Điểm nóng giao thông: Bài toán nào cho xe chở phế thải?

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu nay, đi trên phố, chúng ta không khó bắt gặp cảnh những chiếc xe máy kéo theo “rơ-mooc” chở hàng trăm thứ bà rằn mà người nội thành bỏ đi, tỏa về các vùng ngoại ô.

Nào là bàn ghế hỏng, củi cốp pha, xe máy thuộc hệ đồng nát, đến cơm thừa canh cặn từ các nhà hàng… Xét cho cùng, những thứ kể trên, nếu không có những người làm nghề nhặt nhạnh, thu gom, dân nội đô lại tốn không ít công sức, tiền bạc để dọn dẹp cho sạch nhà! Cái việc "mua của người chán, bán cho người cần", cũng đã giải quyết công ăn việc làm cho không ít nông dân ngoại thành.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Nhưng bên cạnh đó, người làm nghề nhặt nhạnh cũng đem lại nhiều phiền toái cho cuộc sống sinh hoạt, đặc biệt là giao thông. Đường phố vốn đã chật hẹp, xe cộ thì như mắc cửi, nhưng vào giờ cao điểm, những chiếc xe chở phế liệu cứ nghênh ngang trên đường là một trong những tác nhân dẫn đến ùn tắc giao thông. Người viết bài này đã nhiều lần chứng kiến lúc tan tầm, các con đường như Lê Văn Lương – Tố Hữu – Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Hồ Tùng Mậu, Nhổn (quận Bắc Từ Liêm) nhiều lúc ùn tắc kéo dài vì các phương tiện phải nhường đường cho mấy xe “quá khổ quá tải” chở đồ đồng nát… Không những thế, nhiều chiếc xe chở cơm thừa canh cặn, dầu nhớt thải cũng là nỗi khiếp sợ của người tham gia giao thông. Vì sao ư? Chỉ cần một va chạm nhỏ, những thứ “của nợ” đó mà tràn ra đường thì vô cùng nguy hiểm cho người và phương tiện…

Trò chuyện với chúng tôi về việc xử lý xe tự chế chuyên chở đồ đồng nát, một chiến sỹ CSGT Hà Nội cho biết: Dù ngành chức năng đã mạnh tay, nhưng giá một chiếc xe kể trên giá trị không bằng mức xử phạt vi phạm nên khi bị bắt lỗi, chủ phương tiện thường… bỏ của chạy lấy người! Việc mưu sinh bằng nghề nhặt nhạnh phế thải ở nội đô pháp luật không cấm. Nhưng ngành chức năng phải nên có biện pháp chấn chỉnh khung giờ và cách thức vận chuyển cho thứ hàng hóa đặc thù này.