Diễn biến phức tạp mua bán vũ khí qua mạng

Đạt Lê - Hoàng Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Bộ Công an, hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ hiện nay diễn biến phức tạp dù lực lượng công an đã phát hiện và triệt phá nhiều vụ án lớn.

Đáng chú ý, những hoạt động mua bán, giao dịch vũ khí qua internet, mạng xã hội, dịch vụ bưu chính đang có nhiều biến tướng tinh vi… Từ đó, những vụ án hình sự nghiêm trọng, hung thủ sử dụng súng quân dụng, lựu đạn hoặc súng tự chế để gây án.
Diễn biến phức tạp
Hiện nay, chỉ cần gõ cụm từ “mua bán thiết bị tự vệ”, “súng Co2”, “mua đao kiếm”, “shop cung cấp vũ khí”… , có hàng loạt trang mạng xã hội nổi lên với rất nhiều loại vũ khí giao bán. Các ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội với tên gọi như vukhituve.com, roidiengiare.com… shop vũ khí tự vệ - súng đạn thật, chợ vũ khí - dụng cụ tự vệ - nóng lạnh, mua bán công cụ hỗ trợ; bán súng K54, K59... hoạt động mua bán công khai và luôn thu hút hàng chục nghìn lượt like và bình luận mỗi ngày. Không chỉ đăng hình ảnh cụ thể từng loại vũ khí, chủ những tài khoản này còn công khai luôn cả số điện thoại, giá tiền để người mua giao dịch.
Lực lượng công an triệt phá một đại lý buôn bán vũ khí.
Các loại công cụ hỗ trợ, vũ khí nguy hiểm được rao bán trên internet hiện nay đều có nguồn gốc từ nước ngoài và nhập lậu qua biên giới tuồn vào các tỉnh, TP lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Đáng chú ý, một số đường dây mua bán còn kiêm luôn cả khâu sản xuất súng, đạn và nhận “nâng cấp” từ súng ít sát thương lên súng gây sát thương cao sau đó bán ra thị trường.
Thời gian qua, nhiều vụ án xảy ra liên quan đến vũ khí gây bất an dư luận. Cụ thể, vụ án đặc biệt nghiêm trọng do Lê Quốc Tuấn (biệt danh Tuấn “khỉ”, 33 tuổi, ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) gây ra. Vào các ngày 29 và 30/1, Tuấn Khỉ đã nổ súng giết 5 người tại huyện Củ Chi để cướp tài sản. Sau 2 tuần lẩn trốn, ngày 14/2, đối tượng này đã bị lực lượng cảnh sát tiêu diệt do trong quá trình tẩu thoát liên tục chống trả quyết liệt, nổ súng tấn công lại lực lượng công an... Hay vụ việc xảy ra tại địa bàn Đồng Nai, ngày 2/2, lực lượng chức năng truy bắt nghi phạm có súng là Trần Duy Chinh (49 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh).
Đối tượng này bị Công an quận 10, TP Hồ Chí Minh truy tìm vì tình nghi tàng trữ vũ khí ở một căn nhà tại quận 10 ngày 30/1. Khi phát hiện bị công an truy bắt, Chinh đã tháo chạy và đấu súng với công an ngay tại xã Phú Hòa (huyện Định Quán). Đối tượng chạy về hướng huyện Tân Phú thì bị Công an huyện Tân Phú bắt giữ. Khi cảnh sát bắt giữ, trên tay đối tượng Chinh vẫn còn cầm súng và một trái lựu đạn.
Theo Bộ Công an, trong hơn 1 năm qua công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, xử lý 9.397 bưu phẩm gửi trong nước chứa 11.626 vũ khí, công cụ hỗ trợ và linh kiện, vật liệu để chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ. Hầu hết các loại vũ khí xác định là súng săn, súng hơi. Trong đó, nhiều địa phương phát hiện số lượng lớn bưu gửi có chứa vũ khí, công cụ hỗ trợ qua đường bưu chính như Bắc Giang, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hà Giang, Bình Dương...
 
