9, Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) đã được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chấp thuận hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCOM của với mã chứng khoán VGI.
Viettel Global là đơn vị phụ trách mảng đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) được thành lập cuối năm 2007 với vốn điều lệ 960 tỷ đồng. Khi lên sàn, Viettel Global có 6.348 cổ đông, trong đó Tập đoàn Viettel nắm giữ 98,68% cổ phần.
Hiện Viettel Global đã đầu tư vào 9 thị trường tại 3 khu vực gồm Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Đông Timor và Myanmar), Mỹ Latin (Haiti) và châu Phi (Cameroon, Tanzania, Burundi và Mozambique).
Trong số đó, Viettel đang giữ vị trí số 1 về thị phần tại 5/9 quốc gia là Campuchia, Lào, Đông Timor, Mozambique, Burundi. Riêng thị trường Peru do Viettel Global trực tiếp quản lý và vận hành kinh doanh nhưng kết quả kinh doanh chưa được tính vào Viettel Global do chính phủ nước này quy định chủ đầu tư phải đứng tên Tập đoàn Viettel, mặc dù đây là thị trường có lãi lớn nhất năm 2017.
Tính đến hết năm 2017, Viettel Global đang phục vụ gần 40 triệu khách hàng quốc tế. So với năm 2016, Viettel Global tăng trưởng khách hàng 13%, gấp hơn 4 lần trung bình thế giới (khoảng 3%).
Tổng doanh thu hợp nhất năm 2017 của Viettel Global tăng trưởng mạnh, đạt 19.023 tỷ đồng - tăng 24%. Lợi nhuận trước thuế đạt 27 tỷ đồng (tương đương 1,18 triệu USD). Đây là một kết quả rất tích cực trong bối cảnh phải đầu tư lớn ở thị trường Myanmar và một số thị trường ở châu Phi mới ở giai đoạn đầu nên chi phí vận hành lớn.
Năm 2018, Viettel Global đặt mục tiêu đạt lợi nhuận dương dù mới vận hành thị trường quốc tế lớn nhất là Myanmar (khai trương ngày 9/6/2018). Tăng trưởng khách hàng năm 2018 của Viettel Global dự kiến đạt 15% so với năm 2017.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào giữa tháng 6/2018, cổ đông của Viettel Global đã bỏ phiếu thông qua việc tăng vốn điều lệ lên 30.430 tỷ đồng bằng phương án phát hành riêng lẻ 800 triệu cổ phần phổ thông với giá 10.000 đồng/cổ phần (trị giá 8.000 tỷ đồng) cho công ty mẹ (Tập đoàn Viettel).
Toàn bộ số vốn này sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động phù hợp với nhu cầu đầu tư cho các dự án của Viettel Global đến năm 2020. Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Tính đến cuối tháng 6/2018, 3 thị trường của Viettel đã hoàn vốn đầu tư là Lào, Campuchia, Đông Timor và đứng số 1 tại thị trường về mạng lưới viễn thông. Đặc biệt, trong số 9 thị trường quốc tế của Viettel, Myanmar là thị trường lớn nhất và được kỳ vọng nhất trong năm 2018 về tăng trưởng.
Tập đoàn Viettel có vốn đăng ký đầu tư ở các thị trường quốc tế là hơn 2 tỷ USD, trong đó hơn 50% đã được giải ngân. Tổng lợi nhuận đã được chuyển về Việt Nam là 516 triệu USD, chiếm gần 45% số vốn đã đầu tư. Mục tiêu tới năm 2020 của Viettel Global là mở rộng thị trường đầu tư đạt quy mô dân số 400 - 500 triệu dân và vào Top 10 công ty viễn thông toàn cầu.
Viettel, VNPT, MobiFone nắm gần 93% thị phần băng rộng
Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, hiện Việt Nam có 64,2 triệu thuê bao băng rộng. Ba nhà mạng lớn Viettel, VNPT, MobiFone vẫn chiếm tới 93% thị phần băng rộng tại Việt Nam.
 
Thông tin nêu trên vừa được ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Chính sách và kế hoạch, Cục Viễn thông (VNTA) thuộc Bộ TT&TT chia sẻ tại phiên hội thảo chuyên đề “Chính sách đầu tư kết nối số đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0”, trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam (Vietnam ICT Investment Forum - VIIF) 2018 kết hợp với Triển lãm India - ASEAN ICT Expo được Bộ TT&TT chủ trì tổ chức trong 2 ngày 27 - 28/9 tại Hà Nội.
Có chủ đề “Kết nối số trong Cách mạng công nghiệp 4.0”, hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam 2018 được tổ chức với mục đích giúp các bên xác định được tầm quan trọng của kết nối số trong nền công nghiệp 4.0, cụ thể là việc đầu tư vào hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, tăng cường khai thác Internet băng rộng, mạng 4G và lộ trình đầu tư 5G, đảm bảo an ninh mạng; đồng thời tận dụng vị thế của Việt Nam trong khu vực khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư kết nối số vào các nước trong khu vực thuộc tiểu vùng sông Mê Koong CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) và Đông Nam Á để sẵn sàng cho chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0.
Cũng trong tham luận về “Hiện trạng mạng băng rộng và định hướng phát triển 5G tại Việt Nam” được chia sẻ tại phiên hội thảo chuyên đề “Chính sách đầu tư kết nối số đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Trần Tuấn Anh cho biết, nhìn chung về tổng thể, viễn thông thế giới có công nghệ nào thì đều được triển khai tại Việt Nam. Mạng viễn thông băng rộng tại Việt Nam hiện tương đối đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ cho người dân. "Hiện nay băng rộng tại Việt Nam về vô tuyến băng rộng có mạng 3G, 4G, phủ sóng tới 95% dân số", ông Tuấn Anh cho biết.
Cũng theo ông Tuấn Anh, tính đến nay, tổng thuê bao băng rộng tại Việt Nam là 64,2 triệu thuê bao, bao gồm 51,2 triệu thuê bao 3G và khoảng 13 triệu thuê bao 4G.
Cho rằng về tốc độ phát triển, sử dụng 3G, 4G tại Việt Nam khá tốt, tuy nhiên đại diện Cục Viễn thông cũng cho hay, xét về tổng băng thông quốc tế, hiện nay dung lượng sử dụng dữ liệu Data trên mạng Internet của Việt Nam chỉ ở mức trung bình.
Đặc biệt, về thị phần băng rộng Việt Nam, theo đại diện Cục Viễn thông - Bộ TT&TT hiện nay Viettel đang là doanh nghiệp chiếm thị phần chính, với 51,5%; tiếp đó là VNPT với 28,4%; MobiFone chiếm 12,7%; FPT Telecom là 3,8% và 3,6% còn lại là các doanh nghiệp nhỏ khác.
MobiFone sắp bán ra 20 triệu thuê bao đầu 07x
Tổng công ty Viễn thông MobiFone tới đây sẽ tiếp tục cung cấp hơn 20 triệu thuê bao đầu 07x ra thị trường. 07x là đầu số mà các thuê bao 11 số của MobiFone gồm các đầu số 0120, 0121, 0122, 0126, 0128 sẽ chuyển lần lượt thành 070, 079, 077, 076 và 078 mà Bộ Thông tin và Truyền thông trước đó đã phân bổ cho nhà mạng trong kế hoạch chuyển đổi thuê bao 11 số thành 10 số.
 
Tuy nhiên, bên cạnh các số 11 hiện đang sử dụng được chuyển sang 10 số đầu 07 tương ứng thì hàng triệu thuê bao trong dải 07x cũng sẽ được MobiFone cung cấp ra thị trường.
Về đầu số mới 07x, MobiFone sẽ thực hiện áp dụng các chính sách gói cước, chương trình khuyến mại, như các gói cước theo ngày (2.000 đồng/ngày được sử dụng 25 phút nội mạng; 3.000 đồng/ngày được 30 phút gọi nội mạng và 30 tin nhắn nội mạng); các gói cước ưu đãi gọi nội mạng, ngoại mạng MobiFone chu kỳ tháng như GD10, T30, SV30, SV50, CM100, C50…
Cùng đó, rất nhiều gói cước data ưu đãi cũng sẽ được áp dụng cho các thuê bao đầu số 07x, như các gói data HD70, HD90, HD120, HD200… Đặc biệt thuê bao đầu 07x mới hòa mạng còn được sử dụng gói C90N, là một trong những gói data đang hấp dẫn nhất trên thị trường và cũng là gói data ưu đãi nhất của MobiFone ở thời điểm hiện tại.
Với gói data này, người dùng chỉ mất 90 nghìn đồng/tháng để sử dụng data "khủng" 120 GB/tháng, miễn phí 1000 phút gọi nội mạng và 50 phút gọi trong nước.
Ngoài ra, khách hàng sử dụng đầu 07x sẽ được thừa hưởng các ưu đãi từ rất nhiều các dịch vụ giá trị gia tăng, các chính sách chăm sóc khách hàng từ hệ sinh thái đa dạng của MobiFone.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng đầu số mới - đầu 07x - MobiFone cho biết sẽ hỗ trợ khách hàng tiếp cận số thuê bao đầu số mới một cách thuận tiện nhất thông qua các hệ thống cửa hàng, đại lý bán SIM thẻ (doanh nghiệp thiết lập hoặc điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông khác thiết lập được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền), hỗ trợ khách hàng lựa chọn số mới qua website chọn số online của nhà mạng…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần