Diễn Châu, Nghệ An: Độc đáo lễ hội nhà thánh

Nguyễn Trung Hợi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về với miền quê Đồng Giặm vùng đất phía Tây huyện Diễn Châu Nghệ An người ta nghĩ đến Lèn Hai Vai (Lưỡng Kiên Sơn) và Lèn Trung Phường (Núi Hổ Lĩnh) tọa lạc dưới chân Hổ Lĩnh là chùa Cổ Am một ngôi chùa rất lâu đời hiện nay đã được tu bổ và xây dựng rất uy nghi tráng lệ (thuộc xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, Nghệ An).

Đây là nơi du lịch tâm linh cho du khách không chỉ trong tỉnh Nghệ An mà cả du khách cả nước.

Bên cạnh đó, ở làng Vân Tập xã Diễn Bình những công trình văn hóa tâm linh như Đền Lùm, nhà Thánh trong cải cách ruộng đất và thời kỳ chiến tranh đã bị đập phá, mới gần đây chính quyền địa phương kết hợp với những nhà hảo tâm, các dòng họ và đông đảo người dân trong xã Diễn Bình và vùng phụ cận mới khôi phục lại và dần dần ổn định nếp sống văn hóa của một vùng quê sau nhiều thập kỷ bị lãng quên.

Đền Lùm thờ Thần Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn một danh Tướng thời Trần, lễ Hội được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.

Riêng nhà thánh niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705 - 1719) Triều Lê Dụ Tông, cụ Thiện Thuật đậu Hiệu sinh khoa thi Đinh Dậu (1717) đã khai khoa cho làng Vân Tập, cụ kêu gọi các thân hào trong làng đóng góp vật chất và công sức xây dựng nhà Thánh ngay tại vị trí bây giờ.

Nhà Thánh tọa lạc vị trí đất cao ráo thoáng đẹp ở trung tâm làng Vân Tập, hướng Quý - Đinh (Bắc - Nam) lấy lèn Hai Vai làm tiền án, Sông Bùng bao bọc quanh làng phải nói là rất hữu tình. Đến năm Nhâm Thân (1872) niên hiệu Tự Đức, Cụ Nguyễn Trung Tĩnh cùng các thân hào đã vận động nhân dân góp sức trùng tu và mở rộng diện tích khuôn viên Nhà Thánh.

Di chỉ Nhà Thánh được khai khoa nhằm thờ Đức Khổng Tử và các vị Khoa bảng, hàng năm Lễ tế hai kỳ vào tháng hai và tháng tám âm lịch định Lễ vào ngày Đinh còn gọi là Tế Đinh. Thuở xưa chuẩn bị cho khoa thi thí sinh các dòng họ trong làng đến Nhà Thánh dâng lễ cầu xin các bậc Tiên Thánh phù hộ cho con em thi cử đỗ đạt.

Năm 2013 để gìn giữ truyền thống văn hóa, chính quyền xã Diễn Bình kết hợp với các nhà hảo tâm cùng sự đóng góp của nhân dân trong làng xã đã khôi phục lại di chỉ nhà Thánh, đây là công trình Văn hóa tâm linh rất có giá trị về mặt lịch sử văn hóa của một vùng quê mà ít nơi có được.

Mảnh đất đồng Giặm này, miền quê đã sinh ra nhiều nhân tài có đóng góp lớn vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc qua nhiều triều đại phong kiến, bởi vậy Nhà Thánh được khai khoa với mục đích tôn chỉ tưởng nhớ ân đức các vị Tiên Thánh.

Nhà Thánh được khôi phục lại ở bên trong gồm 3 ban thờ: Ban giữa thờ Đức Khổng Tử, Ban bên phải thờ vị Khoa bảng; ban bên trái thờ 5 vị tiên hiền đậu Hương Cống (Cử Nhân). Và 14 vị đậu Sinh đồ (Tú tài).

Đáng lưu ý nhất đó là trong số khoa bảng đậu cử nhân trên đây có một nhân vật làm quan 40 năm trải qua 3 triều đại nhà Nguyễn (Gia Long - Minh Mạng - Thiệu Trị) đó là Đại Nam Tư Thiện Đại Phu, Tặng Vinh Lộc Đại Phu, Hiệp Biện Đại Học Sĩ, Lễ Bộ Thượng Thư, Đạm Hiên Nguyễn Trung Mậu (1785 - 1846). Tất cả những vị có tên trong văn bia nhà Thánh hiện tại chỉ mới xuất hiện đến triều đại Thiệu Trị (1841- 1847) và một số ít ở triều đại Tự Đức Hoàng Đế thứ 4 triều Nguyễn.

Và ở đây chỉ mới những khoa bảng trong phạm vi làng Vân Tập.

Tôi thiết nghĩ nếu được sự đồng lòng của chính quyền địa phương, sự quan tâm của ngành Văn Hóa các cấp từ Bộ trở xuống chúng ta có thể mở rộng phạm vi lưu bút lịch sử ghi danh những vị Khoa bảng ở Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Cát, Diễn Thắng.

Nếu làm được như vậy chúng ta để lại cho con cháu đời sau một di sản quý giá, phát huy truyền thống hiếu học, niềm tự hào về Tổ Tiên, mảnh đất đồng Giặm có một di tích Nhà Thánh với quy mô lớn, là điểm du lịch tâm linh cho con cháu trong vùng đến kính lễ cầu xin sự học được hanh thông đỗ đạt.