Điểm thi cao bất thường ở Hà Giang: Có nên để Bộ GD&ĐT chấm thi THPT?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh vụ điểm thi THPT quốc gia 2018 cao bất thường ở Hà Giang, nhiều ý kiến đề nghị, để công tác tổ chức thi THPT quốc gia khách quan hơn, năm 2019 các địa phương chuyển hết bài thi về Bộ GD&ĐT chấm tập trung.

Băn khoăn về sự công bằng giữa các thí sinh
Dư luận hoàn toàn có lý khi cho rằng, Hà Giang là tỉnh miền núi, điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, điểm thi của thí sinh (TS) không thể cao bằng những TP lớn. Thế nên nhiều điểm thi THPT quốc gia của Hà Giang cao bất thường là đi ngược lại với quy luật. Ông Phạm Quốc Khánh – Trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng – đơn vị phối hợp coi thi với tỉnh Hà Giang cho biết: “Công tác coi thi đều được thực hiện và triển khai theo đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Nguyên nhân điểm thi cao bất thường do đâu, chúng tôi không có ý kiến”.
Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin về điểm chuẩn dự kiến vào ngành của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong khi chờ đoàn công tác của Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Ban chỉ đạo thi quốc gia Hà Giang kiểm tra, rà soát tất cả các khâu để tìm nguyên nhân, nhiều trường ĐH thể hiện rõ băn khoăn, nhất là khi muốn tuyển được những TS có điểm cao vào học. Khi được hỏi, những trường hợp điểm cao bất thường này không tìm ra được nguyên nhân, ĐH Bách khoa Hà Nội có xét tuyển vào học không, Phó Hiệu trưởng Trần Văn Tớp cho biết: Vẫn phải tuyển, nhưng chắc chắn có sự bất công với các sinh viên khác. Trong khi đó, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Giao thông vận tải Phạm Thanh Hà cho biết, nhà trường cũng rất băn khoăn, vì lo thiếu sự công bằng. Khi điểm thi không thực chất, sẽ ảnh hưởng đển chất lượng đào tạo. Vì thế, khi đoàn công tác của Bộ GD&ĐT xác minh, nếu phát hiện ra tiêu cực thì phải hủy kết quả bài thi, chứ không nên tổ chức thi lại.

Trường đại học tham gia sâu hơn trong tổ chức thi

Để kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT nên giao cho các địa phương tổ chức, nhưng có sự tham gia sâu hơn từ phía các trường ĐH, chứ không chỉ là cử người đến coi thi. Theo ông Phạm Thanh Hà, có thể với những địa phương ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong việc tổ chức thi, Bộ GD&ĐT nên giao cho trường ĐH chủ trì tổ chức, thay vì cơ chế Sở GD&ĐT chủ trì, trường ĐH phối hợp như hiện nay. Bởi thực tế, năm 2016 trở về trước, trường ĐH được giao chủ trì tổ chức thi, Sở GD&ĐT phối hợp, thì các trường đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị, tất cả các bài thi nên vận chuyển về Bộ GD&ĐT chấm tập trung dưới sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ an ninh; Không nên để giáo viên địa phương chấm thi ở tỉnh, cho dù Bộ quy định thực hiện quy trình chặt chẽ thì vẫn dễ xảy ra tiêu cực hơn.

Đánh giá vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ thừa nhận, thời gian qua, việc giám sát khâu coi thi đã làm tốt, nhưng khâu chấm thi để đảm bảo công bằng, khách quan thì chưa làm được. “Bộ GD&ĐT nên có nhận định, năm nay tỉnh nào gặp khó khăn trong công tác tổ chức thi, năm sau sẽ giám sát sâu hơn không những ở khâu coi thi mà cả chấm thi. Không cần thiết phải chuyển bài thi của TS trong cả nước tập trung về một chỗ, địa phương nào làm tốt, bảo đảm khách quan thì cứ để họ làm” – ông Nhĩ đề nghị.

Nhiều chuyên gia cùng quan điểm với ông Nhĩ đồng tình với ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT giao kỳ thi THPT quốc gia 2019 cho các trường ĐH tổ chức. Bởi các trường ĐH không trực tiếp giảng dạy học sinh trong 12 năm. Trong trường địa phương nào yếu về nhân vật lực, Bộ GD&ĐT có thể cử thêm cán bộ ĐH về cùng phối hợp và tham gia sâu hơn vào các khâu tổ chức thi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần