Diễn biến nóng tại trạm BOT Mỹ Lộc: Nhiều bất thường?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau sự xuất hiện đối tượng lạ mặt “khoe của quý” và dằn mặt lái xe, Trạm BOT Mỹ Lộc tiếp tục có diễn biến phức tạp. Đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ cho công tác thu phí của trạm đã rút đi trong khi làn sóng phản ứng của các tài xế và người dân đối với trạm thu phí này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

 Trạm BOT Mỹ Lộc thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường tránh TP Nam Định (đoạn từ TP Nam Định đến huyện Mỹ Lộc (dài 3,9km) và tuyến đường nối từ QL21A với tuyến đường mới (dài 550m). 
Những điều khiến lái xe cho là chưa hợp lý

Theo hợp đồng đã ký giữa Công ty CP Tasco và tỉnh Nam Định vào tháng 7/2008, dự án có tổng mức đầu tư 313 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn 21,75 năm (đến năm 2032). Sau đó, vào tháng 8/2014, hai bên ký lại phụ lục hợp đồng trong đó tổng vốn đầu tư dự án tăng lên 487,7 tỷ đồng, hời gian thu phí tính từ ngày 1/8/2009 - 1/10/2026. Mặc dù đến ngày 28/6/2012, dự án mới chính thức thông xe nhưng thời gian thu phí được tính từ tháng 8/2009 và trên thực tế chủ đầu tư đã tiến hành thu phí từ thời điểm này bằng trạm thu phí trên QL21A (còn gọi là Trạm BOT Mỹ Lộc cũ). Điều này dẫn đến tình trạng, các phương tiện dù không đi trên tuyến đường mới do nhà đầu tư làm (vì chưa hoàn thành) vẫn phải trả phí cho tuyến đường này.
Ban đầu dự án BOT 21 (đoạn tuyến 3,9km) được đầu tư 4 làn xe (mỗi bên 2 làn), dải phân cách rộng 20,4m. Tuy nhiên, sau đó thấy nhu cầu phương tiện lớn, nên tỉnh Nam Định bỏ ngân sách đầu tư thêm mỗi bên 1 làn (xén lên giải phân cách giữa), nên tuyến đường hiện có 6 làn xe (mỗi bên 3 làn). Còn tuyến đường nối (đoạn dài 550m) rộng 13m với 2 làn xe. Điều này dẫn tới những tranh luận hiện nay. Nhưng nếu có đi trên làn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước thì vẫn phải qua một số vị trí đầu tư BOT, như 2 cầu trên tuyến, nền đường, nên vẫn phải trả phí.

Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Tasco 6 Nguyễn Trọng Phú
Bên cạnh đó, mức phí được áp dụng tại trạm thu phí Mỹ Lộc cũng được cho là không hợp lý. Cụ thể, các phương tiện thuộc nhóm 1 (gồm ô tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) mỗi lượt đi qua trạm phải trả tiền vé 30.000 đồng. Đây là mức phí cao hơn nhiều lần so với mức phí đang áp dụng tại các trạm BOT khác. Bởi theo quy định của Bộ GTVT, giá vé thu theo chặng của BOT chỉ 2.100 đồng/km. Như vậy với 3,9km chỉ được thu hơn 8.000 đồng. Hiện nhà đầu tư đang thu gấp 4 lần mức cho phép.

Chính những điều bất thường này đã khiến người dân và các tài xế bức xúc. Đặc biệt từ đầu tháng 6/2018, Trạm BOT Mỹ Lộc bắt đầu đối mặt với làn sóng phản ứng quyết liệt của các tài xế. Cho rằng giá vé quá cao, nhiều người kiên quyết không mua vé qua trạm và yêu cầu nhân viên của trạm phải mở barie để họ đi qua. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi ngày 22/7 có một thanh niên lạ mặt, xăm trổ đầy người xuất hiện ở Trạm BOT Mỹ Lộc gây sự với các lái xe. Không chỉ có hành vi chửi bới, đe dọa, nam thanh niên này còn có hành vi vạch quần khoe... “của quý” trước mặt một nữ tài xế. Điều đáng nói, vào thời điểm đó, có cả một nam thanh niên mặc đồng phục bảo vệ của trạm thu phí cũng có mặt, đứng cạnh đối tượng lạ mặt trên. Những hình ảnh phản cảm này sau khi lan truyền trên mạng đã khiến dư luận hết sức bất bình.

Thu phí trước để lấy vốn xây dựng đường mới

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Xuân Nam - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tasco 6 (đơn vị quản lý Trạm BOT Mỹ Lộc) khẳng định, việc chủ đầu tư tiến hành thu phí từ năm 2009 đã được Chính phủ đồng ý trên cơ sở đề xuất của tỉnh Nam Định chứ không phải DN tự ý làm. Vị giám đốc này lý giải, số tiền thu được từ trạm thu phí trên QL21A sẽ được sử dụng để đầu tư làm tuyến tránh TP Nam Định. Điều này giúp nhà đầu tư có thể giảm được số tiền vay và thời gian vay vốn ngân hàng, giảm tiền lãi và qua đó sẽ không làm tăng thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án.
Sáng 26/7, có khoảng 10 ô tô treo biển, tập trung phản đối tại trạm BOT Mỹ Lộc, gây ách tắc giao thông. Đầu giờ sáng, giao thông qua trạm có ùn ứ, một số xe phải quay đầu đi hướng khác. Sau đó, giao thông đã bớt căng thẳng khi có phân luồng.

Đại tá Đặng Quang Tuyên - Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Nam Định
Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ đầu tư đã căn cứ vào một số văn bản để đưa trạm thu phí trên QL21A vào hoạt động từ năm 2009 nhằm thu phí hoàn vốn cho tuyến đường tránh TP Nam Định dù khi đó tuyến đường này chưa hoàn thành. Một trong những văn bản đó là Tờ trình của UBND tỉnh Nam Định gửi Thủ tướng, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính ngày 10/4/2007 về việc đầu tư tuyến tránh TP Nam Định.
Trong Tờ trình trên, UBND tỉnh Nam Định đề xuất Thủ tướng và các bộ cho phép dùng Trạm thu phí Mỹ Lộc để thu phí hoàn vốn cho dự án tuyến tránh TP Nam Định. Sau đó, Chính phủ, Bộ GTVT đã có văn bản đồng ý với kiến nghị trên của tỉnh Nam Định, nhưng trong các văn bản này cũng không nói rõ Trạm thu phí Mỹ Lộc là trạm thu phí trên tuyến QL21A hay là trạm thu phí trên tuyến đường tránh TP Nam Định.

Trong khi đó, đại diện nhà đầu tư lại lý giải, vào thời điểm tỉnh Nam Định có tờ trình và được Chính phủ đồng ý sử dụng Trạm thu phí Mỹ Lộc thu phí hoàn vốn cho tuyến đường tránh TP Nam Định chỉ có một Trạm thu phí Mỹ Lộc duy nhất là trạm đặt trên QL21A. Do đó có thể hiểu là nhà đầu tư được phép sử dụng trạm thu phí này để thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh TP Nam Định.

Ông Trịnh Xuân Nam cho hay, trạm thu phí trên QL21A trước đây là của Nhà nước, sau khi Quỹ Bảo trì đường bộ ra đời, trạm thu phí này được bỏ dần và được sử dụng để thu phí hoàn vồn cho tuyến tránh TP Nam Định từ năm 2009 đến 2012. Đến tháng 6/2016, tuyến tránh TP Nam Định chính thức thông xe thì Trạm thu phí Mỹ Lộc được chuyển sang tuyến đường tránh như hiện nay.
 Các xe treo băng rôn phản đối trạm. (Ảnh cắt từ clip)
Diễn biến tiếp tục phức tạp

Trong những ngày gần đây, tình hình tại Trạm BOT Mỹ Lộc tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Nhiều tài xế tập trung ở khu vực trạm phản đối không chịu mua vé với lý do giá vé quá cao. Sự việc càng trở nên khó khăn đối với đơn vị quản lý trạm thu phí này khi ngày 24/7, đơn vị đã ký hợp đồng hỗ trợ công tác thu phí tại trạm là Công ty CP bảo vệ Liên An gửi công văn tới Công ty TNHH thu phí tự động VETC - đơn vị ký hợp đồng thu phí tại Trạm BOT Mỹ Lộc - đề nghị thanh lý, chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo vệ đồng thời rút toàn bộ 20 nhân viên đang làm việc tại BOT Mỹ Lộc đi.
Lý do mà DN cung cấp dịch vụ bảo vệ này đưa ra là Trạm BOT Mỹ Lộc đang có vướng mắc với người sử dụng dịch vụ BOT và vướng mắc này chưa được giải quyết thỏa đáng dẫn tới những phản ứng tiêu cực của các chủ phương tiện qua trạm. Ngay trong ngày 25/7, khi không có sự hỗ trợ của lực lượng bảo vệ của DN Liên An, công tác thu phí tại Trạm BOT Mỹ Lộc đã gần như bị tê liệt.

Đến ngày 26/7, tình trạng vẫn không được cải thiện hơn. Từ đầu giờ sáng đã có nhiều lái xe vẫn tập trung tại trạm và có những hành động cản trở giao thông nhằm phản đối việc thu phí. Điều này khiến giao thông tại khu vực trạm ùn ứ cục bộ, nhiều phương tiện phải quay đầu để di chuyển theo hướng khác. Các lái xe cho rằng, họ chỉ đi đường làm từ ngân sách Nhà nước, không sử dụng đường BOT, nên không đồng ý trả phí khi qua Trạm BOT Mỹ Lộc.
Trên toàn tuyến QL21B từ Phủ Lý (Hà Nam) tới nút giao QL10 (TP Nam Định) dài 25km, trong đó có 21km là đường BT, trong 3,9km làm đường BOT có 2 làn đường được đầu tư bằng ngân sách. Trước tình hình đó, Công an tỉnh Nam Định đã phải cử cán bộ tới hiện trường, phối hợp với nhân viên của Trạm BOT Mỹ Lộc phân luồng, điều tiết giao thông. Sau đó, tình hình giao thông đã phần nào bớt căng thẳng và ùn tắc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần