Điểm tựa gia đình

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Gia đình - điểm tựa yêu thương”, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, “Gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc”… là những thông điệp tiếp tục được phát đi trong lần kỷ niệm lần thứ 17 của Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay.

Những “câu khẩu hiệu” ấy tựa như lời nhắc nhở khi các giá trị vật chất đang cuốn đi nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình.

Bức tranh gia đình bây giờ không chỉ là sự “thất thoát” ít nhiều của những lối sống truyền thống, mà cuộc sống hiện đại cũng khiến những mối quan hệ vốn bền chặt ít nhiều lỏng lẻo, những khoảng cách vô tình khiến tình cảm giữa mọi người xa hơn. Thực tế cho thấy, rất nhiều gia đình chỉ có ít người, nhưng cả ngày không thể cùng ăn với nhau một bữa cơm, thời gian dành cho nhau ngắn dần. Đây là điều đáng buồn, bởi thế, hai chữ “ấm áp” vẫn được nhiều người nhắc tới như một mong ước. Sự lỏng lẻo ấy khiến các mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên cũng trở nên bất ổn, thiếu bền vững. Kéo theo tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân ngày càng gia tăng, những vấn đề tiêu cực trong hôn nhân, xâm hại tình dục trẻ em, bất bình đẳng giới... đang trở thành những thách thức mà gia đình hiện đại phải đối mặt. Con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy, mỗi năm có hàng chục nghìn vụ bạo lực gia đình, những câu chuyện chồng đánh vợ, bố bạo hành con... liên tục xuất hiện trên mặt báo, khiến nhiều người lo lắng. Rồi chuyện những đứa trẻ phải sống trong ngôi nhà không... bình yên, nơi bố mẹ chỉ mải mê kiếm tiền, bỏ mặc con cái, dẫn đến hậu quả đau lòng vẫn liên tiếp xuất hiện như một vết đen khó xóa.

Nâng cao mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đang là vấn đề rất lớn trong công tác phát triển gia đình ở Việt Nam hiện nay. Ngay trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 cũng đặt ra một mục tiêu tưởng như đương nhiên không cần “phấn đấu”: Đến năm 2020 đạt 95% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con, cháu; thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà, bố, mẹ…, điều ấy cho thấy sự “gắn kết yêu thương”, “giữ gìn giá trị truyền thống” thực sự đã ở mức báo động.

“Gia đình là tế bào của xã hội”, câu nói ấy không đơn thuần chỉ là khẩu hiệu, mà là một khẳng định rõ nét cho sự cần thiết đã đến lúc mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần có những hành động thiết thực để xây dựng, bảo vệ văn hóa gia đình, để gia đình thực sự là điểm tựa yêu thương. Hãy thắp sáng trong ý thức mỗi người rằng, vật chất chỉ là điều kiện để xây dựng hạnh phúc, còn thước đo hạnh phúc của gia đình là không khí đầm ấm, hòa thuận, gắn kết. Đó là giá trị cốt lõi mà những người làm công tác gia đình muốn hướng đến thông qua rất nhiều các hoạt động được tổ chức trong Ngày Gia đình Việt Nam này.

Và không thể chủ quan nói rằng, việc làm ấy là khó, bởi thực tế, nhiều đại gia đình vẫn giữ cho mình nền nếp gia phong và cả gia đình trẻ đang hàng ngày xây dựng lối sống mới không xa rời truyền thống. Họ đang thực hiện rất tốt cụm từ “cùng nhau”: Cùng nhau làm mọi việc, cùng nhau hưởng thụ kết quả và cùng nhau bình tĩnh để giải quyết các mâu thuẫn, khó khăn thay vì đề cao cái tôi của mỗi cá nhân. Đó là những điểm sáng có sức lan tỏa lớn đến mọi gia đình, để thực sự xây dựng nên những điểm tựa yêu thương cho mỗi người.