Tại địa bàn Hà Nội, liên tiếp trong thời gian qua, lực lượng công an TP tập trung trấn áp tội phạm, phát hiện triệt phá nhiều vụ mua bán, tàng trữ vũ khí trái phép. Mới đây, Công an Hà Nội đã liên tiếp bắt 3 vụ tài xế, lái xe tàng trữ súng quân dụng. Chiều 13/2, tổ công tác Y15/141 làm nhiệm vụ tại nút giao thông Võ Chí Công - Xuân La (Tây Hồ) phát hiện nam thanh niên điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 19M1 - 143.69 có cất giấu bên trong ba lô một khẩu súng và nhiều bộ phận như giảm thanh, ống ngắm, bình hơi.
Lái xe là Bùi Đức Quyền (SN 1987 ở Phù Ninh, Phú Thọ) khai nhận mua khẩu súng trên qua mạng với giá 5 triệu đồng; Rạng sáng 3/2, tại nút Yên Phụ - Cửa Bắc qua kiểm tra xe ô tô do Phùng Văn Đường (SN 1993 trú ở Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) điều khiển phát hiện bên trong cốp xe khu vực ghế phụ có một khẩu súng và 4 viên đạn. Khoảng 00 giờ 30 phút ngày 2/2, Tổ công tác Y15/141 làm nhiệm vụ tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng, kiểm tra hành chính 2 nam thanh niên trong chiếc xe ô tô BMW phát hiện thu giữ 1 khẩu súng quân dụng và 1 băng đạn gồm 16 viên; 2 đối tượng là Dương Ngọc Sơn (SN 1993 trú tại phường Nguyễn Trung Trực quận Ba Đình, Hà Nội) và Nguyễn Tiến Hùng (SN 1995 trú tại La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội) đều có 1 tiền án. Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng đối với các vụ việc trên...
Tập trung đấu tranh ngăn chặn
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), hoạt động mua bán vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội diễn ra dưới rất nhiều hình thức và khó lường. Các đối tượng chủ yếu sử dụng tài khoản ảo, sim rác, không xuất đầu lộ diện khi chưa xác định chắc chắn người mua hàng.
Các đối tượng này còn thận trọng kiểm tra, xác định người mua rất kỹ, khi thấy an toàn mới giao dịch, thường hẹn ở các quán cà phê, trong các ngõ nhỏ, khu dân cư vắng vẻ, gây khó khăn cho công tác điều tra… Giao dịch, các đối tượng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ thường dùng Facebook, Zalo… để tìm hiểu thông tin, rao bán, móc nối, thỏa thuận giá cả. Khi thanh toán tiền, chúng sử dụng hệ thống ngân hàng hoặc dịch vụ thu hộ của các công ty chuyển phát.
Có trường hợp người gửi dùng tên, địa chỉ giả, hoặc người gửi ở địa bàn này nhưng lại tới địa bàn khác để gửi; không kê khai rõ tên, địa chỉ người gửi mà chỉ ghi tên bưu cục và số điện thoại của người nhận; ngụy trang vũ khí, công cụ hỗ trợ thành bộ phận khác như cho nòng súng vào ống kim loại, ống nhựa rỗng...
Trước diễn biến phức tạp của tình hình buôn bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ qua mạng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao đã tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ.
Phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... Chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý đối với các hành vi vi phạm về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhất là trên các tuyến biên giới, cửa khẩu.
Lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho hay, để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được bán tràn lan công khai trên mạng xã hội, Công an TP đã chỉ đạo trực tiếp Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao tập trung đấu tranh ngăn chặn các trang mạng cá nhân chào bán công khai loại hàng hóa này.
Cùng với đó, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát tại các nút giao thông trọng điểm, các bến xe, nhà ga, khu vực công cộng... từ đó phát hiện các đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Hiện, Hà Nội đang duy trì 30 tổ công tác liên ngành 141 và các tổ này thông qua hoạt động cũng tăng cường kiểm tra, phát hiện các đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển tàng trữ trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để kịp thời xử lý; đồng thời, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ điều tra, khai thác, xác minh triệt để nhằm mở rộng các vụ việc và truy tìm tận gốc.

Công an TP Hà Nội  đề nghị Bộ Công an tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để đảm bảo tính răn đe giáo dục đối với đối tượng vi phạm. Có cơ chế phối hợp trong công tác trao đổi thông tin, kiểm tra, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ giữa Bộ Công an với Bộ GTVT, Bộ TT&TT.

Bộ Công an cũng cần xem xét, có giải pháp hiệu quả trong phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi lợi dụng mạng xã hội, internet thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; ngăn chặn hiệu quả nguồn vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ được vận chuyển qua các đường biên...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần